Báo Anh tìm ra địa điểm nghi đã bắn tên lửa vào chuyến bay MH17

Phóng viên báo Telegraph của Anh đã tìm thấy một khoảng đất cháy xém, nghi là địa điểm đã phóng đi quả tên lửa Buk bắn vào chuyến bay MH17 của Malaysia ở miền Đông Ukraine.
Báo Anh tìm ra địa điểm nghi đã bắn tên lửa vào chuyến bay MH17 ảnh 1Khoảng đất bị cháy xém mà phóng viên Telegraph cho rằng là nơi đã đặt tên lửa Buk bắn vào MH17 (Nguồn: Telegraph)

Báo chí và chuyên gia quân sự phương Tây nói rằng chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH17 của Malaysia bị rơi ở phía Đông Ukraine do trúng tên lửa Buk (NATO gọi là SA-11). Trong nỗ lực tìm kiếm dấu vết nơi quả tên lửa được phóng đi, hãng tin Telegraph đã điều phóng viên tới Đông Ukraine.

Kết quả là phóng viên tìm thấy những chỗ lúa mỳ bị thiêu cháy đen, dường như đã chịu tác động nhiệt cực lớn. Nằm gần đó là các mảnh thủy tinh với dấu vết bị lửa táp, các mảnh nhựa bị đun chảy...  

Nếu chỉ có thế sẽ rất khó kết luận đây là nơi diễn ra vụ phóng tên lửa. Nhưng địa điểm nghi vấn này nằm cách biên giới Nga chỉ vài cây số, cách điểm rơi MH17 khoảng 20 km.

Nó cũng nằm trong thị trấn Snizhnoye, nơi một bức ảnh do Mỹ chụp được cho thấy dường như một quả tên lửa SA-11 (Buk) đã rời bệ phóng và lao tới chiếc máy bay chở khách.

Không có sự giám định của chuyên gia, rất khó để kết luận rằng vùng đất bị cháy xém mà Telegraph phát hiện là kết quả của một vụ phóng tên lửa.  

Tương tự, các dấu bánh xích trong khu vực có thể do một xe phóng tên lửa tạo ra, nhưng cũng có thể đó chỉ là vệt xích của xe bọc thép hoặc máy nông nghiệp thuần túy.

Tuy nhiên hình ảnh do phía Mỹ công bố dường như đã trùng hợp với phân tích của một số chuyên gia, chỉ ra những đoạn video cho thấy sự xuất hiện của xe phóng tên lửa Buk trong Snizhnoye và Torez, 2 thị trấn gần điểm MH17 rơi nhất, không lâu trước khi chiếc máy bay bị bắn hạ.

Cụ thể Eliot Higgins, nhà phân tích video và ảnh đang điều hành các blog Brown Moses, Bellingcat, đã xuất bản một đoạn video ghi từ camera gắn trên ô tô, bên cạnh nhiều tấm ảnh vệ tinh, cho thấy xe phóng Buk di chuyển trong khu vực. Một blogger khác thậm chí nói rằng anh đã xác định được khu vực phóng tên lửa là một điểm nhỏ, nằm ở phía Đông Nam Snizhnoye, dựa trên bức ảnh chụp vệt khói tên lửa do Cơ quan an ninh Ukraine cung cấp.

Trong khi Telegraph không thể xác nhận độ chính xác của các phân tích đó, phóng viên tờ báo ở hiện trường đã có cái nhìn rõ ràng hơn về sự kiện, thấy rằng việc tìm điểm phóng tên lửa chẳng khác nào chuyện mò kim đáy bể.

Hai địa điểm phóng tiềm năng, gồm một nông trang tập thể và một cánh đồng lúa mỳ gần đó, quả thực có vệt xe bánh xích, nhưng lại không có dấu hiệu phóng tên lửa.

Báo Anh tìm ra địa điểm nghi đã bắn tên lửa vào chuyến bay MH17 ảnh 2Hình ảnh vệ tinh Digital Globe của Mỹ phân tích về địa điểm phóng tên lửa, địa điểm máy bay phát nổ và địa điểm xác máy bay rơi (Nguồn: Digital Globe)

Ở giữa một trong những điểm phóng tiềm năng, một phóng viên thấy chiếc máy gặt đập liên hợp cũ kỹ đang hoạt động trên cánh đồng. Từ nơi đây, người ta có thể quan sát tốt mọi hướng, bao gồm cả hướng mà MH17 bay tới.

Dường như đây là điểm lý tưởng để đặt ra đa điều khiển tên lửa đối không. Tuy nhiên tài xế điều khiển máy gặt đập là Vassily nói rằng anh chẳng thấy có dấu hiệu nào về một vụ phóng tên lửa ở đây. Chính anh là người đã chỉ cho Telegraph biết về một góc bị thiêu cháy bí hiểm trên cánh đồng lúa mỳ của mình, nơi phóng viên tìm thấy các mảnh nhựa màu xanh bị đun chảy kể trên.

Khu vực bị thiêu cháy này cũng nằm trên đường bay của tên lửa và các dấu vết của xe bánh xích có hiện diện ở đây. Nhưng ngoài những dấu vết đó, chẳng có gì khác để xác nhận một vụ phóng tên lửa đã diễn ra ở đây.

Ngoài ra, các chuyên gia tiếp xúc với Telegraph nói rằng Buk là hệ thống khá nhẹ nên khó có thể để lại vết xích sâu trên mặt đất. Việc tìm dấu vết xe phóng Buk vì thế càng trở nên khó khăn.

Nói tóm lại, dù đã tìm thấy số điểm nghi vấn, việc xác định cụ thể tên lửa được bắn đi từ đâu sẽ không phải là chuyện dễ dàng.

Trong ngay 23/7, hãng Reuters cũng đã thực hiện cuộc phỏng vấn với một thủ lĩnh ly khai Ukraine, trong đó ông này nêu giả thuyết quân đội Ukraine đã cố tình gài bẫy, để chiếc máy bay Boeing777 bay vào vùng trời phía Đông đất nước do quân ly khai kiểm soát, dẫn tới thảm họa hôm 17/7./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục