Chăm sóc sức khỏe sinh sản ở Mỹ Latinh tụt lùi 30 năm vì đại dịch

Nhiều nước Mỹ Latinh đã hạn chế các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản trong thời đại dịch, trong khi các tổ chức hoạt động vì quyền của phụ nữ buộc phải chuyển nguồn lực sang các lĩnh vực y tế khác.
Chăm sóc sức khỏe sinh sản ở Mỹ Latinh tụt lùi 30 năm vì đại dịch ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giám đốc Quỹ Dân số của Liên hợp quốc (UNFPA) tại Mỹ Latinh và Caribe Harold Robinson mới đây nhận định đại dịch COVID-19 đã kéo lùi các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục trong khu vực này trở lại 30 năm trước.

Ông Robinson lý giải tình trạng này là do nhiều quốc gia đã hạn chế các dịch vụ nói trên trong thời đại dịch, trong khi các tổ chức hoạt động vì quyền của phụ nữ buộc phải chuyển nguồn lực sang các lĩnh vực y tế khác.

Điều này đã tác động “rất nghiêm trọng” đến các dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục, góp phần làm gia tăng các trường hợp mang thai ngoài ý muốn, trong đó có hàng nghìn người mẹ chưa đến tuổi trưởng thành.

[PAHO: Chưa tới 20% dân số Mỹ Latinh được tiêm đầy đủ vaccine]

Theo số liệu của UNFPA, năm ngoái, gần 12 triệu phụ nữ tại 115 quốc gia không được tiếp cận với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, gây ra 1,4 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn.

Theo ông Robinson, đại dịch COVID-19 đã khoét sâu bất bình đẳng ở Mỹ Latinh, vốn nằm trong số những khu vực có khoảng cách chênh lệch lớn nhất trên thế giới. Trong thời gian xảy ra đại dịch, nạn nhân lớn nhất của bất bình đẳng chính là những nhóm dễ tổn thương nhất, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái.

Đề cập đến thực tế Mỹ Latinh là khu vực có số trường hợp mang thai tuổi vị thành niên cao thứ hai thế giới, ông Robinson cho rằng để giải quyết vấn đề này cần các chính sách toàn diện, chẳng hạn các quốc gia như Uruguay, nơi các chính sách giáo dục giới tính đã giúp giảm thiểu tình trạng mang thai sớm.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, ở Mỹ Latinh và Caribe cứ 1.000 thiếu nữ lại có 62 người từng sinh con./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục