Trong 3 tháng đầu năm 2018, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử ba vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.
Các bị cáo bị đưa ra xét xử về các hành vi: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Tham ô tài sản, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản với số tiền thất thoát của Nhà nước lên tới cả nghìn tỷ đồng.
Để làm rõ hơn một số nội dung mà dư luận quan tâm trong những phiên tòa này, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính.
- Thưa ông, trong cả ba phiên tòa này, các bị cáo đầu vụ đều đã từng giữ những chức vụ, trọng trách cao trong cơ quan Nhà nước và trong các doanh nghiệp, Tập đoàn kinh tế lớn, theo ông, điều này có gây áp lực cho Hội đồng xét xử không?
Chánh án Nguyễn Hữu Chính: Đây không phải lần đầu tiên Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử các vụ án kinh tế lớn với những bị cáo đã từng giữ vị trí cao.
Trước đó, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã từng “thử lửa” trong các vụ “đại án” xét xử các bị cáo Lã Thị Kim Oanh, Bùi Tiến Dũng, Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên, Hà Văn Thắm, Châu Thị Thu Nga… và đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, không để xảy ra bất cứ sai sót đáng tiếc nào trong quá trình xét xử.
Có thể nói, áp lực lớn nhất đối với Hội đồng xét xử là đảm bảo đúng pháp luật. Để làm được điều này, các thành viên Hội đồng xét xử phải dành nhiều thời gian nghiên cứu hồ sơ, các văn bản, tài liệu có liên quan đến vụ án, xem xét toàn diện dấu hiệu, tính chất, mức độ phạm tội cũng như quá trình cống hiến của các bị cáo để đưa ra mức án phù hợp theo quy định pháp luật, vừa nghiêm minh, vừa đảm bảo tính nhân đạo, đồng thời có tính chất răn đe và phòng ngừa cao nhất.
Trên thực tế, Hội đồng xét xử của cả ba phiên tòa đều không gặp sức ép nào từ vị trí công tác trước đây của các bị cáo. Theo nguyên tắc, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không có bất kỳ sự ưu tiên nào trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
- Ông đánh giá thế nào về bản án của ba phiên tòa này?
Chánh án Nguyễn Hữu Chính: Qua theo dõi diễn biến của cả ba phiên tòa, có thể thấy, Hội đồng xét xử đã điều hành phiên tòa một cách dân chủ, khách quan với tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng quyền con người của các bị cáo, không có sự nể nang, không có sự phân biệt giữa các bị cáo.
Hội đồng xét xử đã đặt câu hỏi để làm rõ các nội dung của vụ án, đồng thời dành thời gian cho Viện Kiểm sát, các luật sư, các bị cáo tham gia xét hỏi làm rõ hơn các tình tiết liên quan, nhằm đưa ra bản án chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Trong phần tranh tụng, Hội đồng xét xử đã yêu cầu đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa tranh luận, đối đáp theo từng vấn đề với luật sư bào chữa và các bị cáo để làm rõ từng luận điểm buộc tội.
Các phiên tòa diễn ra đảm bảo nguyên tắc tranh tụng bình đẳng, cả về hình thức lẫn nội dung. Bên buộc tội và bên gỡ tội có vị trí ngồi ngang bằng nhau, đều bình đẳng tại phiên tòa, có quyền đưa các chứng cứ, lập luận nhằm bảo vệ quan điểm của mình.
Bằng cách điều hành linh hoạt, Hội đồng xét xử đã xem xét, cân nhắc đầy đủ các chứng cứ có trong hồ sơ, lời khai của các bị cáo và các bên tham gia tố tụng, quan điểm bào chữa của các luật sư, đặc biệt là phần tự bào chữa của các bị cáo… để ra những phán quyết công tâm, khách quan.
Các bản án của ba phiên tòa này vừa đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, vừa thể hiện tính nhân văn và có tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận xã hội.
Khi quyết định mức án cho các bị cáo, Hội đồng xét xử đã cá thể vị trí, vai trò, tính chất mức độ hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của các bị cáo. Lấy ví dụ trường hợp của bị cáo Nguyễn Thanh Liêm (nguyên thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) trong vụ án PVN góp vốn 800 tỷ đồng vào Ngân hàng Đại Dương (OceanBank).
Khi lượng hình cho bị cáo Liêm, Hội đồng xét xử đã cân nhắc đến nhân thân của bị cáo chưa tiền án tiền sự, gia đình bị cáo có truyền thống cách mạng, cả bố mẹ đều là liệt sỹ trong kháng chiến chống Mỹ. Bản thân bị cáo là người khuyết tật, đi lại khó khăn do bị ảnh hưởng của chiến tranh…
Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử đã quyết định cho bị cáo Nguyễn Thanh Liêm được hưởng mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt với mức án 20 tháng cải tạo không giam giữ.
Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng quyết định miễn việc khấu trừ thu nhập đối với bị cáo Nguyễn Thanh Liêm.
[Xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng]
- Hai trong số ba phiên tòa này, khi ra bản án, Hội đồng xét xử đều đã kiến nghị cơ quan chức năng về một số nội dung liên quan đến vụ án. Theo ông, những kiến nghị này mang ý nghĩa như thế nào?
Chánh án Nguyễn Hữu Chính: Tôi cho rằng mục đích đầu tiên của các kiến nghị là không bỏ sót, bỏ lọt tội phạm. Trong quá trình xét xử, nếu xét thấy có những cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi liên quan đến vụ án có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Hội đồng xét xử sẽ đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, làm rõ, nếu có vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Mục đích thứ hai của các kiến nghị, là đề nghị các cơ quan chức năng có những điều chỉnh về chính sách, quy định có liên quan.
Điều này nhằm khắc phục những thiếu sót, bất cập của cơ chế, chính sách, hạn chế những lỗ hổng của quản lý, điều hành - một trong những nguyên nhân khách quan tạo điều kiện cho các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội.
Trên thực tế, những kiến nghị này có tác dụng ngăn chặn và làm rõ hơn hành vi của những người liên quan trong vụ án. Đồng thời, còn mang tính chất cảnh cáo, răn đe và phòng ngừa chung đối với những hành vi phạm tội tương tự đã, đang và sẽ xảy ra.
- Trân trọng cảm ơn Chánh án!