Bắt giữ tàu chở dầu Hàn Quốc: Iran bắn một mũi tên, trúng nhiều đích

Việc Iran tuần vừa qua bất ngờ bắt giữ một tàu chở dầu treo quốc kỳ Hàn Quốc dường như chỉ để gây áp lực buộc Seoul phải ngừng đóng băng các tài sản tài chính của Iran theo lệnh trừng phạt của Mỹ.
Bắt giữ tàu chở dầu Hàn Quốc: Iran bắn một mũi tên, trúng nhiều đích ảnh 1Tàu chở dầu MT Hankuk Chemi (bên phải) của Hàn Quốc bị tạm giữ tại cảng của Iran, sau khi bị bắt giữ ở vùng Vịnh, ngày 4/1 vừa qua. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Yonhap và Reuters cùng đưa tin, theo các nhà phân tích, việc Iran trong tuần vừa qua bất ngờ bắt giữ một tàu chở dầu treo quốc kỳ Hàn Quốc dường như chỉ để gây áp lực buộc Seoul phải ngừng đóng băng các tài sản tài chính của Iran theo các lệnh trừng phạt của Mỹ trong bối cảnh Tehran phải hứng chịu cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch COVID-19.

Giới chuyên gia nhận định Tehran cũng có thể muốn gửi cảnh báo tới Hàn Quốc và các đồng minh khác của Mỹ, những quốc gia tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ, đồng thời khẳng định sự hiện diện hàng hải của Iran ở eo biển Hormuz, một tuyến đường hàng hải quan trọng về mặt chiến lược ở Trung Đông.

Ngày 4/1 vừa qua, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã bắt giữ tàu chở dầu MT Hankuk Chemi của Hàn Quốc ở vùng Vịnh cùng với thủy thủ đoàn với cáo buộc gây ô nhiễm môi trường biển. Con tàu này đã được đưa đến một cảng của Iran để kiểm tra, mặc dù nhà điều hành con tàu phủ nhận cáo buộc gây ô nhiễm vùng nước.

Tàu MT Hankuk Chemi chở 20 thủy thủ đoàn, gồm 5 người Hàn Quốc, 11 người Myanmar, 2 người Indonesia và 2 người Việt Nam đang trên lộ trình từ Saudi Arabia đến Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Park Wong-gon, Giáo sư chính trị quốc tế tại trường Đại học Toàn cầu Handong, nói: “Có thể Iran có động cơ khi bắt giữ con tàu này, mặc dù sự thật liên quan đến những gì đã xảy ra vẫn chưa được làm rõ... Các tài sản của Iran bị 'đóng băng' ở Hàn Quốc rõ ràng rất lớn, nhất là khi Iran đang phải đối mặt với sức ép kinh tế nghiêm trọng do các lệnh trừng phạt. Nói cách khác, Iran dường như quyết tâm làm rõ quan điểm của họ liên quan các tài sản này.”

Tài sản của Iran trong 2 ngân hàng ở Hàn Quốc ước tính có tổng trị giá khoảng 7 tỷ USD, đã bị đóng băng kể từ tháng 9/2019, khi việc dỡ bỏ tạm thời lệnh trừng phạt của Washington đối với hoạt động nhập khẩu dầu từ Iran hết thời hạn.

[Hàn Quốc, Iran vẫn đàm phán vụ bắt giữ tàu và tài sản bị phong tỏa]

Hai nước đã sử dụng các tài khoản dựa trên đồng won của Hàn Quốc để tiếp tục nhập khẩu dầu của Iran và xuất khẩu hàng hóa Hàn Quốc sang Iran bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ cấm các giao dịch bằng USD với nước Cộng hòa Hồi giáo.

Với việc hầu như không có tiến triển trong nỗ lực của Iran nhằm giành lại tài sản bị phong tỏa ở nước ngoài, gần đây đã xuất hiện nhiều đồn đoán rằng Iran thậm chí có thể dọa đưa vụ việc ra Tòa án Công lý Quốc tế, và nếu vậy việc này có thể giáng một đòn mạnh vào quan hệ thương mại song phương.

Để xoa dịu sự thất vọng của Tehran, Seoul đang cố gắng tìm cách tăng cường hoạt động thương mại nhân đạo với Iran mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, nỗ lực đó đã thất bại trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Tehran, đặc biệt là trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2020.

Nam Chang-hee, Giáo sư về ngoại giao tại trường Đại học Inha, nhận định: “Do thiếu tiền mặt trầm trọng, Iran có thể muốn gây sự với Hàn Quốc và tăng thêm sức ép để thúc đẩy các cuộc đàm phán về các tài sản bị 'đóng băng'... Thông qua việc nhấn mạnh lịch sử giao thương với Hàn Quốc từ thời cổ đại, Tehran hy vọng Seoul sẽ xem xét vấn đề này tách biệt khỏi quan hệ đối tác đồng minh với Washington.”

Một số nhà quan sát suy đoán rằng vụ bắt giữ tàu MT Hankuk Chemi, ở một góc độ nào đó, có thể nhằm gửi một thông điệp cảnh báo những đồng minh của Mỹ đã tham gia các lệnh trừng phạt của Mỹ gây tổn hại cho sự phục hồi kinh tế của Iran, đặc biệt nhắc nhở họ rằng Iran nắm quyền kiểm soát quan trọng đối với Eo biển Hormuz.

Các nhà phân tích cho rằng vì biết Hàn Quốc là một đồng minh trung thành của Mỹ, nên thông qua vụ bắt giữ tàu nói trên, Iran có thể cũng muốn gửi một thông điệp nào đó tới Washington vào thời điểm căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang.

Bắt giữ tàu chở dầu Hàn Quốc: Iran bắn một mũi tên, trúng nhiều đích ảnh 2Tướng Qasem Soleimani. (Ảnh: Atlentic Council)

Vụ bắt giữ xảy ra đúng thời điểm làn sóng bài Mỹ gia tăng ở Iran khi nước này kỷ niệm 1 năm ngày Tướng Soleimani bị sát hại trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ.

Với việc chính quyền sắp tới của Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden dự kiến xem xét quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Irani, đã xuất hiện một tia hy vọng về việc quan hệ của Seoul với Tehran có thể được cải thiện.

Giáo sư Park Wong-gon nói: “Khi chính quyền Biden nhậm chức, đối thoại (của Mỹ) với Iran có thể sẽ được nối lại. Do đó, khả năng tình hình hiện tại giữa hai nước rơi vào khủng hoảng là không cao. Iran cũng nhận thức rõ rằng việc đóng băng tài sản không phải do chính sách của Hàn Quốc, và Tehran không cần phải khiêu khích Hàn Quốc thêm nữa.”

Theo một nguồn tin, vụ bắt giữ xảy ra bất ngờ trong bối cảnh Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Hàn Quốc Choi Jong-kun lên kế hoạch thăm Tehran vào tuần tới để thảo luận vấn đề tài sản bị "đóng băng" và các vấn đề song phương khác nhằm cải thiện quan hệ với Iran.

Sau vụ việc, một quan chức cũng cho biết Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đang xem xét có cử một nhà ngoại giao cấp cao thăm Tehran theo kế hoạch hay không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục