Chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT ở một dự án đường cao tốc

Vì thẩm định lỏng lẻo nên dự án BOT đường nối cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương với đại lộ Võ Văn Kiệt đã “để lọt” nhà đầu tư yếu kém năng lực, nhiều hạng mục công trình dang dở.
Chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT ở một dự án đường cao tốc ảnh 1Một đoạn đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương. (Nguồn: TTXVN)

Nhà đầu tư không có năng lực nhưng vẫn được chỉ định thực hiện và được ngân hàng tài trợ vốn vay để làm dự án giao thông hơn 1.500 tỷ đồng.

Hệ quả là 6 năm qua, dù chỉ có 2,7km nhưng dự án vẫn chưa thể hoàn thành trong khi lãnh đạo chủ chốt của nhà đầu tư đang dính vòng lao lý trong vụ án liên quan đến ông Đinh Ngọc Hệ (còn gọi Út trọc).

Đặc biệt, mới đây, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT với tính chất chưa có tiền lệ.

Câu chuyện “thật như đùa” diễn ra tại dự án BOT đường nối cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương với đại lộ Võ Văn Kiệt do Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (gọi tắt là Công ty Yên Khánh) làm chủ đầu tư.

Vi phạm hợp đồng

Ngày 25/6/2016, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - đại diện bởi ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Yên Khánh - đại diện bởi bà Vũ Thị Hoan, Giám đốc công ty ký hợp đồng BOT số 3233/HĐ.BOT-UBND dự án đoạn tuyến nối đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương.

Địa điểm xây dựng dự án tại huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian xây dựng 20 tháng kể từ ngày khởi công. 

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng) là hơn 1.557 tỷ đồng; trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 14,8% và số còn lại là đi vay.

Trong khi đó, việc bồi thường giải phóng mặt bằng được tách thành dự án riêng, sử dụng ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh do Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh thực hiện.

Về phương án thu hồi vốn, chủ đầu tư được xây dựng 1 trạm trên đoạn tuyến nối Võ Văn Kiệt với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, thời gian thu phí hoàn vốn kéo dài 17 năm 8 tháng.

Thế nhưng, dự án khởi công vào tháng 6/2016 thì đúng 2 năm sau (tháng 6/2018) ngừng thi công. Tính đến nay, tổng sản lượng xây lắp của dự án chỉ đạt 140 tỷ đồng, tương đương 12%. Nhiều hạng mục đang trong tình trang dang dở, "đắp chiếu," bỏ hoang.

Vừa qua, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình đã ký Văn bản số 2055/UBND-DA chấp thuận đề nghị của Sở Giao thông Vận tải Thành phố về việc chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT dự án nói trên.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố thủ tục chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT đã ký và tiếp tục đầu tư hoàn thành dự án theo đúng quy định.

Ủy ban Nhân dân huyện Bình Chánh (nơi triển khai dự án) rà soát, đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng.

Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều lần Sở Giao thông Vận tải cùng với các sở ngành, cơ quan đơn vị có liên quan phối hợp, có nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án khắc phục vi phạm hợp đồng nhưng đến nay các vi phạm vẫn không được khắc phục hoàn toàn.

[Vụ cao tốc Trung Lương: Bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm]

Về việc xử lý vi phạm hợp đồng BOT, đại diện Sở Giao thông Vận tải thành phố cho rằng, đây là trường hợp chưa có tiền lệ tại Thành phố Hồ Chí Minh, liên quan đến nhiều lĩnh vực về tư pháp, tài chính, đầu tư. Chưa kể mức độ phức tạp có thể xảy ra trong quá trình xử lý, tiếp nhận dự án, chấm dứt hợp đồng, xử lý trách nhiệm các cơ quan chức năng liên quan trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước

Dự án BOT đường nối cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương với đại lộ Võ Văn Kiệt được triển khai theo hình thức chỉ định nhà đầu tư. Điều đáng nói, vì thẩm định lỏng lẻo nên dự án “để lọt” nhà đầu tư yếu kém năng lực, thậm chí ngân hàng còn tài trợ tín dụng hơn 1.438 tỷ đồng nhưng đến nay khó thu hồi, chuyển thành nợ xấu.

Hệ lụy là dự án không hoàn thành theo tiến độ, nhiều hạng mục công trình dang dở, "đắp chiếu," gây lãng phí nguồn lực đầu tư công cũng như gây nguy cơ thất thoát ngân sách, ảnh hưởng đến giao thông khu vực và mỹ quan đô thị.

Trước đó, vào tháng 3/2015, trong cuộc họp với các sở, ngành thành phố và Công ty Yên Khánh, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (hiện là bị cáo trong vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ) đã thống nhất đề xuất của Công ty Yên Khánh làm dự án đoạn tuyến nối đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương theo hình thức BOT.

Trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27/4/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký văn bản số 591/TTg-KTN đồng ý nguyên tắc cho Ủy ban Nhân dân Thành phố thực hiện dự án theo hợp đồng BOT, nhưng đảm bảo hiệu quả kinh tế-xã hội, phù hợp với Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Ủy ban Nhân dân thành phố căn cứ vào tính cấp bách của dự án, quyết định áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án theo thẩm quyền và chỉ đạo thực hiện theo quy định hiện hành.

Chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT ở một dự án đường cao tốc ảnh 2Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: Hoàng Hải/TTXVN)

Tuy nhiên, thay vì lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực, đúng quy định hiện hành như chỉ đạo của Chính phủ thì một số đơn vị thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lại thẩm định lỏng lẻo để rồi đề xuất nhà đầu tư yếu kém.

Đáng chú ý, Báo cáo số 4860/BCTĐ-SGTVT thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư xây dựng dự án đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương do ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải ký thể hiện: thời gian mở thầu bắt đầu từ 9h10 ngày 19/10/2015, tuy nhiên Công ty Yên Khánh đề nghị nộp hồ sơ đề xuất sớm hơn và đã được Sở Giao thông Vận tải chấp thuận.

Công ty Yên Khánh nộp hồ sơ vào lúc 9h ngày 19/10/2015, sớm hơn thời gian quy định 10 phút.

Ngay sau đó, Sở Giao thông Vận tải Thành phố lập tức đóng thầu mà không chờ đến thời gian đóng thầu theo quy định vào lúc 14 giờ ngày 16/11/2015.

Điều này khiến dư luận băn khoăn và đặt câu hỏi tại sao Sở Giao thông Vận tải thành phố lại “nhanh chóng” chấp nhận đề nghị của doanh nghiệp cho đóng thầu sớm hơn quy định, tạo điều kiện để Công ty Yên Khánh nộp được hồ sơ đề xuất mà không phải cạnh tranh với các hồ sơ khác?

Chưa kể, Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 thuộc Sở Giao thông Vận tải được phân công làm bên mời thầu và tham gia đánh giá hồ sơ đề xuất của Công ty Yên Khánh liệu có thực sự khách quan, đáng tin cậy và có vi phạm quy định trong Luật Đấu thầu năm 2013?

Trên cơ sở kết quả thẩm định nói trên về việc lựa chọn nhà đầu tư dự án của Sở Giao thông Vận tải, một ngày sau đó, vào ngày 23/10/2015, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có Quyết định số 5386/QĐ-UBND duyệt kết quả chỉ định Công ty Yên Khánh là nhà đầu tư thực hiện dự án.

Về vấn đề tài chính, để triển khai dự án nhà đầu tư đã ký với Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt cấp tín dụng hợp đồng với số tiền 1.438 tỷ đồng. Khởi công được 2 năm (tháng 6/2016-6/2018) nhưng nhà đầu tư chỉ nộp được 100/230,7 tỷ đồng vốn chủ sở hữu theo quy định tại Hợp đồng BOT mà chủ yếu sử dụng tiền vay của ngân hàng.

Trong Văn bản số 90/2021/LietvietPostBank.NSG, đại diện Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết doanh nghiệp dự án đã vi phạm hợp đồng tín dụng, không trả nợ vay đúng hạn, khoản nợ đã chuyển thành nợ xấu.

Để “cứu vãn” dự án, thu hồi vốn, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đề xuất Công ty cổ phần Him Lam tiếp nhận và tham gia dự án thay thế nhà đầu tư cũ.

Ông Dương Công Minh, người sáng lập và nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Him Lam.

Đáng chú ý tại dự án này, vào tháng 4/2020 Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an đã vào cuộc xác minh, thu thập tài liệu hợp đồng BOT ký với Công ty Yên Khánh.

Trong khi đó, liên quan đến dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, hàng loạt cán bộ, nhân viên Công ty Yên Khánh đang là bị cáo do vi phạm hoạt động đấu thầu và thu phí tại tuyến cao tốc này.

Ngoài ra, bà Vũ Thị Hoan và ông Phạm Văn Diệt, cựu Giám đốc và Phó Giám đốc Công ty Yên Khánh hiện còn là bị cáo trong vụ án Đinh Ngọc Hệ và cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến liên quan đến quản lý đất quốc phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục