Campuchia thí điểm thuốc Molnupiravir, Indonesia chưa tiêm cho trẻ

Bộ Y tế Campuchia cho biết sẽ sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir trong điều trị khẩn cấp, trong khi Bộ Y tế Indonesia cho biết chính phủ nước này chưa thể tiêm cho trẻ em do thiếu vaccine.
Campuchia thí điểm thuốc Molnupiravir, Indonesia chưa tiêm cho trẻ ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh (Campuchia), ngày 2/7/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Bộ Y tế Campuchia ngày 3/11 đã đồng ý cấp phép sử dụng thí điểm thuốc kháng virus Molnupiravir trong trường hợp điều trị khẩn cấp cho các bệnh nhân COVID-19.

Thuốc Molnupiravir do Công ty Mylan Laboratories Limited ở Maharashtra (Ấn Độ) sản xuất.

Trong thông cáo cấp phép, Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bun Heng cho biết sẽ sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir trong điều trị khẩn cấp, trong khi vẫn phải tiếp tục nghiên cứu và đánh giá phác đồ điều trị xen kẽ.

Các đơn vị liên quan sẽ theo dõi chặt chẽ việc sử dụng thuốc Molnupiravir để đảm bảo an toàn và kiểm soát các phản ứng bất lợi do dược phẩm này gây ra.

Trả lời báo Khmer Times cùng ngày, người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Hok Kim Cheng cho biết thuốc kháng virus Molnupiravir sẽ giúp bệnh nhân COVID-19 chưa tiêm vaccine có thể phục hồi, thậm chí hiệu quả trong một số trường hợp diễn biến xấu. Campuchia đang trong quá trình nhập khẩu thuốc Molnupiravir.

Trước đó, lo ngại vẫn còn nhiều người tử vong vì COVID-19, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen ngày 2/11 kêu gọi giới chức các bộ ngành liên quan và lực lượng y tế tìm cách giảm tỷ lệ tử vong do đại dịch tại nước này.

Ba ngày sau khi Thủ tướng Hun Sen thông báo sẽ mở cửa tất cả các lĩnh vực, số ca mắc COVID-19 tiếp tục giảm và ở mức thấp nhất trong chuỗi 34 ngày bình thường mới tại Campuchia.

[COVID-19: Campuchia diễn biến tích cực, các ca mắc mới ở Lào vẫn cao]

Trong thông cáo ngày 4/11, Bộ Y tế Campuchia xác nhận nước này có 83 ca mắc COVID-19 trong ngày, nâng tổng số ca nhiễm lên 118.870 ca. Số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 6 ca lên 2.813 ca.

Theo thông báo mới nhất, Bộ Du lịch Campuchia ngày 3/11 đã ban hành quyết định cho mở cửa trở lại kinh doanh vườn bia và hướng dẫn các cơ sở này tuân thủ chặt chẽ các quy định an toàn du lịch và các quy định chuẩn về phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế.

Indonesia chưa tiêm chủng cho trẻ em trong năm nay

Tại Indonesia, người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Siti Nadia Tarmizi ngày 4/11 cho biết chính phủ nước này chưa thể tiến hành chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 6-11 tuổi trong năm nay do thiếu nguồn cung vaccine.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, tuyên bố trên được bà Nadia đưa ra sau khi Phó chủ tịch Ủy ban IX (chuyên giám sát các vấn đề dân số, y tế, nhân lực và di cư) thuộc Hạ viện Charles Honoris hối thúc tiêm chủng cho đối tượng này ngay lập tức, đề phòng nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ ba vào cuối năm nay.

Bà Nadia cho hay Bộ Y tế cần bổ sung kho dự trữ vaccine của Sinovac do đơn đặt hàng từ công ty này hiện không đủ, đồng thời cần thêm 40 triệu liều vaccine thuộc loại này để tiêm phòng mũi thứ hai cho người dân.

Theo bà Nadia, chính phủ cần ít nhất 30 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 để tiêm cho 25-27 triệu trẻ em từ 6-11 tuổi. Loại vaccine được sử dụng cho đối tượng này do công ty Sinovac của Trung Quốc sản xuất.

Hiện mới chỉ có vaccine của Sinovac được Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho trẻ em từ 6-11 tuổi. Tuy nhiên, bà Nadia khẳng định BPOM sẽ mở cửa để các hãng sản xuất vaccine khác trình kết quả thử nghiệm lâm sàng ở đối tượng này.

Bà Nadia, người cũng đang giữ chức Cục trưởng Phòng chống và Kiểm soát các bệnh truyền nhiễm trực tiếp (P2PML), đặt mục tiêu khởi động chương trình tiêm chủng cho trẻ em từ 6-11 tuổi chậm nhất vào tháng 1/2022.

Campuchia thí điểm thuốc Molnupiravir, Indonesia chưa tiêm cho trẻ ảnh 2Kiểm tra thân nhiệt tại một trường học nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Banda Aceh (Indonesia). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hiện nay, ngoài việc tìm kiếm nguồn cung vaccine, Bộ Y tế cũng cần tham khảo ý kiến của Ủy ban tư vấn kỹ thuật tiêm chủng quốc gia (ITAGI), Hiệp hội bác sĩ nhi khoa Indonesia (IDAI), và các tổ chức chuyên môn liên quan khác để xây dựng quy trình kỹ thuật tiêm chủng cho trẻ em.

Ngoài vấn đề thiếu nguồn cung vaccine, bà Nadia cho rằng cần ưu tiên tiêm vaccine cho người trưởng thành trên 18 tuổi do các nhóm đối tượng này có nguy cơ mắc bệnh và tử vong cao hơn nếu không được tiêm chủng ngay.

Bà Nadia cũng khẳng định chính phủ đang tập trung theo đuổi mục tiêu tiêm chủng cho người trên trên 11 tuổi, đặc biệt là đối tượng người cao tuổi vốn đang có tỷ lệ bao phủ vaccine thấp nhất tại Indonesia.

Indonesia đặt mục tiêu cung cấp vaccine cho 80-85% đối tượng tiêm chủng vào cuối năm 2021, trong đó tỷ lệ tiêm mũi thứ hai đạt 60%. Mới đây, Hạ viện nước này đã yêu cầu tiêm vaccine cho trẻ em từ 6-11 tuổi ngay trong năm 2021, sớm hơn mục tiêu vào tháng 1/2022 của Bộ Y tế.

Nghị sỹ Charles Honoris hy vọng rằng việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 6-11 tuổi có thể giúp khôi phục nền giáo dục quốc gia. Một Phó chủ tịch khác của Ủy ban IX thuộc Hạ viện là ông Nihayatul cũng cho rằng điều này có thể làm tăng sự tin tưởng của phụ huynh khi cho trẻ đến trường học trực tiếp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục