Bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ mắc 20 loại bệnh về tim mạch

Nghiên cứu đã phát hiện rằng những người mắc COVID-19 có nguy cơ mắc 20 bệnh khác nhau về tim mạch, như đau tim, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, đột quỵ, rối loạn mạch máu não và rối loạn nhịp tim.
Bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ mắc 20 loại bệnh về tim mạch ảnh 1Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong một bài viết gần đây đăng trên tạp chí Nature Medicine, các nhà nghiên cứu cho biết những người mắc COVID-19 có nguy cơ xuất hiện bệnh lý liên quan đến tim mạch 30 ngày sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2.

Nghiên cứu đã phát hiện rằng những người mắc COVID-19 có nguy cơ mắc 20 bệnh khác nhau về tim mạch, như đau tim, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, đột quỵ, rối loạn mạch máu não và rối loạn nhịp tim.

Ngay cả những bệnh nhân COVID-19 không phải nhập viện cũng có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn những người không nhiễm virus.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Fox News, Tiến sỹ Evelina Grayver, phụ trách chương trình sức khỏe tim mạch của phụ nữ tại Northwell Health, cho biết: "Có 20 rối loạn về tim đã được chẩn đoán ở các bệnh nhân có hội chứng COVID kéo dài. Phổ biến nhất là thở dốc và mệt mỏi."

[Những người từng mắc COVID-19 có nguy cơ gặp vấn đề về tim mạch]

Tiến sỹ Grayver cho biết nhiều bệnh nhân phải chịu các hội chứng COVID-19 kéo dài liên quan tim mạch như viêm cơ tim rất sợ tập thể dục, nhưng chính việc tập luyện có thể đóng một vai trò trong phục hồi.

Bà kêu gọi những người có lịch sử viêm cơ tim và sợ tập thể dục nên tham gia một chương trình phục hồi tim và sau khi chức năng tim được phục hồi hoàn toàn, vấn đề còn lại là thúc đẩy bản thân luyện tập hằng ngày.

Bà Grayver giải thích rằng khi một người mắc COVID-19, thay đổi sinh lý lớn có thể xảy ra với cơ bắp và tim mạch. Bà nói: "Nếu một người khỏe mạnh nằm trên giường 24 giờ liền, cơ bắp của họ sẽ lập tức bắt đầu teo đi. Điều tương tự cũng xảy ra trong thời gian mắc COVID-19." Luyện tập sẽ giúp giải quyết tình trạng xuống cấp này.

Các chuyên gia y tế cho biết các bệnh nhân COVID-19 sau khi khỏi bệnh có vấn đề tim mạch cần bắt đầu một chương trình luyện tập phục hồi. Sau khi hoàn thành chương trình này sẽ cảm thấy khỏe mạnh hơn về thể chất, tinh thần và cảm xúc để tiếp tục chế độ luyện tập độc lập của mình.

Đối với các bệnh nhân COVID-19 có vấn đề về phổi, bà Grayver gợi ý nên theo dõi nồng độ oxy trong máu (SpO2) để có chế độ luyện tập phù hợp.

Bà Grayver cũng cho biết bên cạnh chế độ luyện tập, việc bổ sung nước và chất dinh dưỡng để giảm phản ứng viêm nhiễm trong cơ thể cũng rất hữu ích trong quá trình phục hồi sau các triệu chứng COVID kéo dài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục