VDPF 2013: Việt Nam xây dựng quan hệ đối tác mới

Việt Nam hiện đã bước vào ngưỡng của một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp nên quan hệ với các đối tác phát triển đã và sẽ có thay đổi.

Việt Nam hiện đã bước vào ngưỡng của một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp.

Như vậy, quan hệ với các đối tác phát triển đã và sẽ có những thay đổi cũng như điều chỉnh phù hợp với bối cảnh thay đổi của viện trợ toàn cầu cũng như ở Việt Nam. Và đây là lần đầu tiên sau 20 năm, cam kết ODA không còn là nội dung chính trong cuộc bàn thảo giữa Chính phủ Việt Nam với nhà tài trợ tại “Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam” (VDPF) được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 5/12.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh xung quanh Diễn đàn này.

- Bộ trưởng đánh giá thế nào về những nét mới tại Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam-VDPF?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Tôi cho rằng đây thực sự là lần cải tổ đầu tiên của Việt Nam. Sau 20 năm hợp tác với các đối tác quốc tế, Việt Nam đã từ một nước chậm phát triển trở thành một nước có thu nhập trung bình. Chính vì vậy, Chính phủ và các nhà tài trợ đã nhất trí đổi mới Hội nghị nhóm các nhà tài trợ (CG) theo hướng là một Diễn đàn đối thoại mở rộng với sự tham gia của tất cả các đối tác phát triển ở Việt Nam với tên gọi là VDPF.

VDPF 2013 sẽ tập trung đối thoại thực chất hơn và sâu sắc hơn về ưu tiên phát triển cũng như thách thức ở tầm trung hạn trong việc hoạch định và thực hiện chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong tiến trình phát triển đất nước và quan hệ hợp tác phát triển.

Với mục đích tập trung vào đối thoại chính sách hiệu quả hơn, Chương trình nghị sự của VDPF sẽ không bao gồm nội dung thảo luận và cam kết vốn ODA như các Hội nghị CG trước đây. Sự cam kết hỗ trợ tài chính của các nhà tài trợ vẫn là một nội dung quan trọng trong quan hệ hợp tác phát triển và sẽ được thảo luận, cam kết tại diễn đàn đối thoại song phương hoặc các diễn đàn khác giữa Chính phủ và các đối tác phát triển.

Tại Diễn đàn này, tôi tin tưởng rằng, VDPF sẽ cùng Việt Nam bước tiếp một chặng đường mới và VDPF sẽ giúp cho Việt Nam có những bước tiến thay đổi quan trọng.

- Khi thảo luận và cam kết vốn ODA cho Việt Nam không được đề cập tại Diễn đàn như tại các hội nghị CG trước đây, vậy theo Bộ trưởng, nguồn vốn viện trợ ODA lần này có giảm hay không?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Theo tôi, các mức hỗ trợ sẽ không giảm so với trước đây. Trong chuyến làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB), Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU)..., các đối tác vẫn cam kết dành cho Việt Nam những hỗ trợ trong thời kỳ tới. Tuy nhiên, việc thảo luận về ODA sẽ được bàn thảo theo hình thức song phương, thông qua các buổi làm việc giữa Chính phủ với các đối tác, chứ không dồn vào một hội nghị.

Cho đến nay, nhiều quốc gia công bố cam kết không giống nhau về thời điểm, nên điểm đổi mới này sẽ giúp Việt Nam và các đối tác phát triển chủ động trong công việc của mình.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, việc phân bổ nguồn vốn ODA sẽ được siết chặt lại. Các đối tượng nhận viện trợ ODA sẽ không được hưởng 100% ưu đãi như trước đây mà đòi hỏi phải có vốn đối ứng hoặc có khả năng hoàn trả một phần vốn. Hiện chúng ta đã ở ngưỡng trần nợ công, nếu không chọn được các dự án có khả năng hoàn trả nợ thì phải có tác động vào, chứ không phải vay bằng mọi giá.

Tôi cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần phải chuyển dần nhận thức về việc hỗ trợ ODA. Người dân cũng phải quen dần cách kinh doanh làm ăn mới, từ tâm lý nhận con cá sang nhận cần câu.

- Theo Bộ trưởng, hiện đây có phải là thời điểm tốt để Việt Nam chuyển đổi sang hình thức tiếp cận nguồn vốn mới?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Việt Nam đã trải qua “thời kỳ bú mớm," đến nay đã trưởng thành, cần phải tự lập, đứng trên đôi chân của mình. Tôi cho rằng, đây là một thời điểm tốt để Việt Nam chuyển đổi. Nhưng điều quan trọng là Việt Nam phải làm quen với vốn vay thương mại với lãi suất ngày càng cao.

Chính phủ sẽ lồng ghép các nguồn vốn khác nhau khi triển khai các dự án. Với những dự án có thể thu hồi vốn phải dùng vốn vay. Thời gian qua, chúng ta đã quá quen với vốn cho không và vì thế rất khó phát triển, cần phải quen với việc có vay, có trả để lựa chọn cách làm hiệu quả.

Ngoài ra, Việt Nam đã đến lúc phải chuyển từ viện trợ không hoàn lại sang các khoản vay lãi suất thấp hơn, rồi chuyển sang các khoản vay thương mại bình thường. Chúng ta cũng phải quen dần với việc vay với lãi suất thông thường. Đồng thời, chúng ta cũng phải hướng tới đến thời điểm Việt Nam sẽ cung cấp ODA cho các nước khác, như Thái Lan bây giờ. Tôi nghĩ rằng đây là một bước chuyển đổi có ý nghĩa vô cùng sâu sắc.

- Xin Bộ trưởng cho biết, ngoài những vấn đề thảo luận về cơ chế, chính sách, những nội dung nào còn được đề cập tới tại VDPF 2013?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: VDPF 2013 được mở rộng là một Diễn đàn đa phương, bao gồm tất cả các đối tác phát triển tham gia vào quá trình hoạch định, thực thi chính sách và hợp tác phát triển ở Việt Nam với cơ cấu thành phần tham dự mở rộng, bao gồm đại diện các cơ quan chính phủ trung ương và địa phương, các nhà tài trợ song phương và đa phương, các tổ chức xã hội nhân dân, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, khu vực tư nhân, các cơ quan nghiên cứu.

Mục tiêu của Diễn đàn bao gồm ba nội dung chính là đối thoại chính sách; định hướng hoạt động và thực hiện chính sách; diễn đàn của tất cả các đối tác phát triển. Ngoài ra, một số chủ đề cũng được thảo luận tại Diễn đàn là duy trì ổn định, tái cơ cấu kinh tế, phục hồi tăng trưởng và các nhóm chủ đề khác như giảm nghèo và giảm nghèo ở nhóm dân tộc ít người; khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân cung cấp dịch vụ công; quản lý môi trường, đào tạo nghề và tăng cường kỹ năng.

Trên cơ sở nội dung và kết quả của đối tác phát triển sẽ thống nhất các lĩnh vực ưu tiên, định hướng hoạt động và giải pháp thực hiện các chính sách của  hính phủ và các đối tác phát triển.

Trước và sau Diễn đàn còn có một loạt các hoạt động, đối thoại ở cả cấp độ chính sách và kỹ thuật theo các chủ đề được lựa chọn trên cơ sở Định hướng chung của Diễn đàn với sự tham dự của lãnh đạo của các bộ, ngành, địa phương và các đối tác phát triển có liên quan. Các diễn đàn gắn với Hội nghị CG trước đây như Diễn đàn doanh nghiệp Đối thoại phòng chống tham nhũng và Diễn đàn Hiệu quả viện trợ vẫn tiếp tục hoạt động…


- Xin cám ơn Bộ trưởng!

Tính đến tháng 12/2012, đã có 20 Hội nghị CG thường niên và 15 Hội nghị CG giữa kỳ (tổ chức đầu tháng Sáu hàng năm) được tổ chức. Trong 20 năm qua, từ năm 1993-2012, tổng vốn ODA các nhà tài trợ cam kết cho Việt Nam là 78,195 tỷ USD; trong đó ký kết đạt 56,05 tỷ USD (chiếm 71,69% tổng vốn ODA cam kết), bao gồm 51,607 tỷ USD vốn vay ưu đãi, chiếm 88,4% và 6,76 tỷ USD viện trợ không hoàn lại, chiếm 11,6%. Tổng vốn ODA giải ngân trong cùng thời kỳ này đạt 37,59 tỷ USD, chiếm 66,92% vốn ODA đã được ký kết.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục