Brexit “cứng” sẽ làm châu Âu mất hơn 1,2 triệu việc làm

Theo báo cáo của các chuyên gia kinh tế thuộc Đại học Leuven của Bỉ, con số việc làm bị mất tại EU trong 2 trường hợp Brexit “mềm” và “cứng” sẽ lần lượt là 284.000 và 1,2 triệu việc làm.
Brexit “cứng” sẽ làm châu Âu mất hơn 1,2 triệu việc làm ảnh 1Nhân viên làm việc tại văn phòng ở Hamburg, Đức ngày 1/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các chuyên gia kinh tế thuộc Đại học Leuven của Bỉ (KUL) vừa cảnh báo nếu Anh và Liên minh châu Âu (EU) không nhất trí được về một cách tiếp cận mềm dẻo cho việc Anh rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit), điều này có thể gây ra thiệt hại lớn cho thị trường việc làm của cả hai bên.

Báo cáo của KUL so sánh những tác động tới thị trường việc làm trong 2 khả năng Brexit “cứng” và Brexit “mềm”. Theo đó, các chuyên gia dự báo châu Âu sẽ mất hơn 1,2 triệu việc làm, trong khi phía Anh mất 526.000 việc làm nếu xảy ra Brexit "cứng".

Cụ thể, trong kịch bản Brexit “mềm”, Anh và 27 nước EU sẽ vẫn duy trì cơ chế không thuế quan dù sẽ có những hàng rào thương mại phi thuế quan giữa Anh với một số nước như Na Uy.

[Thủ tướng Anh đề xuất giai đoạn chuyển giao 2 năm sau Brexit]

Trong trường hợp Brexit "cứng", thuế quan giữa Anh và các nước EU sẽ được "cài đặt lại" theo đúng tỷ lệ quy định trong các thỏa thuận của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo báo cáo trên, con số việc làm bị mất tại EU trong 2 trường hợp Brexit “mềm” và “cứng” sẽ lần lượt là 284.000 và 1,2 triệu việc làm.

Tác động của Brexit "cứng" đối với nền kinh tế EU cũng "khắc nghiệt" hơn với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được dự báo giảm 1,54%.

Trong khi đó, Anh sẽ mất từ 140.000-526.000 việc làm tùy theo Brexit "mềm" hay "cứng".

Một kịch bản chia tay "quyết liệt" cũng đe dọa GDP của Anh giảm 1,21 điểm phần trăm xuống 4,48%.

So sánh số liệu trực tiếp, những quốc gia lớn như Đức sẽ bị thiệt hại nặng nhất. Tuy nhiên, so sánh về tương quan thì những nước như Ireland, Malta, Hà Lan và Bỉ đối mặt với nguy cơ tác động lớn hơn.

Đối với Bỉ, con số việc làm bị mất có thể dao động từ 10.000-42.000 và ngành thực phẩm được dự báo là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục