Từng bước cân bằng cán cân thương mại Việt Nam-Trung Quốc

Việt Nam muốn chủ động đàm phán với Trung Quốc về việc gia tăng nhập khẩu các hàng nông sản, hàng công nghiệp của Việt Nam nhằm khắc phục vấn đề xuất siêu, mất cân bằng thương mại giữa hai nước.
Từng bước cân bằng cán cân thương mại Việt Nam-Trung Quốc ảnh 1Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: Tường Thu-Hải Yến/TTXVN)

Ngày 20/8, tại Bắc Kinh, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp với Trung tâm Trung Quốc-ASEAN (ACC) tổ chức Hội thảo Hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư, du lịch Việt Nam-Trung Quốc 2015.

Gần 100 quan chức, đại diện các bộ ngành, địa phương, học giả, doanh nhân của hai nước đã tham dự Hội thảo,

Đây là dịp để các đại diện của Việt Nam và Trung Quốc thẳng thắn chia sẻ các ý kiến mang tính xây dựng, nhằm nêu bật cơ hội và những tồn tại hiện nay trong hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư và du lịch giữa hai bên, góp phần nâng cao chất lượng hợp tác, phấn đấu đưa kim ngạch song phương lên mức 100 tỷ USD.

Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ đánh giá, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua tiếp tục có bước phát triển tích cực, trong đó hợp tác trong lĩnh vực kinh tế thương mại, đầu tư tiếp tục đóng vai trò quan trọng và nổi bật trong tổng thể quan hệ hợp tác.

Đại sứ Nguyễn Văn Thơ nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình kinh tế, thị trường tài chính thế giới và khu vực đang biến động, hai bên cần phối hợp đảm bảo cho sự tăng trưởng kinh tế ổn định của mỗi nước cũng như khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tránh những hệ lụy tiêu cực; phát huy hơn nữa tiềm năng hợp tác giữa hai nước; tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa của mỗi bên, từng bước cân bằng cán cân thương mại song phương.

Theo thống kê của hải quan Trung Quốc, nửa đầu năm nay, kim ngạch thương mại Việt-Trung đạt 41,8 tỷ USD, tăng 16,6% so với ​cùng kỳ, trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam đạt khoảng 31 tỷ USD, tăng 14,8%; kim ngạch nhập khẩu đạt 10,8 tỷ USD, tăng 22,1%, Trung Quốc liên tục trong 11 năm là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Việt Nam đứng thứ hai trong bảng xếp hạng về tốc độ tăng trưởng thương mại hai chiều cùng kỳ giữa Trung Quốc với các nước ASEAN, điều này cho thấy tiềm năng to lớn và tính bổ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực thương mại giữa hai nước. Ngoài ra, về lĩnh vực đầu tư và du lịch cũng đã đạt được thành tựu.

Tuy nhiên, diễn giả Trung Quốc cho rằng thương mại xuất nhập khẩu giữa hai nước dù vẫn giữ được mức tăng trưởng bền vững, song vấn đề xuất siêu, mất cân bằng thương mại vẫn luôn tồn tại; hạng mục đầu tư tăng nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư, mang tính chính trị nhiều hơn; hợp tác kinh tế tăng nhưng không ổn định; du lịch có tiềm năng lớn nhưng thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa hai cơ quan du lịch cấp chính phủ...

Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển quan hệ thương mại Việt Nam-Trung Quốc đã được các diễn giả nêu ra, ví dụ như phát triển quan hệ thương mại Việt-Trung theo hướng tiến tới cân bằng kim ngạch xuất nhập khẩu, chủ động đàm phán với Trung Quốc gia tăng nhập khẩu các hàng nông sản, hàng công nghiệp của Việt Nam, đồng thời tăng đầu tư trực tiếp vào Việt Nam để sản xuất và xuất khẩu hàng hóa trở lại Trung Quốc, khuyến khích xuất khẩu hàng hóa chế biến tinh, giá trị gia tăng cao.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục