Vụ bác sỹ gốc Việt bị lôi khỏi máy bay: Đây là nước Mỹ của Trump

Vụ bác sỹ gốc Việt bị lôi thô bạo khỏi máy bay là "lỗi của ông Trump"

Sự kiện một người Mỹ gốc Việt bị kéo lê một cách thô bạo khỏi chuyến bay của hãng United Airlines đã thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận và báo chí thế giới.
Vụ bác sỹ gốc Việt bị lôi thô bạo khỏi máy bay là "lỗi của ông Trump" ảnh 1Bác sỹ gốc Việt David Dao bị kéo khỏi máy bay của United Airlines.

Sự kiện một người Mỹ gốc Việt bị kéo lê một cách thô bạo khỏi chuyến bay của hãng United Airlines đã thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận và báo chí thế giới. Dưới đây là một bài viết chứa đựng quan điểm khá đặc biệt về sự kiện được đăng tải trên tờ Independent của Anh:

"Nước Mỹ đã cảm nhận được sự rạn nứt suốt thời gian qua. Trong suốt thập kỷ qua, đất nước này bị chia cắt rõ rệt đến mức những bài diễn thuyết công khai đã trở nên hoàn toàn bế tắc. Thỏa hiệp đã trở thành một từ độc hại, đáng kinh tởm, và mọi người không còn muốn nói về các vấn đề của họ nữa. Họ muốn được xác nhận ngay và hành động nhanh chóng, bất kể cái giá là gì.

Đó là lý do vì sao đoạn phim ghi lại cảnh một hành khách của hãng hàng không United Airlines mặt mũi máu me bị kéo lê một cách hung bạo khỏi máy bay ở Chicago do không chịu từ bỏ chỗ ngồi của mình, lại gây sốc đến thế.

Nếu đi máy bay trong vòng 10 năm qua, bạn chắc chắn đã từng ở trên một chiếc máy bay chật kín người. Bạn thậm chí có thể đã được đề nghị đền bù ít nhiều để bỏ chuyến bay nhằm nhường chỗ cho nhân viên hàng không. Nhưng nếu bạn từng tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra khi hãng hàng không không thể mua chuộc một hành khách đã trả tiền phải bỏ chuyến bay, thì giờ bạn biết rồi đấy: họ sẽ dùng bạo lực.

Các trang tin trên khắp thế giới đang tràn ngập những đoạn video lan truyền về một người đàn ông Mỹ gốc Việt la hét lúc bị kéo lê một cách thô bạo, ra khỏi chỗ ngồi ông ta đã trả tiền mua. Không quan trọng chuyện người này khẳng định mình là một bác sỹ cần về nhà để chăm sóc cho những bệnh nhân đang đau ốm hay những hành khách khác cũng phản đối việc đuổi ông ta khỏi máy bay.

[Ông Trump đã xem video vụ bác sĩ gốc Việt bị lôi khỏi máy bay]

Một công ty hàng không làm ăn vì lợi nhuận như United Airlines muốn có chỗ cho người của họ và vì thế nhân viên an ninh được bật đèn xanh để đánh đập người khác nhằm đáp ứng yêu cầu đó.

Và phản ứng của người đại diện hãng United Airlines là gì? Khẳng định nhân viên của họ đều "làm đúng theo các quy trình đã đề ra" và gọi khách hàng là "kẻ gây rối và hiếu chiến." Cũng có nghĩa là: cách đối xử bạo lực với các hành khách của chúng tôi chẳng phải chuyện gì to tát cả.

Ngay sau sự việc này, giá cổ phiếu của công ty lập tức sụt giảm và United Airlines rất có khả năng sẽ trở thành công ty bị chế nhạo nhiều nhất trong lịch sử Twitter.

"Lên máy bay là bác sỹ, xuống máy bay là bệnh nhân," một người viết về sự việc với hashtag #NewUnitedAirlinesMottos (phương châm mới của United Airlines). "Trong chữ hiếu khách (hospitality) có chữ bệnh viện (hospital)," một người khác viết.

Có một thực tế là người ta vẫn hay bị ép phải rời khỏi máy bay. Chỉ riêng năm ngoái, chính United thẳng chân đá 3.765 hành khách đã trả tiền khỏi các chuyến bay của hãng. Như vậy, điều đáng sợ nằm ở chỗ người đàn ông mặt đầy máu chỉ muốn về nhà để đi làm vào ngày hôm sau kia cũng có thể là bất kỳ ai trong chúng ta.

Những dịch vụ an ninh mới triển khai gần đây đã biến các sân bay thành chiến trường bài ngoại, và khuyến khích người ta dùng vũ lực thay vì dừng lại và suy nghĩ kỹ.

Bạn còn nhớ Mem Fox, một nhà văn 70 tuổi người Australia từng chia sẻ rằng bà đã "khóc nức nở như một em bé" khi bị lực lượng kiểm soát biên giới Mỹ giam giữ tại sân bay Los Angeles hồi tháng Hai năm nay? "Chưa bao giờ trong đời tôi phải nghe những lời xấc xược, bị đối xử một cách khinh thường với vô số lời xúc phạm và sự khiếm nhã đến vậy," bà chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn sau đó.

Donald Trump liên quan đến tất cả những chuyện này. Đó là người đàn ông từng đe dọa sẽ làm những người biểu tình phải "són ra quần", khuyến khích những người ủng hộ ông ta đấm vào mặt những người không có đức tin và dường như đã gợi ý ai đó ám sát đối thủ đảng Dân chủ của mình trên đường đua chiến dịch.

Trump còn hứa sẽ bảo vệ những kẻ cuồng tín bảo thủ của mình trước tòa nếu họ gặp rắc rối vì đánh nhau với những người bất đồng chính kiến. Và khi bầu ông lên ghế tổng thống, nước Mỹ đã vô tình xác nhận những niềm tin trái ngược, xu hướng bạo lực của rất nhiều người.

Sau cùng, Tổng thống Mỹ là người ngồi trong văn phòng quyền lực nhất đất nước. Ông là một hình mẫu cho toàn thế giới - và giờ thì hình mẫu đó đang móc mỉa những người khuyết tật, đề nghị những người ủng hộ xử lý bất kỳ ai không đồng tình với họ. Bạn nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra chứ?

[Dư luận phẫn nộ với vụ khách gốc Việt bị lôi ra khỏi máy bay]

Những người theo chủ nghĩa tự do chống phát xít đang đốt phá và đánh nhau, những người có đức tin mù quáng đang tấn công người Hồi giáo tại nơi làm việc, trường học bị xả súng và những tội ác do thù ghét tăng vọt.

Những vấn đề này đã trở nên phổ biến đến nỗi khó mà cảm thấy ngạc nhiên hay ghê tởm nữa. Chúng đang mắc vào trong tư tưởng của nước Mỹ và dường như chẳng ai thèm quan tâm.

Thích hay không thì chúng ta bây giờ vẫn đang sống trong nước Mỹ của Donald Trump - và nếu muốn sống trong một xã hội mà bạn không cần phải lo sợ bị đánh nhừ tử chỉ vì đi nghỉ mát, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục