Chính phủ mới của Libya chính thức đi vào hoạt động

Chính phủ mới của Libya do ông Ahmed Miitiq đứng đầu đã thông báo chính thức làm việc, bất chấp Thủ tướng tiền nhiệm Abdullah Thinni từ chối chuyển giao quyền lực.
Chính phủ mới của Libya chính thức đi vào hoạt động ảnh 1Tân Thủ tướng Ahmed Maitiq (giữa) và các thành viên nội các mới trong cuộc họp báo ở Tripoli sau lễ tuyên thệ nhậm chức. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tối 2/6, tại thủ đô Tripoli, chính phủ mới của Libya do ông Ahmed Miitiq đứng đầu đã thông báo chính thức làm việc, bất chấp Thủ tướng tiền nhiệm Abdullah Thinni từ chối chuyển giao quyền lực.

Phát biểu tại một cuộc họp báo sau phiên họp đầu tiên tại trụ sở chính quyền, Thủ tướng Miitiq cho biết chính phủ mới của ông đã có thể bắt đầu làm việc sau khi giành lại được tòa nhà chính phủ với sự hỗ trợ của cảnh sát và tổ chức phiên họp nội các đầu tiên tại trụ sở chính quyền. 18 bộ trưởng trong chính phủ mới cũng có mặt trong buổi họp báo.

Trước đó, nội các mới của Thủ tướng Miitig đã không thể hoạt động do trụ sở chính quyền Libya ở thủ đô Tripoli bị nội các mãn nhiệm chiếm giữ.

Theo một nguồn tin an ninh, một nhóm cảnh sát ngày 2/6 đã đi xe tải húc đổ cánh cổng phía Đông và xông vào Tòa nhà Chính phủ đề nghị chuyển giao quyền lực cho Thủ tướng Miitiq. Họ đã đàm phán với các lính gác, trao thư bổ nhiệm ông Maitiq được Quốc hội phê chuẩn, và giành lại quyền kiểm soát tòa nhà.

Ông Miitig, một doanh nhân đến từ thành phố Misrata, đã tuyên thệ nhậm chức thủ tướng tháng trước và là thủ tướng thứ 5 của Libya kể từ khi nhà lãnh đạo Muammer Gaddafi bị lật đổ năm 2011.

Kết quả bỏ phiếu bầu chọn ông tại Quốc hội hồi tháng trước đã gây tranh cãi. Thủ tướng mãn nhiệm Thinni đã không công nhận cuộc bỏ phiếu này và từ chối chuyển giao quyền lực.

Hiện ở Libya, ngoài Thủ tướng Miitig và Thủ tướng mãn nhiệm không chịu từ chức Thinni, còn có ông Ali Zeidan, người từng bị Quốc hội phế truất hồi tháng Ba vừa qua nhưng vẫn khẳng định mình là Thủ tướng hợp pháp.

Quốc hội Libya đang bị kẹt giữa các nhóm lợi ích khác nhau từ sau các cuộc biểu tình năm 2011. Hiện Libya không có một lực lượng quân đội thực sự có thể áp đặt quyền lực nhà nước lên các tay súng từng tham gia lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Gaddafi và các tay súng Hồi giáo vốn thường dùng vũ lực để đưa ra yêu sách của mình.

Trong một diễn biến khác, ngày 2/6 lại xảy ra cuộc giao tranh ác liệt giữa các tay súng Hồi giáo với các lực lượng ủng hộ Tướng về hưu Khalifa Haftar tại Benghazi (miền Đông) làm 21 người thiệt mạng, 112 người bị thương.

Đây là vụ bạo lực đẫm máu nhất kể từ sau vụ tấn công mà Tướng Haftar nói là "nhằm thanh trừng các phần tử khủng bố" hồi giữa tháng Năm vừa qua làm 76 người thiệt mạng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục