Báo cáo nhóm công tác VBF 2014 "bắt bệnh" hệ thống ngân hàng

Báo cáo của Nhóm công tác Ngân hàng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng phần lớn các ngân hàng Việt Nam đang có vấn đề do cơ cấu tài sản có và nguồn vốn đang có sự chênh lệch lớn về kỳ hạn.
Báo cáo nhóm công tác VBF 2014 "bắt bệnh" hệ thống ngân hàng ảnh 1Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF 2014). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Phần lớn các ngân hàng Việt Nam đang có vấn đề, do cơ cấu tài sản có và nguồn vốn đang có sự chênh lệch lớn về kỳ hạn. Trên hệ thống ngân hàng hiện nay, bình quân hơn 80% nguồn vốn là kỳ hạn dưới 6 tháng, bên cạnh đó khoảng 40% giá trị tài sản của ngân hàng lại có kỳ hạn hơn 3 năm.

Đây là đánh giá trong Báo cáo của Nhóm công tác Ngân hàng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF 2014).

Theo phân tích từ Báo cáo của Nhóm, “căn cứ vào sự biến động lãi suất trên thị trường thời gian qua cho thấy, các ngân hàng Việt Nam đang đứng trước những rủi ro lớn về lãi suất cũng như những khó khăn thường xuyên về thanh khoản và một số rủi ro hệ thống tiềm tàng đối với toàn ngành. Do đó, một trong những giải pháp chính để xử lý rủi ro mất cân đối về kỳ hạn ở trên là phải tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn nội địa hiện còn non yếu.”

Thêm vào đó, thời gian tới đây, việc các chương trình hội nhập ASEAN, Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN và một số hiệp định thương mại nhiều khả năng được ký kết (như Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương-TPP,) sẽ thúc đẩy và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Do vậy, Nhóm công tác Ngân hàng kiến nghị, Việt Nam cần khắc phục những vướng mắc trong ngành ngân hàng đồng thời bắt tay ngay vào việc định hình các thị trường tài chính nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước đến năm 2020 và xa hơn.

Cụ thể, Nhóm công tác đề xuất Việt Nam cần tập trung xử lý những vấn đề, như phát triển thị trường vốn và nợ nội tệ mạnh mẽ hơn, để doanh nghiệp có thể được hỗ trợ về nhu cầu vay vốn đầu tư dài hạn; tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; đơn giản hóa chứng từ thương mại và ngoại hối; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong ngành ngân hàng qua đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp tục cải cách, tái cơ cấu ngân hàng nội địa đồng thời nâng cao thể chế tại các ngân hàng nhằm đảm bảo đạo đức trong ngành.

Báo cáo nhóm công tác VBF 2014 "bắt bệnh" hệ thống ngân hàng ảnh 2Thúc đẩy thị trường vốn nội địa được coi là một trong những giải pháp chính cho các vấn đề hiện nay của hệ thống ngân hàng Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh đó, Nhóm công tác cũng đưa ra một số vướng mắc trọng tâm và đề nghị Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn giải đáp, như quản lý ngoại hối, chống rửa tiền, khai hải quan… Trong đó, việc không cho phép vay vốn tuần hoàn từ Ngân hàng Nhà nước hiện mâu thuẫn với thông lệ quốc tế về cho vay, đặc biệt khi cho vay với mục đích tài trợ vốn lưu động thay đổi liên tục trong năm.

Bởi đối với doanh nghiệp, sử dụng vòng quay vốn ngắn (một vài tháng) góp phần giảm đáng kể chi phí vốn vay cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có lịch sử tín dụng tốt thường có quan hệ vay vốn với nhiều ngân hàng và việc áp dụng các kỳ hạn vay ngắn hạn cho mỗi khoản vay tạo thuận lợi cho doanh nghiệp lựa chọn được ngân hàng cho vay có lãi suất tốt nhất tại từng thời điểm.

Theo Nhóm công tác, việc tái tục (quay vòng) các khoản vay của doanh nghiệp không phải do việc suy giảm khả năng tài chính hay chất lượng tín dụng của khách hàng, mà xuất phát từ yêu cầu thực tế hoạt động của doanh nghiệp.

“Trên mọi quan điểm, hoạt động này chắc chắn không làm tăng rủi ro tín dụng vì các ngân hàng sẽ phê duyệt kỳ hạn khoản vay dài hơn rất nhiều so với kỳ hạn rút vốn vay thực tế,” Báo cáo nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục