Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ, tính đến chiều 12/10, thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn tỉnh ước gần 23 tỷ đồng.
Sau khi mưa lũ đi qua, các ngành chức năng đã và đang huy động tối đa các nguồn lực tập trung khắc phục hậu quả do mưa lũ ở nhiều địa phương trong tỉnh, sớm ổn định đời sống cho người dân.
Mưa lũ đã làm 3 người bị thương, 480 ngôi nhà bị thiệt hại, 6 nhà ở huyện Tân Sơn bị sập trôi hoàn toàn; phải di dời khẩn cấp 58 nhà ở huyện Tam Nông; gần 420 ngôi nhà bị ngập sâu, trong đó nặng nhất ở huyện Thanh Sơn với 318 ngôi nhà...
Mưa lũ cũng đã làm 8 điểm trường, nhà văn hóa bị ngập nặng và tốc mái; hơn 300m đường giao thông với 103 điểm bị sạt lở; hơn 220m kênh mương thủy lợi ở Thanh Thủy và Tân Sơn và đập thủy lợi ở xã Long Cốc, huyện Tân Sơn bị sạt lở, hư hỏng nặng; hàng chục cột điện bị đổ gãy.
Ngoài ra, 1.400 ha lúa, hoa màu bị ngập đổ; trong đó nặng nhất là huyện Thanh Sơn có trên 460 ha hoa màu bị ngập, huyện Thanh Thủy 367 ha, Tam Nông hơn 215 ha; gần 500ha diện tích nuôi thủy sản bị thiệt hại; 77 lồng cá bị trôi; hàng trăm con gia súc, gia cầm vị chết và bị nước cuốn trôi.
Cùng với việc huy động lực lượng bảo vệ các đoạn đê trước nguy cơ rò rỉ vì ngập nước, các địa phương chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua đang nỗ lực hỗ trợ người dân ổn định đời sống, đánh giá thiệt hại để sớm có giải pháp khôi phục sản xuất.
Tại Phú Thọ, mực nước trên sông Đà (huyện Thanh Thủy, Thanh Sơn) và trên sông Bứa (huyện Tam Nông) đã xuống so với ngày 11/10 là hơn 3m. Chính quyền địa phương cùng các lực lượng vũ trang giúp người dân dọn dẹp nhà cửa.
Trong buổi thị sát thực tế kiểm tra tình hình do mưa lũ gây ra ngày 12/10, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ Bùi Minh Châu chỉ đạo các ngành liên quan tập trung cao độ, huy động lực lương công an, quân đội, lực lượng xung kích các xã phối hợp với người dân dọn dẹp nhà cửa, di chuyển tài sản về nơi ở cũ, ổn định đời sống ở những địa phương bị thiệt hại nặng như Tam Nông, Thanh Sơn...
Sáng 12/10, tỉnh Yên Bái đã thành lập nhiều đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên, trao hỗ trợ tiền và gạo cho các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ tại thị xã Nghĩa Lộ.
Đoàn do Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà dẫn đầu đã đến thăm hỏi, động viên gia đình chị Vũ Minh Tân, tổ 7, phường Pú Trạng và gia đình bà Hoàng Thị Nghiên, Bản Loọng, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ. Đây là những gia đình bị nước lũ cuốn trôi nhà và toàn bộ tài sản trong đợt lũ vừa qua. Chia sẻ những khó khăn với các gia đình, đoàn đã trao số tiền hỗ trợ 25 triệu đồng, 15kg gạo/khẩu/tháng trong 2 tháng cho các gia đình.
Kiểm tra tại điểm sạt lở khu vực kè Suối Lung, thị xã Nghĩa Lộ, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đề nghị lãnh đạo thị xã nhanh chóng rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại và sớm đưa ra các giải pháp sớm khôi phục sản xuất và đảm bảo an toàn cho người dân.
Tại các điểm bị bùn đất vùi lấp và rác thải tồn đọng, bà Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các lực lượng nỗ lực hơn nữa trong công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường, cải tạo tạm thời các công trình nước sạch... nhanh chóng giúp người dân ổn định cuộc sống.
Cùng ngày, Đoàn do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cũng đã đến thăm hỏi, động viên gia đình anh Nguyễn Hồng Hải ở tổ 2 và gia đình anh Mè Văn Thi ở tổ 15, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ. Đây là hai gia đình có nhà bị sập hoàn toàn, toàn bộ tài sản đã bị nước lũ cuốn trôi, hiện đang sống nhờ nhà anh em.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái đã trao tiền hỗ trợ của tỉnh 25 triệu đồng/hộ, 15kg gạo/khẩu/tháng và thị xã Nghĩa Lộ hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ để giúp các gia đình sớm ổn định cuộc sống.
Đến thời điểm này, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã tìm thấy 2 nạn nhân bị nước cuốn trôi gồm Hoàng Văn Quân, sinh năm 1979, bản Thón, xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn; Lương Văn Nghĩa, sinh năm 1990, bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ.
Tính đến 13 giờ ngày 12/10, mưa lũ tại Yên Bái đã khiến 6 người chết, 12 người mất tích, 7 người bị thương; hơn 1.200 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó có 60 ngôi nhà bị cuốn trôi hoàn toàn; khoảng 3.200m đê kè bị sạt lở, tuyến đường tỉnh 174 bị sạt lở nghiêm trọng với 40 điểm. Hiện nay, huyện Trạm Tấu vẫn đang bị cô lập hoàn toàn. Nhiều công trình công cộng, hoa màu bị thiệt hại ước tính trên 125 tỷ đồng.
Tại Nam Định, do nước sông dâng cao, tuyến đê dọc sông Đáy qua địa phận huyện Ý Yên bị thẩm thấu nước, có nguy cơ sụt lở thậm chí là bị vỡ rất cao. Mưa lũ làm cho nhiều làng ngoài đê bị chìm sâu trong nước.
Ông Nguyễn Văn Luyên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Yên Quang, huyện Ý Yên cho biết, khoảng 9 giờ ngày 12/10 tại km 153 của đê tả sông Đáy, người dân phát hiện một diện tích khoảng 3m2 bị phồng lên so với thân đê, có hiện tượng rò rỉ nước, xã đã huy động toàn bộ lực lượng dùng bao cát, xẻ rãnh thoát nước để chống vỡ đê.
Hiện nay, mực nước tại sông Đáy đang lên rất cao, chỉ còn cách mặt đê 1m nữa. Để chủ động phòng chống thiên tai có thể xảy ra, xã đã thông báo với người dân xung quanh đê nâng cao cảnh giác sẵn sàng ứng phó với sự cố xảy ra.
Tuyến đê bối (phần kè ngoài sông do người dân đắp để nuôi trồng thủy sản) dài gần 8km tại xã Yên Bằng, huyện Ý Yên đã bị ngập, khoảng 110 hộ dân sinh sống ngoài đê bị ngập sâu trong nước từ 1-2m.
Nhiều tài sản hoa màu, gia súc của người dân do không chạy kịp đã bị thiệt hại hoàn toàn. Toàn tuyến đê sông Đáy chảy qua địa phận huyện Ý Yên có 5 điểm thuộc 13 xã đang trong tình trạng nguy hiểm có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào.
Chị Vũ Thị Dung, người dân xã Yên Bằng cho biết, chị sống tại khu vực này từ bé, đây là lần đầu tiên nước sông Đáy dâng cao đến thế. Nhà chị ngập sâu đến gần 2m, gia đình chỉ kịp chạy lên đê còn toàn bộ tài sản và đồ đạc hiện nay đều bị ngập trong nước.
Toàn bộ những hộ dân trong xóm cũng bị thiệt hại, người dân chỉ kịp chạy thoát thân khi lũ về. Cuộc sống người dân vùng lũ hiện rất cực. Một số người ở tạm nhà người quen, các hộ dân khác mắc lều ở tạm trên đê.
Theo ông Vũ Đức Thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Yên Bằng, từ năm 1985 đến nay mới lại xuất hiện nước dâng cao đến vậy, nước còn cao hơn trận lũ lịch sử khi đó từ 70-80cm, làm cho hàng trăm hộ dân bị ngập sâu trong nước, nhiều tài sản hoa màu của hai Hợp tác xã Quyết Tiến và Ngô Xá bị thiệt hại hoàn toàn.
Huyện Ý Yên đang khuẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống, bảo vệ các đoạn đê xung yếu, sẵn sàng các phương án di rời dân, tài sản đề phòng tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Trong khi đó tại Ninh Bình, bước sang ngày 12/10, mưa trên địa bàn tỉnh đã ngớt, nước sông Hoàng Long đã có dấu hiệu rút. Tuy nhiên, nhiều xã trên địa bàn huyện Nho Quan vẫn bị chia cắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông và đời sống người dân.
Tính đến chiều 12/10, sông Hoàng Long qua địa bàn huyện Nho Quan vẫn ở mức 5,42m, cao hơn mức dự tính phải xả tràn để cứu đê Hoàng Long 0,12m. Mức nước lên cao duy trì suốt từ đêm 11/10 đến nay, có thời điểm nước lên mức 5,53 mét. Do chủ động trong phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tỉnh Ninh Bình và huyện Nho Quan đã chủ động trong các phương án cứu đê và giữ an toàn cho toàn tuyến đê qua địa bàn trong suốt nhiều ngày qua.
Hiện mực nước trên sông Hoàng Long đang giảm dần, nhưng nguy cơ vỡ đê và phải sử dụng phương án xả tràn Đức Long-Gia Tường để giảm áp lực nước cho thân đê. Trường hợp nếu phải xả tràn sẽ gây thiệt hại rất lớn cho người và tài sản của nhân dân, ảnh hưởng trực tiếp đến 8 xã (Đức Long, Gia Tường, Lạc Vân, Gia Thủy, Sơn Thành, Thanh Lạc.... và ảnh hưởng một phần 5 xã (Phú Lộc, Sơn Lai, Văn Phú...). Huyện đã phát lệnh di dân 8 xã vùng xả lũ tổng số 4.313 hộ với 14.780 khẩu.
Hiện các xã Gia Thủy, Xích Thổ, Lạc Vân (huyện Nho Quan) vẫn bị chia cắt bởi mưa lũ. Huyện đang tập trung lực lượng để khắc phục tình trạng chia cắt các xã kể trên, dự kiến phải 2 ngày nữa hoạt động tại các địa phương này mới trở lại bình thường, trong điều kiện trời tạnh mưa.
Một số tuyến đường của các thôn Liên Phương (xã Gia Thủy) Tứ Mỹ (xã Lạc Vân), Cao Thắng (xã Đức Long)... còn bị chia cắt từ 7 đến 10 ngày nữa. Trước đó, các xã Thượng Hòa, Cúc Phương, Phú Long... cũng bị mưa lũ chia cắt, nhưng đến thời điểm chiều 12/10 đã trở lại bình thường, người dân đang tập trung dọn dẹp nhà cửa, đường xá.
Ông Đinh Văn Tiên, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nho Quan cho biết, suốt đêm 11/10 đến sáng 12/10, huyện đã huy động lực lượng tại chỗ cùng các đơn vị quân đội, công an tỉnh về hỗ trợ giữ an toàn cho đập Đức Long với chiều dài 250m.
Trước đó, phát hiện chân đập bị rò rỉ nước, mạch đùn sủi, dấu hiệu của việc vỡ kè, lực lượng tại chỗ đã huy động nhân dân địa phương cùng 300 cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an, 16 xe ô tô, 2 máy xúc, 300 khối đá, 200 khối cát để xử lý sự cố, hoành triệt được nguy cơ vỡ kè.
Ông Tiên cũng cho biết, mưa lũ đã gây ngập 100ha lúa, 630ha hoa màu bị mất trắng, trên 3.000ha thủy sản bị ngập và làm hỏng trên 5km đường quốc lộ 45, tỉnh lộ và đường cấp xã.
Với tình hình hiện nay, nước sông Hoàng Long vẫn ở mức cao, trên mức cảnh báo phải xả tràn (mức 5,3 mét), huyện Nho Quan tiếp tục tăng cường lực lượng theo dõi thường xuyên, tập trung phân công lực lượng tuần tra kiểm soát và xử lý ngay nếu sự cố xảy ra.
Cũng trong ngày 12/10, phóng viên TTXVN đã tiếp cận được vùng lũ Yên Định (Thanh Hóa). Nơi đây hai ngày nay đã bị cô lập do hai trục đường chính đến Yên Định, đoạn từ thành phố Thanh Hóa lên, Vĩnh Lộc sang bị chia cắt bởi nước lũ. Hàng nghìn ngôi nhà ở huyện Yên Định chìm trong biển nước. Đường xá bị chia cắt khiến công tác cứu trợ của các lực lượng gặp nhiều khó khăn.
Mưa lớn đã khiến mực nước sông Cầu Chày lên cao, từ ngày 11/10, quốc lộ 45 đoạn qua cầu Si (xã Định Bình - Yên Định) bị ngập sâu trên 1m làm cho các phương tiện xe cơ giới như xe con 4 chỗ, xe tải nhỏ, xe khách 16 chỗ, xe máy... không thể đi qua và phải dùng đến các phương tiện chuyển tải là xe tải 5 tấn, máy cày nông nghiệp để tăng bo người và phương tiện qua đoạn ngập lụt. Ngoài ra, các tuyến giao thông huyết mạch liên huyện, liên thôn, liên xã bị ngập nước, gây ách tắc giao thông. Nhiều thôn, xã ở Yên Định bị cô lập hoàn toàn.
Xã miền núi Yên Giang (huyện Yên Định) - địa phương nằm trong vùng lòng chảo giữa hệ thống sông ngòi, đến nay đang bị ngập lụt sâu, do nước từ sông Cầu Chầy tràn về. Người dân ở đây cho biết, mưa lớn liên tục suốt 3 ngày, nước sông Cầu Chày dâng cao gây ra hiện tượng sạt trượt một số đoạn đê Yên Giang, nước tràn vào nhà dân, trường học.
Nước ngập trạm biến thế khiến toàn xã mất điện. Ngay trong chiều và đêm 11/10, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng khẩn trương hỗ trợ các hộ bị ngập, di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Gần 300 nhân khẩu xã Yên Giang đã được sơ tán đến Trường Trung học Cơ sở Yên Giang, vào nhà văn hóa xã để tránh trú.
Bà Lê Thị Sáu (74 tuổi) thôn 3, xã Yên Giang cho biết: “Nước lên rất nhanh, nhà tôi bị ngập gần 2m nước, chỉ kịp chuyển ít đồ đạc lên cao, còn lúa, gạo, lợn gà không kịp trở tay. Hai ông bà nhà tôi, con dâu và cháu nội được chính quyền địa phương sơ tán ra trường Trung học Cơ sở và ở đấy từ hôm qua đến giờ. Chúng tôi chỉ mong nước nhanh rút để trở về dọn dẹp nhà cửa, xem có vớt vát được gì không."
Theo báo cáo nhanh của Ban Phòng chống lụt bão huyện Yên Định, mưa lũ đã khiến toàn bộ 5.500 ha diện tích cây trồng vụ đông trên địa bàn huyện bị hư hỏng, nhất là các diện tích ngô, ớt và đậu tương. Các xã có diện tích sản xuất cây trồng vụ đông bị thiệt hại nặng như Yên Phú,Yên Tâm, Yên Giang, Yên Lâm, Yên Trung, Yên Bái, Định Liên, Định Bình…
Hơn 1.000ha ao, hồ nuôi trồng thủy sản bị mất trắng do nước tràn bờ. Gần 100/875 trang trại, gia trại tổng hợp trên địa bàn bị ngập sâu. Ngoài ra, gần 3.000 hộ dân bị ngập nước, 40/243 thôn bị ngập nặng.
Các cấp, các ngành trong huyện tăng cường kiểm tra, theo dõi, đóng chốt tại các địa bàn, các tuyến đê xung yếu đặc biệt là ở các xã ven sông Mã và sông Cầu Chày.
Đến 18 giờ ngày 12/10, nước sông Cầu Chày đang rút chậm, khả năng 2-3 ngày tới, nước mới rút hết trên địa bàn huyện Yên Định./.