Chuyên gia: Kinh tế Mỹ có thể đối mặt với một cuộc "hạ cánh cứng"

Một số người lo ngại việc Fed tăng lãi suất có thể kích hoạt một cuộc suy thoái kinh tế và ảnh hưởng đến các thị trường, vốn đã bị ảnh hưởng trong những tháng gần đây, cũng như ví tiền của người dân.
Chuyên gia: Kinh tế Mỹ có thể đối mặt với một cuộc "hạ cánh cứng" ảnh 1Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở New York (Mỹ), ngày 11/5/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Lạm phát của Mỹ đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 12/1981, làm dấy lên câu hỏi khi nào đợt tăng giá tồi tệ nhất trong 40 năm qua này sẽ đạt đỉnh rồi dịu xuống.

Theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5/2022 đã cán mốc 8,6% so với cùng thời điểm năm 2021.

Thị trường chứng khoán Mỹ phiên 10/6 cũng sụt giảm do hy vọng về việc nhanh chóng chấm dứt tình trạng lạm phát đang diễn ra đã tan thành mây khói. Chỉ số công nghiệp Dow Jones để mất 880 điểm, chỉ số S&P 500 giảm gần 117 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 414 điểm khi đóng phiên.

Desmond Lachman, một thành viên của Viện Doanh nghiệp Mỹ và là cựu quan chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định số liệu lạm phát đáng thất vọng trên khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có ít dư địa để “buông” đà hãm chính sách tiền tệ và giành lại quyền kiểm soát lạm phát.

Một số người lo ngại việc Fed tăng lãi suất có thể kích hoạt một cuộc suy thoái kinh tế và sẽ làm ảnh hưởng đến các thị trường, vốn đã bị ảnh hưởng trong những tháng gần đây, cũng như ví tiền của người dân Mỹ.

[Kinh tế Mỹ có thể suy thoái nhẹ do nỗ lực chống lạm phát của Fed]

Vẫn có sự bất động giữa các nhà kinh tế về việc khi nào lạm phát tăng tới đỉnh điểm và giảm xuống. Một số nhà kinh tế cho rằng giá sẽ nhích dần xuống với tốc độ chậm chạp, còn một số khác cho rằng lạm phát sẽ bắt đầu giảm trong hai hoặc ba tháng tới.

Lạm phát cơ bản, không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, đã tăng 6%, cao hơn mức ước tính là 5,9%. Nguyên nhân khiến lạm phát gia tăng chủ yếu do giá thực phẩm, xăng và nhà ở tăng cao.

Giá năng lượng đã tăng 3,9% so với tháng 4/2022, ghi nhận mức tăng 34,6% so với cùng kỳ năm trước. Giá dầu nhiên liệu đã tăng khoảng 106,7% trong 12 tháng qua. Giá thực phẩm tăng lên 10,1% so với một năm trước đó.

Dean Baker, nhà kinh tế cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, bày tỏ quan điểm rằng thị trường có thể đã chứng kiến mức lạm phát đỉnh điểm, nhưng điều này phần lớn phụ thuộc vào giá năng lượng và lương thực.

Nếu căng thẳng Nga-Ukraine dịu xuống, giá dầu, lúa mỳ và một số mặt hàng khác dự kiến cũng sẽ giảm mạnh, qua đó “hạ nhiệt” lạm phát.

Sam Bullard, nhà kinh tế học cấp cao tại ngân hàng hàng đầu của Mỹ Wells Fargo, cho hay những ảo tưởng về việc lạm phát đạt đỉnh trước đó đã tan biến, hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy lạm phát sẽ giảm ít nhất là trong những tháng tới. Ông Bullard lưu ý rằng giá thực phẩm và xăng dầu vẫn đang tăng.

Cựu quan chức IMF Lachman cho biết giá dầu thế giới gần đây đã vượt mốc 120 USD/thùng, làm dấy lên nghi ngờ về bất kỳ quan điểm nào cho rằng lạm phát sẽ sớm đạt đỉnh.

Một số nhà phân tích lo ngại lạm phát có nguy cơ thúc đẩy Fed tăng lãi suất đến mức có thể gây ra suy thoái. Nếu điều đó xảy ra, thị trường chắc chắn sẽ tiếp tục giảm sâu hơn nữa, sau khi giảm từ mức cao kỷ lục trong những tháng gần đây.

Kể từ đầu năm 2022, thị trường chứng khoán và trái phiếu giảm đã dẫn đến giá trị tài sản của các hộ gia đình bốc hơi khoảng 12.000 tỷ USD.

Lachman lưu ý bất kỳ sự sụt giảm nào như vậy diễn ra sẽ khiến nền kinh tế phải đối mặt với một cuộc "hạ cánh cứng" vào đầu năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục