"Vắcxin thực sự là niềm hy vọng của mọi người," chia sẻ này không chỉ của đội ngũ y tế và người dân Anh-quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn và tiến hành tiêm vắcxin phòng COVID-19, mà từ khắp mọi nơi.
Cụ bà Margaret Keenan, 90 tuổi, người đầu tiên trên thế giới được tiêm mũi vắcxin phòng COVID-19 do hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức phối hợp bào chế, có lẽ sẽ không thể nào quên thời khắc vén tay áo đón nhận mũi tiêm đã trông đợi suốt gần 1 năm qua.
Mũi tiêm vào lúc 6 giờ 31 sáng 8/12 dành cho cụ Keenan tại một bệnh viện địa phương ở Coventry, chẳng khác nào một bước chuyển lịch sử trong cuộc chiến chống COVID-19, báo hiệu bình minh xua tan sự u ám của đại dịch ở Xứ sở sương mù, bởi virus SARS-CoV-2 đã vĩnh viễn cướp đi sinh mạng của hơn 61.000 người dân nước này.
Ngoài Anh, Canada, Mỹ, Thụy Sĩ và Sinhgapore cũng đã chính thức cấp phép sử dụng vắcxin của Pfizer/BioNTech.
COVID-19 hoành hành từ đầu năm đẩy thế giới vào vòng xoay tuần hoàn chưa từng có tiền lệ, là phong tỏa chống dịch rồi mở cửa trở lại để cứu vãn nền kinh tế, rồi lại phong tỏa một phần thậm chí là phong tỏa hoàn toàn khi số ca mắc mới và tử vong tại nhiều nơi liên tục tăng cao.
Các biện pháp phong tỏa, hạn chế, vốn khiến hơn 3,9 tỷ người (tương đương 50% dân số thế giới) phải làm việc và học tập ở nhà, đã và đang làm gián đoạn nguồn cung, doanh nghiệp, các nhà hàng, khách sạn, trung tâm giải trí, phòng tập thể thao phải đóng cửa; nhiều hoạt động văn hóa-xã hội bị hoãn, hủy, đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên mức cao kỷ lục và kinh tế toàn cầu rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Dịch bệnh còn gây ảnh hưởng lớn đối với các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, như phụ nữ và trẻ em đứng trước rủi ro cao hơn, bị bạo hành nhiều hơn, số người mắc các bệnh tâm thần hay tự tử gia tăng.
Trong bối cảnh đó, việc tìm ra loại vắcxin hiệu quả được đánh giá như một lối thoát có thể đưa thế giới ra khỏi vòng tuần hoàn này.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định vắcxin ngừa COVID-19 sẽ là “công cụ duy nhất có thể đưa thế giới trở lại bình thường, cứu sống hàng triệu người và hàng nghìn tỷ USD” thiệt hại kinh tế.
Tổ chức Eurasia ước tính việc tiếp cận được vắcxin phòng COVID-19 trên quy mô toàn cầu có thể mang lại cho 10 nền kinh tế lớn ít nhất 153 tỷ USD cho tài khóa 2020-2021 và 466 tỷ USD cho đến năm 2025.
Chính vì vậy, một cuộc đua nghiên cứu, phát triển vắcxin ngừa COVID-19 và thuốc điều trị đã nhanh chóng được khởi động ở cấp độ toàn cầu ngay từ tháng 1/2020, khi Trung Quốc công bố dữ liệu giải trình tự gene virus SARS-CoV-2.
Hàng nghìn nhà khoa học, hàng tỷ USD đã và đang được đổ vào cuộc đua được đánh giá là “vô tiền khoáng hậu” này.
Thông thường, để phát triển được một loại vắcxin phòng bệnh cần từ 10 đến 15 năm, loại vắcxin được bào chế nhanh nhất trong lịch sử là vắcxin phòng quai bị cũng phải mất tới 4 năm.
Tuy nhiên, trước sức tàn phá của virus SARS-CoV-2, ngay trong năm nay, hơn 187 loại vắcxin phòng COVD-19 đã và đang được phát triển trên khắp thế giới, trong đó 63 vắcxin đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ nhất và thứ hai trên người, 18 vắcxin ở giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, 3 vắcxin đã được ít nhất một nước phê chuẩn lưu hành và 85 loại đang trong quá trình nghiên cứu tiền lâm sàng.
[Hàn Quốc đảm bảo việc tiêm vắcxin COVID-19 sẽ không quá muộn]
Hiện, vắcxin BNT162b2 của Pfizer/BioNTech, với giá dự kiến là 20 USD/liều, đang dẫn đầu cuộc đua, sau khi công bố toàn bộ dữ liệu thử nghiệm giai đoạn cuối cho hiệu quả tới 95% khi tiêm đủ 2 mũi cách nhau 21 ngày.
Tiếp bước Pfizer/BioNTech, công ty dược phẩm Moderna của Mỹ cũng đã công bố hiệu quả vắcxin của hãng là 94,5% nếu tiêm đủ 2 mũi cách nhau 4 tuần, với giá từ 32-37 USD/mũi.
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã chứng thực vắcxin này đạt hiệu quả cao, mở đường cho việc cấp phép lưu hành, qua đó giúp nền kinh tế đầu tàu thế giới có thêm “tấm khiên” bảo vệ sức khỏe cho người dân nói riêng và đời sống kinh tế-xã hội nói chung.
Vắcxin của Pfizer/BioNTech là loại được nhiều nước phê chuẩn nhất và sử dụng để triển khai tiêm chủng đại trà, song Nga mới là quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép lưu hành vắcxin COVID-19.
Tháng Tám vừa qua, Nga đã cấp phép lưu hành vắcxin Sputnik V, do Viện Gamaleya của nước này phát triển.
Sau gần 3 tháng thử nghiệm giai đoạn cuối, Nga thông báo hiệu quả của vắcxin Sputnik V lên tới 95% và bắt đầu tiêm chủng đại trà cho người dân từ đầu tháng 12. Chi phí cho một liều vắcxin Sputnik V ngừa COVID-19 có giá dưới 10 USD.
Một loạt vắcxin tiềm năng khác cũng đang cho kết quả thử nghiệm tiềm năng, trong đó có sản phẩm do hãng dược phẩm AstraZeneca cùng Đại học Oxford (Anh) bào chế và vắcxin của hãng Sinovac (Trung Quốc).
Không chỉ các nước phát triển, một loạt quốc gia đang phát triển, trong đó có Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, cũng đang tham gia tích cực vào cuộc đua phát triển vắcxin này với mục tiêu có thể sản xuất vắcxin từ đầu năm tới.
Chính điều này đã và đang tiếp thêm tinh thần lạc quan về khả năng sớm khống chế được đại dịch
Tại Việt Nam, công tác nghiên cứu và bào chế vắcxin cũng ghi nhận những bước tiến vượt bậc. vắcxin Nano Covax, do Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen phát triển, là vắcxin phòng COVID-19 đầu tiên của Việt Nam chính thức chuyển sang giai đoạn tiêm thử nghiệm cho người.
Ngày 17/12 vừa qua, ba tình nguyện viên đầu tiên, được chọn trong số 60 người tuổi từ 18-50 tình nguyện tham gia thử nghiệm giai đoạn 1, đã được tiêm một liều 25mcg Nano Covax.
Sau 72 giờ tiêm, cả ba người có sức khỏe ổn định, không có phản ứng bất thường, các chỉ số vắcxin an toàn với người, mở đường để tiếp tục tiêm cho 57 tình nguyện viên còn lại.
Theo kế hoạch, 60 tình nguyện viên này sẽ được chia tiêm 3 nhóm liều 25 mcg, 50 mcg và 75 mcg, tiêm hai mũi vắcxin, với khoảng cách giữa hai mũi là 28 ngày.
Dự kiến, việc thử nghiệm giai đoạn 2 sẽ vào tháng 3/2021 và sau đó tiến hành nghiên cứu giai đoạn 3 vào tháng 8/2021, với từ 3.000 đến 4.000 người tham gia, thậm chí mở rộng đến 10.000 người.
[Thủ tướng: Đẩy nhanh tiến độ nhằm sớm có vắcxin phòng chống COVID-19]
Điểm mạnh của vắcxin Việt Nam là bảo quản được trong nhiệt độ tủ lạnh bình thường (2-8 độ), trong khi vắcxin của một số hãng phải bảo quản ở nhiệt độ âm 74 độ.
Nếu mọi việc thuận lợi, Việt Nam có thể cung ứng rộng rãi vắcxin COVID-19 từ quý 2/2022.
Ngoài công ty sản xuất Nano Covax, hiện còn 3 đơn vị tham gia nghiên cứu, sản xuất vắcxin COVID-19, gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vắcxin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắcxin và sinh phẩm y tế (POLYVAC); Viện vắcxin và Sinh phẩm y tế (IVAC). vắcxin của IVAC, VABIOTECH dự kiến thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vào tháng 3/2021.
Song song với cuộc đua vắcxin, thế giới cũng dồn sức tìm phương thuốc điều trị COVID-19.
Hãng dược Green Cross của Hàn Quốc đã thông báo ca bệnh đầu tiên được chữa khỏi COVID-19 sau khi dùng thuốc điều trị bằng huyết tương của hãng này.
Loại thuốc viên trị cúm Molnupiravir, đang được các nhà khoa học Mỹ thử nghiệm, cũng cho kết quả khả quan trong việc triệt tiêu khả năng lây truyền của virus SARS-CoV-2, chứng minh được hiệu quả kháng virus trên nhiều loài vật, đặc biệt có thể ngăn chặn lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trên chồn sương trong vòng 24 giờ.
Những “tin vui” liên tiếp về vắcxin và thuốc điều trị COVID-19 mang lại hy vọng cho thế giới. Nhiều nước, đặc biệt là các nước giàu, đã không ngại ngần “rút hầu bao” đặt mua vắcxin.
Liên minh châu Âu (EU) đã chi tới hơn 10 tỷ USD để đảm bảo nguồn cung vắcxin cho 447 triệu người. Mỹ cũng không ngại bỏ tới 9 tỷ USD, Nhật Bản dành 66,5 tỷ USD mua để sở hữu “vũ khí” chống virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, cùng với hy vọng, thế giới lại đang đối mặt với vấn đề phân phối vắcxin công bằng, khi mà “chủ nghĩa dân tộc về vắcxin” đã xuất hiện.
Theo thống kê, các nước giàu - chỉ chiếm khoảng 14% dân số toàn cầu - đã đặt mua trước tới hơn 50% số liều vắcxin dự kiến được 13 nhà sản xuất hàng đầu cung cấp trong năm tới.
Vì vậy, ngay cả khi tất cả các nhà sản xuất có thể tạo ra các loại vắcxin hiệu quả, an toàn và đáp ứng các mục tiêu sản xuất tối đa thì "ít nhất 1/5 dân số thế giới cũng không được tiếp cận với vắcxin cho đến năm 2022."
Một số nước còn đặt mua số lượng vắcxin nhiều hơn gấp vài lần dân số. Đơn cử, Canada đã đặt mua tương đương 4 liều/người, trong khi các nước như Indonesia, cứ 2 người mới có một liều tiêm.
Tính đến giữa tháng 11 vừa qua, các nước đã đặt mua 7,48 tỷ liều vắcxin, tương đương với 3,76 tỷ người được tiêm (liều hai mũi). Con số này vượt xa khả năng sản xuất tối đa dự kiến chỉ đủ cho 5,96 tỷ người được tiêm vào cuối năm 2021.
Ngay cả khi hãng dược phẩm AstraZeneca cùng với Đại học Oxford đã cam kết cung cấp 64% lượng vắcxin sản xuất được cho các nước đang phát triển, con số này chỉ đáp ứng được khoảng 18% dân số thế giới trong năm tới.
Bên cạnh đó, việc các nước đi đầu trong nghiên cứu và sản xuất vắcxin, trong đó có Mỹ, không tham gia Cơ chế Tiếp cận vắcxin phòng COVID-19 trên phạm vi toàn cầu (COVAX), do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều phối nhằm đảm bảo mọi người trên thế giới đều được tiếp cận vắcxin, đang đặt ra câu hỏi về hiệu quả thực tế của sáng kiến trên.
Tình trạng “chỗ đủ, chỗ thiếu” vắcxin từng xảy ra trong đại dịch cúm H1N1 năm 2009. Mặc dù các nhà sản xuất vắcxin hàng đầu cam kết sẵn sàng chia sẻ 40% số liều vắcxin, song quá trình này lại phụ thuộc vào việc các nước giàu có sẵn lòng chia bớt số vắcxin họ đã mua hay không.
Trong bối cảnh đại dịch tiếp tục lây lan đã làm suy kiệt nguồn lực tài chính của các nước nghèo, cuộc đua của các nước lớn trong việc sở hữu vắcxin càng làm tăng nguy cơ các nước nghèo bị bỏ lại phía sau.
Cuộc đua sở hữu vắcxin này cũng đang bộc lộ nhiều điểm được đánh giá là “lợi bất, cập hại.” Đó là nguy cơ độc quyền, tự ấn định giá bán, hay các hãng dược phẩm vì lợi nhuận trước mắt mà đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, thử nghiệm vắcxin.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lưu ý rằng lợi ích tốt nhất của thế giới là phải đảm bảo tiêm chủng vắcxin rộng rãi, bởi nếu dịch bệnh không bị đẩy lùi, sẽ lại có những biến thể virus mới và những loại vắcxin hiện nay có thể sẽ không còn phát huy tác dụng tốt.
Theo tính toán của hãng nghiên cứu Eurasia Group, các nước giàu có nguy cơ thiệt hại 119 tỷ USD mỗi năm trong 5 năm tới nếu các quốc gia nghèo hơn không được tiếp cận bình đẳng với vắcxin ngừa COVID-19.
Ngược lại, những nước giàu có thể nhận được ít nhất 153 tỷ USD trong thời gian 2020-2021, và 466 tỷ USD vào năm 2025 nếu đầu tư cho việc phân bổ vắcxin công bằng cho toàn thế giới.
Tuy nhiên, WHO cũng khẳng định chỉ riêng việc tiêm vắcxin sẽ không thể đẩy lùi được COVID-19, mà chỉ là bổ sung một công cụ quan trọng và sắc bén cho hệ thống các công cụ cần thiết để đối phó với đại dịch này.
Hơn nữa, virus SARS-CoV-2 vẫn không ngừng biến thể, mà mới nhất là biến thể VUI-2020/12/01 vừa được phát hiện ở Anh và cũng đã xuất hiện ở một số nước châu Âu.
Điều đó có nghĩa thế giới không thể trông cậy quá nhiều vào vắcxin mà vẫn phải triển khai quyết liệt tất cả các biện pháp phòng chống dịch với tình thần cảnh giác và trách nhiệm cao nhất./.