Chủ các hồ chứa thủy điện cần đưa mực nước về cao trình chờ lũ

Tỉnh Thừa Thiên-Huế có công điện khẩn yêu cầu chủ các hồ chứa thủy điện và thủy lợi đưa mực nước về cao trình chờ lũ để đảm bảo an toàn công trình và chống gây ngập lũ cho vùng hạ du.
Chủ các hồ chứa thủy điện cần đưa mực nước về cao trình chờ lũ ảnh 1Ngập lụt trên đường Hà Nội (khu vực vòng xoay ngã 6, trung tâm thành phố Huế). (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Chiều 16/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có công điện khẩn yêu cầu chủ các hồ chứa thủy điện và thủy lợi trên địa bàn thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành, đưa mực nước về cao trình chờ lũ đã được phê duyệt để đảm bảo an toàn công trình và chống gây ngập lũ cho vùng hạ du.

Các đơn vị thủy điện chủ động tăng cường phát điện để tăng dung tích phòng lũ an toàn trong những ngày sắp tới. Riêng Thủy điện A Lưới tăng cường xả qua tràn và phát điện để có dung tích phòng lũ, đồng thời có phương án phối hợp cảnh báo cho nước bạn Lào chủ động ứng phó theo quy định.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức trực ban kiểm tra các cống qua đê, công trình thủy lợi để khơi thông rác, bèo trôi về gây tắc nghẽn để hạ lũ cho vùng hạ du.

Các địa phương chủ động, sẵn sàng triển khai các phương án đối phó, phòng, chống bão số 7; theo dõi sát diễn biến của cơn bão; tập trung sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động đối phó và khắc phục hậu quả; tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi, gọi ngay các tàu thuyền còn hoạt động trên biển vào bờ, tổ chức neo đậu tránh, trú bão an toàn cho tàu thuyền; chuẩn bị phương án bảo vệ người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Các địa phương chú ý cảnh báo, di dời dân ở những nơi có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất vùng núi, vùng sạt lở ven biển, các khu tái định cư, các khu du lịch ven biển và đầm phá, các khu vực nuôi trồng thủy sản trên đầm phá, vùng cửa sông, vùng thấp trũng ven sông suối, một số vùng thấp trũng cục bộ khu vực thị trấn và đô thị thành phố; tổ chức thu hoạch thủy sản, cây màu.

Tập trung chỉ đạo các xã, thôn, bản cử người trực 24/24 giờ ở các ngầm, tràn, các đoạn đường ngập lụt, các bến đò ngang để bảo vệ dân; nghiêm cấm các chủ đò, phương tiện vận tải không đảm bảo an toàn hoạt động trong khi mưa bão.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết trước tình hình mưa lũ và bão số 7 còn diễn biến phức tạp, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo tổ chức kiểm tra chợ, kho tàng, nhà xưởng, công sở, di tích văn hoá; chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây; đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lưới điện, thông tin liên lạc.

Các địa phương, đơn vị triển khai phương án ứng phó, trong đó tập trung công tác thông tin kêu gọi tàu thuyền hoạt động đánh cá trên biển về nơi trú ẩn.

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phối hợp với các địa phương ven biển tổ chức kêu gọi tất cả các phương tiện tàu thuyền của tỉnh vào bờ tránh trú an toàn với hơn 1.920 phương tiện và trên 138.020 lao động.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế chỉ đạo Sở Công Thương tỉnh tổ chức dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mù ăn liền, 2 triệu lít xăng, dầu diezel và 30.000 lít dầu hỏa để chủ động cung ứng cho các địa phương khi cần thiết.

Điện lực Thừa Thiên-Huế chủ động thực hiện các phương án sa thải điện lưới các khu vực thấp trũng, khu vực sạt lở ven biển, đầm phá,... để đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân. Có phương án đảm bảo an toàn đường dây cao thế, hạ thế; xây dựng phương án bố trí máy phát điện dự phòng tại các điểm quan trọng, các hồ đập (Tả Tạch, Hương Điền, Bình Điền, A Lưới) để đề phòng mất điện giúp cho công tác ứng phó sự cố và chỉ đạo điều hành được thông suốt.

Cũng để chủ động ứng phó với bão số 7, chiều 16/10, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định đã có công điện yêu cầu các địa phương, đơn vị sẵn sàng phương án ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, mưa lũ gây ra.

Các huyện, thành phố thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời, đầy đủ cho các chủ phương tiện, ngư dân đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh; phối hợp với lực lượng chức năng theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền ra khơi, thường xuyên giữ liên lạc với các chủ phương tiện để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra.

Các địa phương huy động mọi nguồn lực, phương tiện khẩn trương thu hoạch lúa mùa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng,” bảo vệ rau màu vụ đông, xây dựng phương án chống úng ngập cho diện tích nuôi trồng thủy sản và tiêu thoát nước khu vực đô thị.

Cùng với đó, các địa phương thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, tổ chức chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản; đồng thời kiểm tra, rà soát lại hệ thống đê điều, công trình thủy lợi, các công trình xây dựng, nhà ở của nhân dân, nhất là ở các vùng tiềm ẩn rủi ro cao, đặc biệt, cần chủ động các phương án sơ tán dân khi có yêu cầu.

Vụ mùa năm 2016, Nam Định gieo cấy trên 77.280ha lúa. Những ngày vừa qua, tranh thủ thời tiết tạnh ráo, nông dân Nam Định đang khẩn trương ra đồng thu hoạch lúa mùa. Tính đến ngày 10/10, tỉnh Nam Định đã thu hoạch được 8.500ha lúa. Hiện toàn tỉnh đã trồng trên 5.860ha cây vụ Đông.

Nam Định có trên 2.000 tàu thuyền với khoảng 5.000 lao động hoạt động trên biển. Toàn tỉnh có hơn 700 lều, chòi canh ngao với 881 lao động trông coi đầm bãi tại khu vực ven biển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục