Bộ Y tế cho biết, kiểm tra thực tế cho thấy một số địa phương chưa ban hành quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế trên địa bàn; một số cơ sở y tế chưa kịp thời tiến hành thủ tục xin cấp Giấy phép môi trường thay thế cho Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước đã hết hạn...
Chưa phân công trách nhiệm cụ thể cho các cán bộ thực hiện công tác quản lý chất thải y tế
Theo Bộ Y tế, thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế, các cơ sở y tế đã triển khai thực hiện công tác quản lý chất thải y tế cơ bản đáp ứng theo quy định.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại một số địa phương, đơn vị trong năm 2023 cho thấy vẫn còn những tồn tại như: một số địa phương chưa ban hành quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế trên địa bàn.
Một số cơ sở y tế chưa kịp thời tiến hành thủ tục xin cấp Giấy phép môi trường thay thế cho Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước đã hết hạn.
Cùng đó, chưa phân công trách nhiệm cụ thể cho các cán bộ thực hiện công tác quản lý chất thải y tế tại đơn vị; chưa thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa để thu gom phục vụ mục đích tái chế; chưa bố trí túi, thùng, dụng cụ đựng chất thải y tế theo quy định; khu lưu giữ chất thải y tế chưa đáp ứng yêu cầu.
Ngoài ra, chưa thực hiện thường xuyên việc bảo trì, bảo dưỡng, giám sát vận hành công trình/hệ thống xử lý chất thải y tế; chưa tăng cường quản lý, giám sát nước thải y tế, chất thải rắn y tế sau xử lý.
Đánh giá thực trạng hoạt động của các lò đốt chất thải rắn y tế
Nhằm tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế, trong văn bản gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo việc thực hiện rà soát, bổ sung và ban hành quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và theo quy định của pháp luật hiện hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm trên địa bàn; tổ chức triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường phổ biến, tập huấn, truyền thông, hướng dẫn các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện quản lý chất thải y tế theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Thông tư số 20/2021/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế; Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản, hướng dẫn chuyên môn có liên quan.
Đồng thời, chỉ đạo Sở Y tế rà soát toàn bộ hệ thống xử lý nước thải y tế tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn; báo cáo, đề xuất phương án trình Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố bố trí kinh phí để đầu tư mới hoặc nâng cấp, sửa chữa hệ thống xử lý nước thải cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế hoặc đã quá tải, xuống cấp để đảm bảo việc xử lý nước thải y tế đạt Quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả thải.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động của các lò đốt chất thải rắn y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn; kiên quyết cho dừng hoạt động đối với các lò đốt chất thải y tế không đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn y tế và có biện pháp giải quyết phù hợp.
Bên cạnh đó tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất thải y tế trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Quản lý, quan trắc, giám sát vận hành hệ thống xử lý nước thải y tế, xử lý chất thải rắn y tế
Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn quản lý thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chất thải y tế theo các văn bản kể trên; rà soát, khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý chất thải y tế; đánh giá thực trạng hệ thống xử lý nước thải y tế.
Trường hợp chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế hoặc hệ thống đã quá tải, xuống cấp, phải có phương án đầu tư mới hoặc cải tạo, nâng cấp đảm bảo việc xử lý nước thải y tế đạt Quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả thải; tăng cường quản lý, quan trắc, giám sát vận hành công trình/hệ thống xử lý nước thải y tế, công trình/thiết bị xử lý chất thải rắn y tế và nước thải y tế, chất thải y tế sau xử lý.
Các đơn vị có kế hoạch, biện pháp, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do chất thải theo quy định của pháp luật; tổ chức đào tạo, tập huấn, truyền thông nâng cao nhận thức về quản lý chất thải y tế cho tất cả cán bộ, viên chức, hợp đồng và các đối tượng khác có liên quan.
Đồng thời, nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế đảm bảo tính chính xác và đúng thời gian theo quy định; thường xuyên tự kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại đơn vị, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Cùng đó, thực hiện ngay các biện pháp khắc phục các tồn tại về công tác quản lý chất thải y tế đã được các Đoàn kiểm tra, thanh tra, kiểm toán kiến nghị, đề nghị thực hiện./.
Bài 13: Bài toán làm sạch rác thải y tế để tái chế cho các hoạt động khác
Mô hình kinh tế tuần hoàn với ngành y tế là một giải pháp tổng thể, trong đó việc phân loại rác thải là một ưu tiên nhằm giảm lượng rác nguy hại ngay từ đầu, để tái chế cho nhiều hoạt động khác.