Chứng khoán châu Á hầu hết tăng điểm nhờ số liệu lạc quan từ Mỹ

Chứng khoán Nhật Bản kéo dài chuỗi tăng sang phiên thứ tư liên tiếp trong khi chứng khoán Hàn Quốc cũng kết thúc phiên 18/5 trong sắc xanh.
Chứng khoán châu Á hầu hết tăng điểm nhờ số liệu lạc quan từ Mỹ ảnh 1Bảng chỉ số chứng khoán tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh minh họa. Kyodo/TTXVN)

Chứng khoán châu Á hầu hết tăng điểm phiên 18/5 sau sự khởi đầu mạnh mẽ ở một số thị trường theo đà dẫn dắt của Phố Wall, nơi doanh số bán lẻ lạc quan của Mỹ đã nâng đỡ tâm lý nhà giao dịch.

Chứng khoán Nhật Bản kéo dài chuỗi tăng sang phiên thứ tư liên tiếp, với chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo đã tăng 0,94% (tương đương 251,45 điểm) và kết thúc phiên ở mức 26.911,20 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc cũng kết thúc phiên 18/5 trong sắc xanh, giữa bối cảnh bất ổn kéo dài về lạm phát phi mã và xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế lớn. Chỉ số Kospi tại Seoul đã tăng thêm 0,21% (5,54 điểm) và đóng cửa ở mức 2.625,98 điểm.

Các thị trường chứng khoán Sydney và Singapore vẫn đứng vững trong ngày thứ Tư nhờ sự phục hồi ở New York.

Tại thị trường Trung Quốc, các chỉ số chính lại diễn biến ngược chiều. Chứng khoán Hong Kong khép lại một phiên nhiều biến động với chỉ số Hang Seng tăng 0,20% (41,76 điểm) lên 20.644,28 điểm.

Ngược lại, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,25% (7,72 điểm) xuống 3.085,98 điểm.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát đã khiến các thị trường toàn cầu chao đảo, làm sâu sắc thêm sự e ngại của các nhà đầu tư vốn đã bị khuấy động bởi các lệnh phong tỏa phòng dịch COVID-19 của Trung Quốc và xung đột tại Ukraine.

[Phố Wall khởi sắc nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ]

Nhưng có một số tin tức tốt lành từ Mỹ, với số liệu cho thấy chi tiêu của người dân nước này đã tăng lên trong tháng Tư. Doanh số bán lẻ tăng 0,9% - một phần được thúc đẩy bởi sự phục hồi của hoạt động mua ôtô.

Chuyên gia Edward Moya của công ty môi giới đầu tư OANDA (Mỹ) cho biết dù nền kinh tế Mỹ đang “hạ nhiệt” nhưng sức tiêu dùng vẫn có vẻ tốt. Điều đó đồng nghĩa nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn có thể tránh khả năng suy thoái.

Ông nói thêm rằng hoạt động sản xuất công nghiệp cũng tăng trong tháng 4/2022 - một dấu hiệu khác cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn chưa sụp đổ.

Báo cáo tiêu dùng của Mỹ là yếu tố lạc quan mới bên cạnh thông tin hồi đầu tuần này từ giới chức Trung Quốc về việc Thượng Hải - đầu tàu kinh tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - sẽ "dần dần mở cửa trở lại" các doanh nghiệp.

Dù chưa mở cửa lại hoàn toàn, chỉ dấu hiệu về việc nới lỏng lệnh phong tỏa cũng đủ để cổ vũ các thị trường, vốn vẫn xáo trộn bởi lo ngại về tác động của chính sách phòng dịch tại Trung Quốc, đặc biệt là khi các chuỗi cung ứng còn chìm trong khó khăn.

Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch 18/5, chỉ số VN-Index tăng 12,39 điểm (1,01%) lên 1.240,76 điểm. Ngược lại, chỉ số HNX-Index để mất 5,6 điểm (1,78%) xuống 309,84 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục