Bắc Macedonia khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine của AstraZeneca

Bắc Macedonia đã nhận lô đầu tiên gồm 24.000 liều vaccine của AstraZeneca thông qua cơ chế phân phối vaccine COVAX do Liên hợp quốc đồng chỉ đạo.
Bắc Macedonia khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine của AstraZeneca ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Skopje, Bắc Macedonia, ngày 31/3/2021. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 31/3, giới chức Bắc Macedonia triển khai chiến dịch tiêm phòng COVID-19 sử dụng vaccine của AstraZeneca.

Bộ trưởng Y tế Venko Filipce cho biết bước đầu vaccine của AstraZeneca sẽ chỉ được tiêm cho người trên 60 tuổi.

Trước đó, ngày 28/3, Bắc Macedonia đã nhận lô đầu tiên gồm 24.000 liều vaccine của AstraZeneca thông qua cơ chế phân phối vaccine COVAX do Liên hợp quốc đồng chỉ đạo.

Theo kế hoạch, 20.000 liều vaccine sẽ được dành riêng cho nhóm trên 77 tuổi, nhóm được ưu tiên tiêm trước tại quốc gia này.

Trong những tuần tới, Bắc Macedonia sẽ nhận 76.000 liều vaccine của AstraZeneca thông qua cơ chế COVAX, để đẩy nhanh tiến độ và mở rông đối tượng tiêm chủng.

[EU đẩy mạnh nghiên cứu về nguy cơ gây đông máu của vaccine AstraZeneca]

Tính đến ngày 31/3, Bắc Macedonia ghi nhận tổng cộng 130.022 ca mắc bệnh, trong đó có 3.871 ca tử vong. Quốc gia này mới tiêm phòng COVID-19 cho khoảng 7.000 nhân viên y tế.

Trong khi đó, cùng ngày 31/3, Chính phủ Italy thông báo tất cả các nhân viên y tế tại quốc gia này đều sẽ phải tiêm phòng COVID-19.

Quyết định này nhằm bảo vệ các bệnh nhân dễ chịu tổn thương và đẩy lùi tư tưởng hoài nghi vaccine.

Biện pháp này được cho là có thể gây tranh cãi vì Italy là một trong những quốc gia có tỷ lệ người dân hoài nghi vaccine khá cao.

Gần đây, Italy đã ghi nhận những ổ dịch tại các bệnh viện có nhân viên từ chối tiêm vaccine, làm dấy lên làn sóng chỉ trích tại quốc gia đã ghi nhận 109.000 ca tử vong vì dịch bệnh này.

Sắc lệnh mới được Thủ tướng Mario Draghi thông qua nêu rõ các nhân viên y tế, bao gồm cả các dược sỹ, phải tham gia tiêm phòng. Những trường hợp từ chối tiêm sẽ bị cho nghỉ việc không lương tới cuối năm 2021.

Thông báo của Chính phủ Italy nêu rõ mục đích của biện pháp này không chỉ bảo vệ lực lượng y tế mà  cả các bệnh nhân và những người trong các bệnh viện-môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao. Sắc lệnh cũng đưa ra những biện pháp bảo vệ về mặt pháp lý dành cho những người tiêm chủng.

Cũng giống như nhiều quốc gia khác tại Liên minh châu Âu (EU), hiện chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 tại Italy đang trì trệ do thiếu nguồn cung.

Tuy nhiên, Chính phủ Italy cam kết sẽ đẩy nhanh tốc độ để tiến tới tiêm cho 500.000 người/ngày vào tháng Tư, từ mức khoảng 230.000 người/ngày hiện nay.

Kể từ khi triển khai tiêm chủng hồi cuối tháng 12/2020, tới nay, Italy đã tiêm khoảng 10 triệu liều, trong đó khoảng 3,1 triệu người (trên tổng dân số 60 triệu dân) đã được tiêm đủ 2 mũi.

Italy từng là điểm nóng khi làn sóng dịch bệnh đầu tiên tấn công châu Âu và tới nay vẫn là nước có số ca tử vong vì dịch bệnh cao thứ 2 trong châu lục, chỉ sau Anh.

Tháng trước, dịch bùng phát mạnh trở lại tại nước này buộc giới chức phải áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế tại một số khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục