Bảo hiểm xã hội một lần không xung đột lợi ích với nhóm có lương hưu

Những quy định của Điều 60 trong luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014 là hướng tới một mục tiêu đảm bảo vấn đề an sinh xã hội tốt hơn và không xung đột quyền lợi với nhóm lao động nhận lương hưu.
Bảo hiểm xã hội một lần không xung đột lợi ích với nhóm có lương hưu ảnh 1Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016. Tuy nhiên, khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 vẫn chưa có hiệu lực thi hành thì một bộ phận người lao động chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố phía Nam có kiến nghị được lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội như quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.

Điều này có nghĩa khi người lao động sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng Bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận Bảo hiểm xã hội một lần mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì vẫn được giải quyết Bảo hiểm xã hội một lần.

Trước thực tế trên, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13, Chính phủ đã có báo cáo và đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Điều 60 cho phù hợp với thực tiễn.

Nhằm tìm hiểu kỹ hơn, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội về việc sửa đổi trên.

- Xin ông cho biết, vì sao Luật Bảo hiểm xã hội vừa được thông qua và chưa có hiệu lực, nhưng đã phải sửa đổi, bổ sung?

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Điều 60 của luật Bảo hiểm xã hội hướng đến một việc hết sức tiến bộ là tạo ra an sinh xã hội cho người cao tuổi, người hết tuổi lao động.

Tuy nhiên, còn lý do này hoặc lý do khác mà người có nhu cầu, nguyện vọng được hưởng Bảo hiểm xã hội một lần và đây là những nguyện vọng chính đáng vì thế các thành viên của Ủy ban các vấn đề xã hội đã tán thành đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội xem xét bổ sung quy định trong Điều 60 theo hướng linh hoạt hơn, trong đó người lao động có thể hưởng Bảo hiểm xã hội một lần theo nguyên tắc đóng hưởng, tức là nhận lại những phần mình đóng góp để đảm bảo nhu cầu về chi tiêu trong cuộc sống.

Đề xuất cũng quy định rõ việc bảo lưu, tức là người tham gia bảo hiểm xã hội sau này khi tham gia thị trường lao động có thể cộng dồn thời gian tham gia đóng góp bảo hiểm xã hội.

- Nhiều ý kiến cho rằng việc sửa luật khi vừa mới ban hành là do quá trình chuẩn bị dự thảo vẫn chưa chuẩn bị kỹ càng, điều này có đúng không thưa ông?

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Không chỉ đơn thuần nói là trách nhiệm được vì quy định của pháp luật là hướng tới đảm bảo quyền lợi cho công dân, việc bổ sung quy định hưởng bảo hiệm xã hội một lần là không mâu thuẫn với việc đảm bảo an sinh cho người cao tuổi. Việc quy định bổ sung nhằm đảm bảo quyền lợi của từng nhóm người lao động theo hướng tốt hơn.

Trên thực tế, vẫn còn một bộ phận người lao động vì lý do này khác vẫn có nhu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần. Do vậy, quan điểm của nhiều đại biểu quốc hội và Ủy ban các vấn đề xã hội là chính đáng vì thế phải đưa ra quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung theo hướng linh hoạt để người lao động có thể hưởng một lần.

- Vậy có nghĩa là những quy định cũ chưa lường hết được mức độ tác động của các nhóm lao động khác nhau?

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Theo tôi cần phải làm tốt công tác tuyên truyền đề người lao động và cả xã hội nhận thức rõ hơn về mục tiêu đảm bảo an sinh khi quy định việc hạn chế điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần trước tuổi. Điểm tiếp theo là quy định lộ trình tăng dần các điều kiện chặt chẽ hơn trong việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Để tích lũy lâu dài đảm bảo khi hết tuổi mới hưởng chế độ một lần hoặc là hưởng chế độ trước tuổi ngoài ra còn có thể thực hiện việc bảo lưu, nếu tham gia 1 năm thì cũng bảo lưu và sau này khi trở lại thị trường lao động sẽ được cộng dồn thời gian lao động đó.

Phải nhấn mạnh, luật phải hưởng tới đảm bảo quyền lợi cho mọi công dân, ở đây việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội 1 lần cũng không có xung đột về mặt quyền lợi đối với nhóm lao động sẽ hưởng hưu trí, cho nên nếu có sửa đổi cũng là đảm bảo quyền lợi cho số đông người lao động hưởng bảo hiểm hưu trí khi tuổi cao và đảm bảo quyền lợi cho nhóm người lao động muốn hưởng một lần.

Ngoài ra, nhu cầu trong cuộc sống cũng đa dạng do vậy đa số các thành viên của Ủy ban các vấn đề xã hội cũng tán thành với đề xuất của Chính phủ nên nghiên cứu để sửa đổi luật theo hướng đảm bảo quyền lợi cho các nhóm khác nhau.

- Xin cảm ơn ông./.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được thiết kế theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong quá trình lao động để có thể hưởng lương hưu hàng tháng nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội đã đặt ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW và Nghị quyết số 21-NQ/TW nêu trên.

Theo tính toán trong tất cả các trường hợp người lao động tích lũy thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ khi về già đều có lợi hơn rất nhiều so với việc lĩnh một lần.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục