Thủ tướng Abe đau đầu vì xuất khẩu giảm và đồng yen tăng giá

Xuất khẩu giảm mạnh nhất trong 3 tháng và hoạt động chế tạo giảm mạnh nhất kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền cho thấy chính sách kinh tế "Abenomics" đang gặp trở ngại.
Thủ tướng Abe đau đầu vì xuất khẩu giảm và đồng yen tăng giá ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Xuất khẩu giảm mạnh nhất trong ba tháng và hoạt động chế tạo giảm mạnh nhất kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền vào cuối năm 2012 là bằng chứng mới cho thấy chính sách kinh tế "Abenomics" đang gặp trở ngại.

Số liệu công bố được Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 23/5 cho thấy xuất khẩu của nước này trong tháng Tư tiếp tục đà giảm của các tháng trước mà nguyên nhân được cho là đồng yen mạnh lên cũng như việc tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác chậm lại, làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng "Made in Japan" của các thị trường này.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng Tư giảm 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 5.890 tỷ yen (53,6 tỷ USD), ghi dấu tháng thứ bảy giảm liên tiếp, một phần do xuất khẩu ôtô giảm sau khi các nhà sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau trận động đất tại tỉnh Kumamoto.

Kim ngạch nhập khẩu trong cùng tháng giảm 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 5.070 tỷ yen (46,1 tỷ USD).

Đây là tháng thứ 16 liên tiếp nhập khẩu của Nhật Bản giảm do giá trị nhập khẩu dầu thô giảm tới 51,8% và nhập khẩu khí đốt hóa lỏng giảm 44,5%.

Mặc dù vậy Nhật Bản vẫn đạt thặng dư thương mại 823,47 tỷ yen (7,5 tỷ USD), mức lớn nhất kể từ tháng 3/2010. Đây là tháng thứ ba liên tiếp Nhật Bản thặng dư thương mại.

Tính theo thị trường, xuất nhập khẩu sang Trung Quốc trong tháng Tư đều lần lượt giảm 7,6% và 16,8% xuống 1.040 tỷ yen (9,5 tỷ USD) và 1.330 tỷ yen (12,1 tỷ USD).

Xuất khẩu sang Mỹ giảm 11,8% xuống 1.200 tỷ yen (10,9 tỷ USD), trong khi nhập khẩu giảm 18,1% xuống 585.69 tỷ yen (5,3 tỷ USD). Đây là tháng thứ hai liên tiếp xuất khẩu sang các thị trường này giảm.

Trong khi đó, đối với thị trường Liên minh châu Âu (EU), xuất khẩu của Nhật Bản tăng 9,9% lên 702,52 tỷ yen (6,4 tỷ USD) và nhập khẩu giảm 8,4% xuống 617,45 tỷ yen (5,6 tỷ USD).

Chuyên gia kinh tế Yuichiro Nagai tại Công ty chứng khoán Barclays cho biết việc xuất khẩu giảm mạnh cho thấy những ảnh hưởng của trận động đất tại tỉnh Kumamoto cũng như sự sụt giảm nhu của các mặt hàng chủ chốt như thép tại châu Á.

Chuyên gia Nagai dự báo xuất khẩu của Nhật Bản sẽ không tăng mạnh trong tương lai, song giá dầu thô rẻ sẽ giúp nước này duy trì thặng dư thương mại trong một khoảng thời gian nữa.

Trong khi đó, kết quả khảo sát sơ bộ Markit/Nikkei cho thấy trong tháng Tư hoạt động chế tạo trải qua tháng giảm thứ ba liên tiếp và số đơn hàng mới giảm với tốc độ nhanh nhất trong vòng 41 tháng.

Kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, các kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bao gồm tăng chi tiêu công, nới lỏng chính sách tiền tệ và cải cách ban đầu đã đem lại những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, việc đồng yen tăng giá trong thời gian qua khiến ông Abe gặp khó khăn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong quý 1/2016 kinh tế Nhật Bản đã tăng 0,4% so với quý 4/2015.

Một số nhà phân tích lo ngại kinh tế Nhật có thể suy giảm trở lại sau tránh được suy thoái trong quý 1 vừa qua. Nhà kinh tế trưởng Takeshi Minami từ Viện Nghiên cứu Norinchukin nhận định xuất khẩu ôtô sang Mỹ sụt giảm là đáng quan ngại.

Kinh tế châu Á và toàn cầu vẫn yếu. Ngoài ra, đồng yen mạnh lên làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu, ảnh hưởng đến đầu tư vốn và tiền lương, qua đó tác động tới chính sách "Abenomics."/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục