Tái cơ cấu sản xuất lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long

Việc tái cơ cấu sản xuất lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một phần trong quá trình tái cơ cấu kinh tế tại khu vực, phải gắn với phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường.
Tái cơ cấu sản xuất lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1Quang cảnh hội thảo. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 24/6, tại Cần Thơ đã diễn ra hội thảo “Tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức.

Tại hội thảo, đa số các ý kiến cho rằng việc tái cơ cấu sản xuất lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một phần trong quá trình tái cơ cấu kinh tế tại khu vực, phải gắn với phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, gắn với cơ chế thị trường.

Tái cơ cấu cần chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng lấy số lượng làm mục tiêu sang nâng cao chất lượng, hiệu quả, thể hiện qua việc tăng giá trị, lợi nhuận.

Các chuyên gia đề xuất các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục khai thác tốt lợi thế sẵn có, mở rộng sản xuất lớn thông qua các hình thức như cánh đồng mẫu lớn, hợp tác xã, trang trại, phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao để sản xuất lúa gạo đạt chuẩn quốc gia, quốc tế, tăng cường kết nối sản xuất với ngành công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ lúa gạo.

Bên cạnh đó, các tỉnh trong khu vực cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất nhằm góp phần tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Đồng bằng sông Cửu Long cần nâng cao năng lực chế biến sâu cũng như bảo quản sau thu hoạch theo hướng hiện đại, góp phần hữu hiệu giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng của lúa gạo.

Mặt khác, các tỉnh trong khu vực cần tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hoạch cho nông dân, mở rộng bảo hiểm nông nghiệp, mở rộng việc ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, trên cơ sở đó góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất.

Trước mắt, các tỉnh cần phối hợp với các cơ quan khoa học lai tạo các giống lúa mới và phục tráng các giống lúa địa phương thích nghi với biến đổi khí hậu, kháng sâu bệnh, năng suất cao, phẩm chất gạo tốt; xã hội hóa công tác nhân giống ba cấp gồm siêu nguyên chủng, nguyên chủng, xác nhận cung ứng cho nông dân với giá phải chăng nhằm khắc phục tình trạng thiếu giống lúa đạt chuẩn hiện nay.

Từ nay đến năm 2015-2016, các tỉnh cần cơ giới hóa tối đa các khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch, phơi sấy, bảo quản tồn trữ nhằm giảm tốt đa thất thoát, nhất là thất thoát sau thu hoạch, tồn trữ; phổ biến rộng khắp kỹ thuật canh tác lúa bền vững trong các khâu làm đất, tưới tiêu, chăm sóc, bón phân, sử dụng chế phẩm bảo vệ thực vật nhằm mở rộng vùng sản xuất lúa sạch, chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Song song đó, các tỉnh cần mở rộng qui trình canh tác lúa theo vùng sinh thái và quy trình GAP nhằm tạo ra lượng lúa gạo sạch lớn chiếm từ 40% diện tích đất lúa trở lên; mở rộng công nghệ chế biến lúa gạo thành các sản phẩm có giá trị cao nhằm giảm phụ thuộc vào xuất khẩu.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết từ nay đến năm 2020, toàn vùng ổn định sản lượng mỗi năm từ 24-25 triệu tấn lúa; từ năm 2020-2030 ổn định sản lượng mỗi năm 24 triệu tấn lúa.

Mô hình canh tác chủ yếu là đa canh, luân canh, kết hợp với trồng các loại cây trồng cạn; trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản để vừa duy trì sản lượng lúa, vừa tăng thêm thu nhập cho nông dân.

Trên diện tích đất trồng từ 2-3 vụ lúa, các tỉnh chuyển 112.000ha sang trồng các loại cây cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến trong nước, nhằm thay thế nguyên liệu nhập khẩu như ngô, đậu nành.

Trong thời gian qua, sản xuất lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long phát triển vượt bậc về diện tích, năng suất, sản lượng. Năm 1997, diện tích canh tác toàn vùng chỉ có 3,4 triệu lượt ha, đến cuối năm 2013 tăng lên 4,2 triệu lượt ha; năng suất lúa từ 3,98 tấn/ha tăng lên 5,86 tấn/ha; sản lượng lúa từ 14 triệu tấn tăng lên 25 triệu tấn. Lượng gạo xuất khẩu hàng năm của Đồng bằng sông Cửu Long chiếm trên 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước.

Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long còn gặp khó nhiều mặt như sản xuất còn nhỏ, manh mún với diện tích trung bình 0,87 ha/hộ. Hợp tác hóa trong sản xuất lúa chưa đạt yêu cầu, đến nay chỉ lập được 1.100 hợp tác xã và 33.000 tổ hợp tác, quy tụ chưa tới 30% số nông dân trong vùng; diện tích cánh đồng mẫu lớn đến nay chỉ có 134.000 ha; cơ giới hóa sản xuất lúa vẫn khó khăn, nhất là trong khâu gặt, sấy, bảo quản.

Ngoài ra, trong tiêu thụ lúa gạo, chỉ có 10% số lượng được bao tiêu qua hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp. Một số vùng như Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau, vùng ven biển còn chịu ảnh hưởng của lũ, phèn, mặn, khô hạn cục bộ. Nhìn chung, thu nhập của người trồng lúa còn thấp, chưa tương xứng với công sức đã đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục