AU hối thúc các nước thành viên sớm sử dụng vaccine được viện trợ

Lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi Malawi và Nam Sudan cho biết sẽ tiêu hủy hơn 75.000 liều vaccine của AstraZeneca do lô vaccine này đã hết hạn sử dụng từ ngày 13/4.
AU hối thúc các nước thành viên sớm sử dụng vaccine được viện trợ ảnh 1Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhân viên y tế tại bệnh viện ở Khartoum, Sudan, ngày 9/3/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) thuộc Liên minh châu Phi (AU) ngày 22/4 đã kêu gọi các nước thành viên nhanh chóng sử dụng vaccine ngừa COVID-19 đã được viện trợ, không để số vaccine này hết hạn giống như đang xảy ra tại Malawi và Nam Sudan. 

Ông John Nkengasong - Giám đốc CDC châu Phi, cho rằng tình hình dịch bệnh tại châu Phi đang trong tình huống khẩn cấp, do đó, ông kêu gọi tất cả các nước thành viên Liên minh châu Phi nhanh chóng sử dụng số vaccine ngừa COVID-19 được phân bổ.

Lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi Malawi cho biết sẽ tiêu hủy hơn 16.000 liều vaccine của AstraZeneca do Viện Serum của Ấn Độ sản xuất do lô vaccine này đã hết hạn sử dụng từ ngày 13/4.

Số vaccine này được viện trợ cho AU thông qua cơ quan viễn thông MTN. Trong khi đó, Nam Sudan dự định không sử dụng 59.000 liều vaccine do AU cung cấp cũng vì lý do quá hạn sử dụng.

[Nam Sudan muốn loại bỏ 60.000 liều vaccine Oxford/AstraZeneca hết hạn]

Tuy nhiên, ông Nkengasong dẫn thông báo của Viện Serum cho biết số vaccine trên vẫn có thể sử dụng đến giữa tháng 7, căn cứ vào số liệu phân tích sản phẩm, và CDC châu Phi đã cập nhật thông tin trên với các nước thành viên.

Hiện các nước châu Phi vẫn đang tìm cách có đủ lượng vaccine để triển khai chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn.

Thực tế là nhiều nước khu vực này vẫn đang phụ thuộc vào các nguồn vaccine được tài trợ thông qua COVAX - chương trình phân phối vaccine ngừa COVID-19 dành cho các nước có thu nhập thấp và trung bình. 

Theo ông Nkengasong, đến nay, đã có 15 triệu liệu vaccine ngừa COVID-19 được sử dụng để tiêm chủng tại châu Phi - lục địa có 1,3 tỷ dân. CDC châu Phi đặt mục tiêu tiêm chủng cho 60% dân số châu lục, tức khoảng 750 triệu người vào cuối năm 2021./.  

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục