Sáng 20/2, thông tin về Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản-Hà Nội 2019 do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức, đại diện Ban Tổ chức cho biết, Lễ hội năm nay có nhiều đổi mới nhằm nâng cao hình ảnh, chất lượng của sự kiện giao lưu văn hóa giữa Hà Nội và Nhật Bản.
Theo ông Lê Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) - đơn vị thực hiện, năm nay sẽ có 20 nghìn cành hoa anh đào và 100 cây hoa anh đào được đưa đến trưng bày tại Lễ hội và trồng tại Hà Nội.
Hoa anh đào sẽ có loại hoa đơn, hoa kép màu trắng và hồng, đại diện cho các loại anh đào đặc trưng đang được trồng tại Nhật Bản. Đặc biệt, tại Lễ hội năm nay, người dân Thủ đô có thể chiêm ngưỡng các kỳ quan thế giới được kết từ các cành hoa anh đào.
Ban Tổ chức cũng trưng bày một số cây hoa anh đào đang trổ bông, giúp người dân Thủ đô có những hình dung trọn vẹn về loài hoa của Nhật Bản. Cùng với hoa anh đào, Lễ hội cũng quy tụ nhiều loài hoa đẹp của Việt Nam như lan hồ điệp, địa lan, ly, trạng nguyên…
Tại Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản-Hà Nội 2019 từ ngày 29-31/3, lần đầu tiên diễn ra Cuộc thi Đại sứ thiện chí hoa anh đào với mong muốn khuyến khích sự quan tâm, tìm hiểu và yêu mến của các bạn trẻ về những nét đẹp văn hóa của đất nước và con người Nhật Bản, thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa Việt Nam-Nhật Bản.
[Nhiều nét mới tại Lễ hội hoa Anh đào Nhật Bản-Hà Nội năm 2019]
Tiêu chí của tuyển chọn Đại sứ thiện chí hoa anh đào 2019 không những là những người có phong thái, hình thức mà còn là những người có hiểu biết, có quan tâm đến Nhật Bản và mối quan hệ Nhật Bản-Việt Nam, có trình độ tiếng Nhật, có ý thức tham gia các hoạt động với tư cách là Đại sứ thiện chí.
Trong khuôn khổ cuộc thi, ngoài việc trải qua các vòng thi kiến thức, kỹ năng giao tiếp ứng xử, khả năng hùng biện…, các thí sinh còn có hội được tham gia nhiều hoạt động bổ ích như: Tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản hay các hoạt động xã hội thiện nguyện khác.
Ban Tổ chức sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký của các thí sinh từ 20/2 đến 12/3 tại website cuộc thi: daisuhoaanhdao.com; hoặc tòa soạn Báo Tiền phong (số 15, phố Hồ Xuân Hương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Ngoài ra, các hoạt động giới thiệu văn hóa Nhật Bản tại Lễ hội còn bao gồm không gian giới thiệu văn hóa Nhật Bản (trà đạo, cờ vây, cờ shogi...); trình diễn múa Yosakoi của Nhật với sự tham gia của 15 đội, đội đông nhất có đến 100 diễn viên không chuyên; trình diễn nghệ thuật truyền thống của Hà Nội; giới thiệu ẩm thực Nhật Bản và Việt Nam; tọa đàm hợp tác xúc tiến đầu tư du lịch giữa Hà Nội và Nhật Bản, giao lưu trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Trong khuôn khổ của Lễ hội sẽ có hoạt động tặng và trồng hoa anh đào tại Hà Nội. Một số cây hoa anh đào được trồng trong những lễ hội trước đây tại Hà Nội đã ra hoa.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, đây là năm thứ tư thành phố Hà Nội và Đại sứ quán Nhật Bản phối hợp tổ chức Lễ hội hoa anh đào tại Thủ đô, được người dân và du khách đánh giá cao.
Thông qua hoạt động này, thành phố Hà Nội mong muốn tạo ra sản phẩm văn hóa, du lịch đặc sắc phục vụ nhu cầu tham quan của người dân và du khách. Bởi vậy, Ban Tổ chức luôn chú trọng đến công tác đổi mới, thiết kế không gian trưng bày, đa dạng hóa các hoạt động cũng như công tác tổ chức, quản lý.
Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản-Hà Nội nhằm giới thiệu những nét văn hóa của đất nước, con người Nhật Bản đến Việt Nam, tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Lễ khai mạc diễn ra tối 29/3 tại khu vực Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ, bên hồ Hoàn Kiếm./.