Thời gian gần đây, dư luận liên tục “dậy sóng” với những câu chuyện về lễ hội chém lợn ở Ném Thượng (Bắc Ninh), những màn ẩu đả, tranh cướp đến đổ máu ở lễ hội Gióng (Hà Nội) và lễ hội Phết (Phú Thọ)… Liền sau đó là những tranh luận chưa có hồi kết để tìm lời giải cho câu hỏi “Tại sao?” “Tại đâu?” và “Tại ai?”
Với loạt bài “Lễ hội: ‘Bao giờ cho hết những vòng… quẩn quanh?’,” báo điện tử VietnamPlus hy vọng đưa lại cho độc giả cái nhìn đa chiều về vấn đề này.
Bài 1: Lễ hội - Khi truyền thống trở thành… vấn đề gây tranh cãi
“Với nhiều dân tộc, máu động vật tượng trưng cho sinh khí. Việc dùng máu động vật để hiến tế mang hàm ý cầu xin đất đai màu mỡ. Bởi vậy, bản thân hành vi này có nguồn gốc văn hóa riêng, thể hiện tư duy của cư dân nông nghiệp. Chúng ta không thể vận dụng những tiêu chí của thời nay hay của nơi khác khi nhìn nhận về những nghi thức cũ,” giáo sư Trần Lâm Biền - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia bày tỏ.
“Lỗi không thuộc về truyền thống”
“Tranh cướp,” “ẩu đả,” “đánh nhau” và thậm chí cả “đổ máu” đã trở thành những “từ khóa” để miêu tả về thực trạng một số lễ hội diễn ra trong thời gian vừa qua: lễ hội Gióng (Hà Nội), lễ khai ấn đền Trần (Nam Định), lễ hội Phết (Phú Thọ)…
Theo giáo sư-tiến sỹ Ngô Đức Thịnh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian), tranh lộc cầu may là tục lệ phổ biến ở nhiều lễ hội truyền thống.
Thậm chí, nghi thức “cướp” hoa tre còn là một trong những thành tố được trình bày cụ thể trong hồ sơ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận lễ hội Gióng là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
“Việc chen lấn, ẩu đả như vừa nhắc tới ở trên là hệ quả của việc nhận thức và thực hành sai, làm biến tướng nghi thức cổ. Lỗi không thuộc về truyền thống mà thuộc về những người thực hành nó,” ông Ngô Đức Thịnh nhìn nhận.
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, giáo sư-tiến sỹ Ngô Đức Thịnh cho rằng, sự thiếu hụt trong nhận thức về tín ngưỡng, “đứt đoạn” truyền thống của cả người tham gia và những người tổ chức là nguyên nhân của những hiện tượng này.
“Khoảng từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, các lễ hội dân gian dần được phục dựng lại sau một thời gian dài bị gián đoạn bởi chiến tranh và thời kỳ cấm đoán vì mục đích bài trừ mê tín dị đoan,” ông Thịnh cho hay.
Theo nhà nghiên cứu này, lễ hội dù là di sản, những giá trị truyền thống do cha ông truyền lại thì với thế hệ trẻ - những người tiếp nhận, đó vẫn là những câu chuyện mới.
“Trong bối cảnh đó, nếu không được giáo dục đầy đủ về nguồn gốc, ý nghĩa nội tại của lễ hội gắn với những nghi thức truyền thống thì khi tham gia, người ta sẽ không mang tâm thế thành kính. Thay vào đó là ‘máu ăn thua,’ sự vụ lợi cá nhân và kết quả đưa tới là những cuộc ẩu đả như đã thấy,” giáo sư-tiến sỹ Ngô Đức Thịnh chỉ rõ.
Nhà nghiên cứu cho rằng, như vậy, lễ hội cũng đã bị dung tục hóa, việc phục dựng mới chỉ là tái dựng lại hiện tượng chứ chưa khôi phục được đúng với ý nghĩa vốn có.
Vì đâu nên nỗi?!
Không dừng lại ở đó, trong thời gian qua, tục chém lợn, hội đâm trâu, chọi trâu… (với cảnh tượng người xem hò reo trước việc “ông ỉn” bị chém ngang thân, du khách mua vui bằng cảnh những “ông trâu” phải đổ máu) cũng liên tục được đưa ra “mổ xẻ.”
“Không ít ý kiến cho rằng: đây là những hủ tục, lối hành xử dã man với động vật. Thế nhưng, tôi lại thấy đó là cách nhìn nhận bất công, bỏ qua nguồn gốc và ý nghĩa nội tại - mã văn hóa của những lễ hội này. Khi chưa có những kết quả điều tra xã hội học cụ thể thì đừng vội kết luận những nghi thức tiềm ẩn nguy cơ làm gia tăng bạo lực xã hội” ông Trần Lâm Biền nói.
Cụ thể, vị chuyên gia này cho biết, trong quan niệm truyền thống, những nghi thức cụ của lễ hội đều là biểu hiện cho mối quan hệ giữa con người với xã hội, thiên nhiên.
“Những nghi thức này khi đặt trong thời gian thiêng, không gian thiêng thì sẽ trở nên thiêng liêng và mang tính biểu tượng. Bởi lẽ đó, khi nhìn vào lễ hội với những tục lệ của nó, chúng ta cần nhìn sâu vào bên trong để giải mã những biểu tượng này,” giáo sư Trần Lâm Biền nói.
Nhà nghiên cứu lấy chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) làm ví dụ. Theo ông Biền, lễ hội này gắn với tục thờ Mặt Trăng. Trong khi đó, Mặt Trăng gắn với thủy triều. Bởi vậy, nó thể hiện ý thức hòa hợp với thiên nhiên của cộng đồng cư dân nơi này.
Cặp sừng trâu có hình trăng lưỡi liềm. Việc những con trâu chọi nhau tượng trưng cho sự vận động của thủy triều. Con trâu thắng trận sẽ được dùng làm vật tế thần biển với ước mong về việc ra khơi được “thuận buồm xuôi gió.” Không chỉ có vậy, trong tâm thức cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, Mặt Trăng cũng gắn với ước vọng về mùa màng tốt tươi.
“Những giá trị, lớp nghĩa biểu tượng này nằm sâu bên trong sự vật, hiện tượng. Bởi vậy, nếu chỉ coi chọi trâu hay bất cứ lễ hội nào khác có tục hiến sinh là trò mua vui dựa trên việc giết hại động vật thì sẽ làm méo mó ý nghĩa nội tại của nó,” giáo sư Trần Lâm Biền bày tỏ.
Có cùng quan điểm trên, giáo sư-tiến sỹ Ngô Đức Thịnh cũng cho rằng, khi nhìn nhận về các lễ hội với những nghi thức truyền thống, cần đặt mình vào vị trí của cộng đồng bản địa.
“Lễ hội khởi sinh từ nhu cầu văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của cư dân bản địa, do người dân địa phương vận hành,” nhà nghiên cứu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, cũng có ý kiến cho rằng, lịch sử văn hóa là một dòng chảy không ngừng. Có những yếu tố, tục lệ, lễ hội không còn phù hợp với thời nay thì nên xem xét loại bỏ./.
Bài 2: Duy trì hay loại bỏ lễ hội: Tranh luận vẫn chưa có hồi kết