Bất chấp nhiều lo ngại, chứng khoán Mỹ vẫn kỳ vọng về tháng 12 mạnh mẽ

Theo chuyên gia tài chính của LPL Financial, mức tăng của S&P 500 trong tháng 12 có xu hướng tích cực hơn nữa khi hiệu suất của chỉ số này trong 11 tháng trước đó đều mạnh mẽ.
Bất chấp nhiều lo ngại, chứng khoán Mỹ vẫn kỳ vọng về tháng 12 mạnh mẽ ảnh 1Các chứng khoán viên làm việc tại sàn giao dịch New York (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một loạt rủi ro xảy ra vào cuối năm đang khiến một số nhà đầu tư phải đánh giá lại liệu thị trường chứng khoán Mỹ có tiếp tục xu hướng tăng mạnh trong tháng 12 như những năm trước đây hay không, giữa bối cảnh xuất hiện nhiều lo lắng về biến thể Omicron của virus gây dịch COVID-19 và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến mạnh tay thắt chặt chính sách hơn.

Dù vậy, những xu hướng ghi nhận trong lịch sử đang đứng về phía ủng hộ thị trường này hơn.

Nhìn lại các xu hướng trước đây

Tháng 11 và tháng 12 thường là tháng ghi nhận hiệu suất tốt thứ hai và thứ ba trong năm của chỉ số tổng hợp S&P 500 kể từ năm 1950 tới nay.

Theo dữ liệu từ trang web theo dõi, tổng hợp thông tin về thị trường chứng khoán Mỹ Stock Trader's Almanac, S&P 500 thường tăng trung bình lần lượt là 1,7% và 1,5% vào các tháng này mỗi năm.

Nhưng năm nay, mức tăng của S&P 500 trong tháng 11 đã bị “trật bánh” vào những ngày cuối cùng và khiến chỉ số này mất 0,8% tính chung trong cả tháng. Sự suy giảm đó là do những lo ngại về cách biến thể virus mới sẽ có tác động ra sao đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, bên cạnh sự thay đổi quan điểm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo hướng thắt chặt chính sách khi đối mặt với lạm phát gia tăng.

Dù vậy, S&P 500 vẫn tăng 21,6% tính từ đầu năm cho đến nay và vẫn ở gần mức cao kỷ lục. Và mặc dù những rủi ro nêu trên chưa thể sớm biến mất, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn có cơ hội kết thúc năm với một dấu ấn mạnh mẽ dựa trên những diễn biến trước đây.

Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Bespoke Investment Group (Mỹ), S&P 500 đã ghi nhận mức lợi nhuận tích cực lên tới 74% trong tháng 12 kể từ năm 1928, nhiều hơn bất kỳ tháng nào khác.

Thống kê của công ty này cho thấy tháng 11 yếu hơn của năm nay chỉ củng cố xu hướng đó, khi kết quả trong thời gian còn lại của năm vẫn tốt khi năm 2021 đánh dấu lần thứ 10 chỉ số S&P 500 giảm vào tháng 11 nhưng tăng hơn 10% trong cả năm. Trong chín năm trước đó cùng ghi nhận diễn biến này, S&P 500 đều kết thúc tháng 12 trong sắc xanh.

[Phố Wall đi xuống trong tuần giao dịch ngắn ngày đầy biến động]

Còn theo ông Ryan Detrick, Giám đốc chiến lược thị trường tại công ty tư vấn tài chính LPL Financial (Mỹ), mức tăng của S&P 500 trong tháng 12 có xu hướng tích cực hơn nữa khi hiệu suất của chỉ số này trong 11 tháng trước đó đều mạnh mẽ.

Ông Detrick chỉ ra rằng kể từ năm 1950, S&P 500 đã tăng trung bình 1,7% vào tháng 12 khi chỉ số này tăng ít nhất 20% trong phần còn lại của năm, so với mức trung bình 1,5% của tháng 12 nói chung.

Những khó khăn sắp tới

Tuy nhiên, vẫn có nhiều người tỏ ra thận trọng dù các xu hướng trước đây ủng hộ thị trường.

Chỉ số Biến động Cboe, được gọi là “thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall” - vào ngày 30/11 đã tăng lên mức ghi nhận trong đợt bán tháo hôm 26/11 do nỗi sợ biến thể Omicron. Diễn biến này xảy ra sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu trước Quốc hội Mỹ rằng Fed có thể thảo luận về việc tăng tốc thu hẹp chương trình mua trái phiếu hàng tháng vào thời gian tới để đối phó với lạm phát phi mã. Thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm sau tin tức này, trong khi lợi suất trái phiếu Kho bạc tăng.

Bất chấp nhiều lo ngại, chứng khoán Mỹ vẫn kỳ vọng về tháng 12 mạnh mẽ ảnh 2Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông Charlie Ripley, chiến lược gia đầu tư cấp cao của công ty quản lý tài sản Allianz Investment Management (Đức) đánh giá trước những thay đổi tiềm năng trong chính sách của Fed, nhà đầu tư nên chuẩn bị cho những biến động thị trường mới cho giai đoạn sắp tới. Khả năng về một Fed “diều hâu” hơn sẽ là một kịch bản không được hoan nghênh đối với nhóm cổ phiếu công nghệ - vốn có tỷ trọng vượt trội trong S&P 500 và giúp đưa chỉ số này lên mức cao kỷ lục trong năm nay.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng - thường theo sau kỳ vọng về chính sách mạnh mẽ hơn từ Fed, thường làm giảm sức hấp dẫn của cổ phiếu đối với một số nhà đầu tư. Thậm chí, diễn biến đó có thể đè nặng lên các cổ phiếu có định giá cao vì chúng đe dọa làm xói mòn giá trị dòng tiền dài hạn của nhóm này.

Các nhà đầu tư cũng đang cố gắng đánh giá mức độ nghiêm trọng tiềm ẩn của biến thể Omicron. Ngân hàng Goldman Sachs đã vạch ra bốn kịch bản về cách biến thể mới này sẽ lây lan và tác động tiềm tàng của nó đối với tăng trưởng toàn cầu.

Goldman Sachs cho biết kịch bản "theo hướng suy giảm," trong đó một làn sóng lây nhiễm lớn dẫn đến các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội có thể kéo chậm tăng trưởng toàn cầu xuống 2% trong quý đầu tiên của năm 2022, thấp hơn 2,5 điểm phần trăm so với dự báo hiện tại.

Dù vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn khá lạc quan về triển vọng của thị trường chứng khoán Mỹ.

Ông Jack Janasiewicz, chiến lược gia hàng đầu về danh mục đầu tư tại công ty dịch vụ tài chính Natixis Investment Managers Solutions (Mỹ) cho biết thị trường đã tìm kiếm một lý do để bán tháo trong một thời gian khá dài.

Tuy nhiên, các báo cáo kinh doanh mạnh mẽ và khả năng nền kinh tế tiếp tục mở rộng sẽ giữ cho thị trường chứng khoán không giảm đáng kể trong giai đoạn tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục