Bài 4: Thầy cô giáo “bộ đội” và niềm vui vỡ òa khi “tiếp quản”

"Trên xe, chúng tôi vừa đi vừa may cờ Tổ quốc để sẵn sàng treo lên trụ sở Bộ Văn hóa Giáo dục Thanh niên. Ai nấy đều trào dâng niềm vui không gì diễn tả được, niềm vui chiến thắng,..."
Nhà giáo Đinh Trọng Văn (đứng giữa) vào tiếp quản Đại học Văn khoa Sài Gòn. (Ảnh: NVCC)
Nhà giáo Đinh Trọng Văn (đứng giữa) vào tiếp quản Đại học Văn khoa Sài Gòn. (Ảnh: NVCC)

“Ngày 30/4/1975, cảm xúc như vỡ òa khi đất nước hoàn toàn giải phóng, chúng tôi, những cán bộ Tiểu ban Giáo dục R vào Sài Gòn tiếp quản các cơ sở giáo dục trong nhiềm vui chiến thắng hân hoan,” bà Đinh Lê Hà xúc động nói.

Vừa đi vừa may cờ Tổ quốc

Từ cuối tháng 3/1975, Tiểu ban Giáo dục R đã lên kế hoạch thành lập Tiểu ban tiếp quản giáo dục Sài Gòn với ba đoàn tiếp quản ở ba bộ phận: Cơ sở Bộ Văn hóa Giáo dục Thanh niên, các viện đại học, các trường trung học. Tiểu ban đã họp để phát quân phục cho các thành viên, tổ chức tập huấn công tác tiếp quản. 

Nhớ về những ngày tiếp quản Sài Gòn, bà Đinh Lê Hà vẫn đầy xúc động: “Ngày 28/4/1975, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng. Sáng 29/4/1975, xe bắt đầu chuyển bánh đưa chúng tôi tiến về Sài Gòn. Trên xe, chúng tôi vừa đi vừa may cờ Tổ quốc để sẵn sàng treo lên trụ sở Bộ Văn hóa Giáo dục Thanh niên. Xe xóc đâm gẫy cả kim. Ai nấy đều trào dâng niềm vui không gì diễn tả được, niềm vui chiến thắng, vui như nở từng khúc ruột.”

“Niềm vui ấy càng vỡ òa khi cả đoàn đi đến gần Củ Chi thì nghe tin Dương Văn Minh đầu hàng. Đất nước đã hoàn toàn giải phóng. Chúng tôi đều reo hò. Thế là hòa bình. Thế là không còn bom đạn, không còn lo bị phục kích. Xe chạy băng băng trên đường đất đỏ bụi mù và trong niềm vui chiến thắng hân hoan,” bà Hà bồi hồi kể.

Bài 4: Thầy cô giáo “bộ đội” và niềm vui vỡ òa khi “tiếp quản” ảnh 1Bà Đinh Thu Hà vẫn không thể quên cảm xúc vỡ òa của ngày chiến thắng. (Ảnh: PV)

[Bài 1: Mặt trận giáo dục-đặc thù riêng có của chiến tranh Việt Nam]

Tới Củ Chi, mọi người đều chỉnh trang lại trang phục, đầu tóc, phủi bụi trên quần áo, thật đàng hoàng tiến về Sài Gòn. Đến Ngã ba Bảy Hiền, đường đông chật cứng người.

“Người dân đứng kín đường đón chào quân giải phóng. Nhiều người tò mò sờ thử vào người tôi xem chiến sỹ cộng sản thì như thế nào rồi thì thào ‘không mọc lông như khỉ nhỉ’, vì họ được giặc tuyên truyền là ‘bảy tên cộng sản đu không gãy cành đu đủ’, và cộng sản ở trong rừng nên ‘mọc lông như khỉ”, bà Hà cười giòn khi nhớ về lần đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn hoa lệ.

Cô gái Đinh Lê Hà khi ấy mới 19 tuổi. Niềm vui quá lớn khiến cô và bao đồng đội dường như không thể ngủ. “Tới tận mấy năm sau, mỗi dịp 30/4, tôi vẫn không ngủ được vì nhớ lại những cảm xúc của ngày chiến thắng, nhớ đồng đội và những năm tháng ở R,” bà Hà chia sẻ.

Bài 4: Thầy cô giáo “bộ đội” và niềm vui vỡ òa khi “tiếp quản” ảnh 2Nhân dân ào ra, vây quanh xe của đoàn quân giải phóng ngày 30/4/1975. (Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN)

“Ngả mũ” trước giải phóng quân

Tiếp quản cơ sở giáo dục của ngụy quyền, các nhà giáo chiến sỹ đã khiến cho lực lượng cán bộ của địch đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về “bộ đội cụ Hồ.”

Nhìn 10 ngón tay như múa trên bàn phím của cô giải phóng quân trẻ tuổi Đinh Lê Hà, đội ngũ văn thư thuộc bộ phận văn phòng của Bộ Văn hóa Giáo dục Thanh niên của ngụy quyền Sài Gòn “choáng váng” vì tốc độ đánh máy quá nhanh.

“Mình đánh máy bằng ngón tay và từng gõ thâu đêm suốt sáng nên đánh rất nhanh, trong khi các cô văn thư ở đây lại gõ máy bằng... bút vì họ sợ hỏng móng tay. Vì thế, nhìn tôi gõ phím, họ lé mắt,” bà Hà cười khi nhớ lại.

[Bài 2: Lớp học thời chiến và phong trào giáo dục "cơm chấm cơm"]

Với nhà giáo Đỗ Trọng Văn, ngày tiếp quản cũng là một kỷ niệm khó quên khi ông được giao nhiệm vụ tiếp quản Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn. “Nhiệm vụ của tôi khi ở Tiểu ban Giáo dục R là làm công tác tuyên truyền. Tôi phải nghiên cứu viết bài về giáo dục trong vùng tạm chiếm nên đọc được nhiều bài viết của các giáo sư, trí thức ở vùng tạm chiếm, trong đó có các giáo sư của Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn. Vì thế, khi gặp các giảng viên, giáo sư của trường, tôi nói chuyện, phân tích về nền giáo dục Sài Gòn và nền giáo dục cách mạng ở miền Bắc, trong đó có đề cập đến các quan điểm giáo dục của chính các giáo sư này khiến họ rất ngạc nhiên. Họ không hiểu tại sao ‘các anh bộ đội giải phóng’ đội mũ tai bèo lại am hiểu về giáo dục như thế. Họ đặt ra những câu hỏi về giáo dục của hai chế độ miền Nam và miền Bắc, về tương lai của nền giáo dục nước nhà, tôi đều trả lời rành mạch nên họ rất khâm phục bộ đội cụ Hồ,” thầy Trọng Văn chia sẻ.

[Bài 3: Những ngày thâu đêm in sách và thư viện trong lòng đất]

Nhà giáo Hoàng Tư Hậu, khi được giao nhiệm vụ đứng lớp để giảng về giáo dục cách mạng cho các giáo viên ngụy quyền, chỉ bằng một bài thơ đã thay đổi góc nhìn của các giáo viên này về người chiến sỹ giải phóng. Ông kể trong tuyển tập “Nhà giáo Nghệ An đi B, một thời để nhớ”: “Một buổi tối, anh em đề nghị tôi hát, tôi xin đọc bài thơ ‘Lửa Đèn’ của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Mấy trăm giáo viên ở sân trường Tiểu học Gò Dầu im phăng phắc. Khi tôi đọc: ‘Anh cùng em sang bên kia cầu...’ Tôi nghỉ uống nước, nghe tiếng nho nhỏ: ‘Họ cũng yêu, cũng tình cảm đó chứ’. Khi đọc đến đoạn: “Ta thắp đèn lên đỉnh núi, gọi quân giặc đem bom đến dội, cho đá lở đá lăn, lấy đá kê cầu... Ta bật đèn pha ôtô trong chớp lòe ánh đạn. Rồi tắt đèn quay xe, đánh lạc hướng giặc rồi ta lại lái xe đi. Ngày mai, ngày mai hoàn toàn chiến thắng. Anh dắt tay em, trời chi chít sao giăng...” Đọc đến đây thì tiếng vỗ tay rầm rầm không dứt. Âm thanh ấy như còn đọng trong đầu tôi đến tận bây giờ”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục