Anh mong muốn sớm ký FTA với Nhật Bản sau khi rời EU

Hồi giữa tháng 1, ông Jeremy Hunt, người khi đó vẫn còn là Ngoại trưởng Anh, từng khẳng định London đang nghiên cứu khả năng tham gia CPTPP và ký kết một FTA với Nhật Bản sau khi nước này rời khỏi EU.
Anh mong muốn sớm ký FTA với Nhật Bản sau khi rời EU ảnh 1Vận chuyển hàng hóa tại cảng Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko ngày 20/8, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh Liz Truss cho biết Anh sẵn sàng sớm ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Nhật Bản sau khi nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31/10.

Trong cuộc điện đàm trên, Bộ trưởng Truss, người mới nhậm chức hồi cuối tháng 7/2019, đã bày tỏ sự quan tâm của nước Anh về việc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Bà Truss cũng bày tỏ ý định thăm Nhật Bản trước khi Anh rời EU để thảo luận về FTA song phương với Nhật Bản và CPTPP.

Trước đó, hồi giữa tháng 1/2019, ông Jeremy Hunt, người khi đó vẫn còn là Ngoại trưởng Anh, từng khẳng định London đang nghiên cứu khả năng tham gia CPTPP và ký kết một FTA với Nhật Bản sau khi nước này rời khỏi EU.

[EU không đồng tình với yêu cầu của Anh về điều khoản “chốt chặn”]

Trả lời phỏng vấn nhật báo Nikkei trước thềm chuyến thăm Anh của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Hunt nói: “Chúng tôi sẽ luôn tìm kiếm quan hệ đối tác thương mại với Nhật Bản thông qua một thỏa thuận song phương hoặc CPTPP - thỏa thuận có rào cản thấp nhất đối với hoạt động thương mại.”

Hiệp định Đối tác Kinh tế Nhật Bản-EU đã có hiệu lực từ tháng 2/2019 và các quy định trong hiệp định này sẽ còn hiệu lực đối với các giao dịch giữa Anh và Nhật Bản chừng nào Anh vẫn còn là thành viên của EU.

Nếu Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào, Anh sẽ phải thương lượng lại một hiệp định mới với Nhật Bản để tiếp tục có quan hệ đối tác thương mại suôn sẻ với Nhật Bản.

Ông Hunt nói: “Nếu chúng tôi rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào, điều đó sẽ gây ra sự gián đoạn, vốn không có lợi cho hoạt động kinh doanh.”

Trong thời gian gần đây, chính phủ Nhật Bản đã nhiều lần kêu gọi Anh tránh rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận nào do lo ngại điều này sẽ tác động nghiêm trọng tới các doanh nghiệp Nhật Bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục