Báo Pháp: Trung Quốc dùng tiền mua kiến thức và ảnh hưởng

Không còn hài lòng là "công xưởng của thế giới," Trung Quốc đang tìm cách bổ sung những gì còn thiếu như kinh nghiệm, bí quyết và các thương hiệu nổi tiếng.
Báo Pháp: Trung Quốc dùng tiền mua kiến thức và ảnh hưởng ảnh 1Công nhân làm việc tại một xưởng sản xuất đồ chơi ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Đài RFI, báo Le Figaro của Pháp số ngày 27/10 cho rằng nhìn từ Trung Quốc, chiến lược đầu tư của Bắc Kinh có mục đích "tìm kiếm bí quyết và ảnh hưởng," đồng thời tăng cường ảnh hưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với những lĩnh vực quan trọng trong cơ cấu nhà nước, bao gồm kinh tế.

Theo giải thích của chuyên gia kinh tế Hồ Tinh Đẩu thuộc Đại học Công Nghệ Bắc Kinh, Trung Quốc "có ngân quỹ hơn 3.000 tỷ USD" phục vụ cho "những hoạt động đầu tư sinh lợi ở nước ngoài, trong bối cảnh thị trường nội địa ngày càng có ít cơ hội" do nền kinh tế chững lại.

Không còn hài lòng là "công xưởng của thế giới," Bắc Kinh tìm cách bổ sung những gì nước này còn thiếu: kinh nghiệm, bí quyết và các thương hiệu nổi tiếng mà người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.

Khát vọng đầu tư ra nước ngoài của Bắc Kinh nằm trong một chiến lược với quy mô lớn hơn, nhằm khẳng định vị trí lãnh đạo của Trung Quốc trên mọi lĩnh vực. Với việc thâu tóm các doanh nghiệp nước ngoài, Trung Quốc tham gia có thể tác động đến chiến lược của các doanh nghiệp Phương Tây.

Một mục tiêu cơ bản của Bắc Kinh, đó là cải thiện hình ảnh của cường quốc thế giới bằng cái thường được gọi là "quyền lực mềm" khi nhắc đến những tên tuổi nổi tiếng (ví dụ như các câu lạc bộ bóng đá hay công ty sản xuất phim ảnh ở Hollywood), người ta buộc phải nhắc đến các tập đoàn Trung Quốc.

Một chuyên gia kinh tế về châu Á-Thái Bình Dương tại ngân hàng Natixis của Pháp nhận định "Chính phủ Trung Quốc phản ứng ngay lập tức nếu một doanh nghiệp không được phép ký kết hợp đồng" và Anh là một ví dụ điển hình.

Cuối tháng 7/2016, khi Thủ tướng Anh Theresa May đưa ra ý định hoãn dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point, Đại sứ Trung Quốc tại Anh đã dùng ngôn từ ngoại giao công khai đe dọa bà May về việc trả đũa thương mại. Cuối cùng, London đành chấp nhận để Tổng Công ty Điện hạt nhân CGN của Trung Quốc tiếp tục cùng với tập đoàn EDF của Pháp đầu tư vào dự án này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục