Nội các mới Libya họp phiên đầu dù bị từ chối giao quyền lực

Ngày 29/5, nội các mới của Libya đã nhóm họp lần đầu tiên trong bối cảnh nội các cũ vẫn từ chối chuyển giao quyền lực và kết thúc nhiệm kỳ,
Nội các mới Libya họp phiên đầu dù bị từ chối giao quyền lực ảnh 1Tân Thủ tướng Libya Ahmed Miitiq. (Nguồn: Reuters)

Ngày 29/5, nội các mới của Libya đã nhóm họp lần đầu tiên trong bối cảnh căng thẳng chính trị vẫn tiếp diễn ở quốc gia lớn nhất Bắc Phi này.

Một nguồn tin giấu tên từ văn phòng tân Thủ tướng Ahmed Miitiq cho biết nội các đã họp tại một khách sạn ở Tripoli, do trụ sở chính quyền vẫn do nội các mãn nhiệm nắm giữ.

Theo nguồn tin trên, chương trình nghị sự của cuộc họp này bao gồm các vấn đề an ninh và chương trình cấp bộ trưởng.

Trong khi đó, nội các cũ vẫn từ chối chuyển giao quyền lực và kết thúc nhiệm kỳ, đồng thời cũng thông báo nhóm họp vào ngày 29/5.

Trước đó một ngày, cựu Thủ tướng Abdullah al-Thani đã đệ đơn lên tòa án kiến nghị chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm do Đại hội Nhân dân Toàn quốc (GNC - Quốc hội lâm thời Libya) bầu chọn.

Cuộc khủng hoảng chính quyền làm gia tăng tình trạng an ninh bất ổn ở Libya. Hàng loạt chính khách và các nhóm vũ trang đã đe dọa không công nhận chính quyền của ông Miitiq, trong khi đó ngày 28/5 một nhóm các tay súng đã tấn công biệt đội của Bộ Nội vụ Libya bảo vệ chính phủ mãn nhiệm.

Lực lượng trung thành với tướng về hưu Khalifa Haftar, người từng tham gia cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền của cố lãnh đạo Moammar Gadhafi, đã tấn công doanh trại của một nhóm thánh chiến ở ngoại ô thủ đô Benghazi.

Cũng trong ngày 29/5, Ủy ban Bầu cử cấp cao quốc gia (HNEC) Libya đã thông báo cuộc tổng tuyển cử vẫn sẽ diễn ra vào ngày 25/6 như dự kiến bất chấp khủng hoảng chính trị, đồng thời kêu gọi người dân đăng ký vào danh sách cử tri đúng hạn.

Hiện mới chỉ có 1,4 triệu trong tổng số 3,4 triệu người dân nước này đăng ký bầu cử.

Trước tình hình bất ổn tại Libya, ngày 29/5, các quốc gia láng giềng đã tái khẳng định sẽ hỗ trợ Libya toàn diện trong cuộc đối thoại giữa các đảng phái.

Theo tuyên bố đưa ra vào cuối một cuộc họp tham vấn giữa bộ trưởng Ngoại giao các nước Algeria, Ai Cập, Sudan và Tunisia ngày 28/5 vừa qua tại Algers, các nước cam kết giúp đỡ Libya khởi động đối thoại dân tộc, bảo vệ luật pháp chuyển tiếp, củng cố việc thành lập các cơ quan nhà nước và tiến trình dân chủ. Tuyên bố trên cũng nhấn mạnh cần nỗ lực chung với Liên đoàn Arab và Liên minh châu Phi để hỗ trợ Libya./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục