Các nước nghèo và "cuộc chiến đấu giá" vắcxin ngừa COVID-19

COVAX, một liên minh 172 quốc gia (không bao gồm Mỹ), đang tìm cách “đảm bảo sự tiếp cận vắcxin nhanh chóng, công bằng và hợp lý” cho “những người dân ở tất cả mọi quốc gia.”
Các nước nghèo và "cuộc chiến đấu giá" vắcxin ngừa COVID-19 ảnh 1Tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cho một cụ bà tại Cologne, Đức ngày 27/12/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng Project Syndicate, thế giới vừa đón nhận một món quà có lẽ là tốt đẹp nhất cho năm mới sắp đến.

Việc phát triển được các loại vắcxin an toàn và hiệu quả ngừa COVID-19 trong một thời gian ngắn như vậy giống như một phép màu về y tế và báo hiệu sự kết thúc một cuộc khủng hoảng tồi tệ đã bao trùm cả năm 2020.

Tuy nhiên, tốc độ mà chúng ta có thể kết thúc đại dịch này còn phụ thuộc vào 3 yếu tố:

Thứ nhất là mức độ tiếp tục tuân thủ các biện pháp an toàn được khuyến nghị như là đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, tránh nơi đông người và rửa tay.

Nhân tố thứ hai là năng lực vượt qua hàng loạt thách thức về hậu cần và quản lý việc phân phối các loại vắcxin trên toàn cầu của chúng ta.

Và thứ ba là khả năng tiếp cận các loại vắcxin của các nước nghèo hơn trên thế giới. Đại dịch sẽ không thể kết thúc chừng nào virus SARS-CoV-2 vẫn hoành hành khắp mọi nơi.

Một số nỗ lực đang sẵn sàng được thực hiện để đạt được mục tiêu này. Chẳng hạn, COVAX, một liên minh 172 quốc gia (không bao gồm Mỹ), đang tìm cách “đảm bảo sự tiếp cận vắcxin nhanh chóng, công bằng và hợp lý” cho “những người dân ở tất cả mọi quốc gia.”

Dưới sự đồng chỉ đạo của Gavi, Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), COVAX đã xúc tiến các thỏa thuận với 9 hãng chế tạo dược phẩm để đặt mua vắcxins ngay khi chúng được thông qua sử dụng.

[WHO kêu gọi phân phối công bằng vắcxin phòng COVID-19]

Cho đến nay, cả Liên minh châu Âu (EU) và cá nhân các nước thành viên EU đã đóng góp phần lớn nhất cho nỗ lực này (tính đến nay là 850 triệu euro - tương đương 1 tỷ USD), tiếp đến là Quỹ Bill & Melinda Gates và các nhà tài trợ lớn khác.

COVAX đang tìm cách gia tăng ngân sách này lên 5 tỷ USD từ nay đến cuối năm 2021 để có thể mua 2 tỷ liều vắcxin.

Tuy nhiên, dù là với loại vắcxin chỉ cần dùng một liều duy nhất (loại vắcxin được thông qua hiện nay cần 2 liều), thì 2 tỷ USD cũng là không đủ để đảm bảo vắcxin cho tất cả người dân của các nước đang phát triển.

Và mặc dù có những hy vọng rằng các nhà sản xuất tại các quốc gia như Ấn Độ có thể chế tạo các loại vắcxin rẻ hơn, thì nguồn cung toàn cầu vẫn còn khá thiếu hụt mới đủ đáp ứng nhu cầu của tất cả.

Ngoài COVAX, còn có những nỗ lực hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các nước nghèo. Chẳng hạn, Ngân hàng Thế giới (WB) đã trao 160 tỷ USD cho các nước khách hàng của mình, và nhiều nhà tài trợ cũng các quỹ nhân ái khác cũng đã đóp góp theo một hình thức tương tự.

Các nước nghèo và "cuộc chiến đấu giá" vắcxin ngừa COVID-19 ảnh 2Hình ảnh mô phỏng vắcxin ngừa COVID-19 của Sinopharm (Trung Quốc). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thêm vào đó, theo Sáng kiến Đình chỉ Nghĩa vụ Trả Nợ (DSSI) chung của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, 73 quốc gia nghèo đã được trao cơ hội hoãn trả nợ cho đến tháng 6/2021.

Mặc dù sự tiếp cận vắcxin phổ quát là điều quan trọng để vượt qua đại dịch, song chưa rõ là liệu việc tài trợ thêm tiền cho các nước nghèo để mua vắcxin có thực sự đảm bảo cho họ mua được thêm nhiều liều vắcxin hơn trong bối cảnh nguồn cung còn thiếu thốn như đã nói ở trên.

Các nhà sản xuất được phê duyệt hiện đã nỗ lực hết mình để khắc phục những hạn chế này, và mặc dù có thể có những bất ngờ thuận lợi, nhưng nhu cầu tăng cao (và cả giá thành để mua vắcxin) cũng không thể kích thích được sự gia tăng năng suất một cách đáng kể.

Thêm vào đó, nhiều hợp đồng hiện này quy định các nhà sản xuất phải bán với mức giá và số lượng nhất định. Nhưng sau khi những kho hàng theo các hợp đồng này cạn kiệt, số tiền phải bỏ ra thêm để các quốc gia tự mua vắcxin có thể gây ra một cuộc đấu giá, theo đó làm giá vắcxin tăng cao.

Chắc chắn là các công ty đang đảm nhận sự rủi ro trong việc theo đuổi một loại vắcxin hiệu quả và an toàn xứng đáng được đền bù vì những nỗ lực của mình. Khi năng suất gia tăng, các lực lượng trong thị trường nên được cho phép đưa ra những sự khuyến khích cho các phát minh, phát triển và thành lập thêm các cơ sở sản xuất.

Tuy nhiên, với thực tế là nhu cầu vắcxin cho năm 2021 có thể vượt quá nguồn cung, những động lực để tăng năng suất khó có thể cải thiện cán cân cung-cầu trong năm này.

Và đây cũng không phải mối quan ngại duy nhất. Nếu một số quốc gia đủ tín nhiệm, họ có thể vay thêm tiền để mua vắcxin khi giá vắcxin tăng, khiến họ rơi vào tình trạng nợ nần nặng nề hơn những lại không mua được nhiều vắcxin hơn so với số tiền họ bỏ ra.

Trong khi đó, các nước nghèo khác vốn đã rơi vào tình trạng nợ nần nghiêm trọng còn phải đang đối mặt với những khó khăn trong việc trả nợ ngay cả trong những hoàn cảnh kinh tế bình thường.

Và một vài trong số các quốc gia được tiếp nhận sự hỗ trợ từ DSSI có thể sử dụng các khoản tài trợ này để trả nợ thay vì mua vắcxin. Còn đối với các chủ nợ khác như là các ngân hàng tư và các nước cho vay chính thức khác theo các thỏa thuận song phương, chẳng hạn như Trung Quốc, nguồn quỹ để phục vụ tái cơ cấu nợ sau này sẽ không còn nhiều để thực hiện kết hợp với những cải cách kinh tế vĩ mô.

Tình trạng này có thể kéo theo tình trạng thiếu vắcxin để chuyển cho các nước nghèo và sự đền bù lớn hơn dành cho các bên cho vay, vốn nhận được các khoản chi trả nợ cả vốn lẫn lãi mà những bên đề ra sáng kiến DSSI phải chịu.

Và ngay cả trong những trường hợp khác, những nguồn tài trợ mới cũng có thể được đổ trực tiếp vào các lĩnh vực khác sử dụng tiền mà chính phủ đi vay thay vì để mua vắcxin.

Với tất cả những vấn đề phức tạp này, cách tốt nhất để hỗ trợ các nước nghèo tiếp cận được nhiều liều vắcxin hơn là đạt được một thỏa thuận quốc tế, có thể là thông qua COVAX và WHO, để hợp tác trong việc phân bổ vắcxin.

Mỹ được cho là sẽ quay trở lại WHO sau khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức vào ngày 20/1/2021.

Một khi điều này diễn ra, một sự thúc đẩy đa phương nhằm phân bố hiệu quả các liều vắcxin đến những nước nghèo sẽ có cơ hội thành công cao và nên được theo đuổi một cách nghiêm túc nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục