Ngày 11/7, Ban Tổ chức Trung ương chủ trì phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức buổi thuyết trình "Kinh nghiệm của Nhật Bản về cải cách hành chính tổ chức bộ máy chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương".
Hai giáo sư Nhật Bản là Hisao Tsukamoto (Trường Quản lý công, Đại học Waseda) và Hirofumi Takada, Phó Giám đốc Chương trình Lãnh đạo trẻ (Học viện Chính sách Quốc gia Nhật Bản) tham gia thuyết trình.
Buổi thuyết trình được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tại 73 điểm cầu trong cả nước. Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương tham dự buổi thuyết trình tại điểm cầu Hà Nội.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tham dự tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc, ông Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nêu rõ buổi thuyết trình được tổ chức nhằm trao đổi, tham khảo một số kinh nghiệm của Nhật Bản về cải cách hành chính tổ chức bộ máy của chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương, phục vụ cho việc nghiên cứu xây dựng Đề án trình Hội nghị Trung ương 6 về "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"; tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở Trung ương và địa phương tham khảo những kinh nghiệm của Nhật Bản.
Chia sẻ về cải cách hành chính chính quyền Trung ương Nhật Bản, giáo sư Hisao Tsukamoto đánh giá cải cách hành chính là thách thức đối với mọi chính phủ. Mục tiêu của việc cải cách hướng tới cung cấp dịch vụ công thiết yếu, hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động của công dân và doanh nghiệp thông qua lắng nghe những khó khăn và tạo dựng lòng tin của họ đối với chính phủ.
Giáo sư chỉ ra nguyên tắc cơ bản của cải cách: tinh gọn bộ máy Chính phủ thông qua "cắt giảm" bộ máy tổ chức đi liền với chọn lọc, sắp xếp, phân loại những chức năng, nhiệm vụ hiện có.
Giới thiệu lịch sử cải cách hành chính của Nhật Bản thời kỳ sau chiến tranh, giáo sư khẳng định cải cách hành chính là động lực phát triển quốc gia.
Thông tin cơ bản về bộ máy Chính phủ Nhật Bản, giáo sư cho biết, ba nhánh của chính quyền Trung ương gồm: lập pháp (Nghị viện - Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất); hành pháp (Chính phủ - Thủ tướng do Nghị viện bầu) và tư pháp.
Hai nhánh của chính quyền địa phương là lập pháp (ủy viên do dân bầu) và hành pháp (tỉnh trưởng/thị trưởng do dân bầu). Chính quyền địa phương gồm 2 cấp: tỉnh và thành phố, thị trấn, làng thuộc địa giới của tỉnh. Chính quyền địa phương độc lập đối với chính quyền trung ương, có quan hệ qua lại về hành chính và tài chính.
[Mỗi năm giảm 1,5-2% biên chế từ nay cho đến năm 2021]
Thuyết trình về cải tổ chính trong Sáng kiến cải cách Chính phủ năm 2001, giáo sư Hisao Tsukamoto cho biết kết quả chính đạt được từ cải cách là cải tổ bộ máy tổ chức của chính phủ giảm từ 23 còn 13; tăng cường quyền lực của Thủ tướng trong Chính phủ và tăng cường cán bộ và đơn vị hỗ trợ; tinh gọn bộ máy thông qua thành lập Cơ quan sự nghiệp; công bố mục tiêu giảm 15% tổng biên chế và giảm bớt việc tăng nhân viên trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ...
Nói về kinh nghiệm quản trị địa phương tại Nhật Bản, giáo sư Hirofumi Takada cho biết Hiến pháp Nhật Bản có một chương riêng, Chương VIII quy định về tự quản địa phương, trong đó nêu rõ: chính quyền địa phương có quyền quản lý tài sản địa phương, xử lý công việc và thực hiện hoạt động hành chính của địa phương đó, có quyền ban hành các quy định riêng của mình trong khuôn khổ pháp luật. Hệ thống chính quyền địa phương gồm hai cấp: cấp tỉnh và cấp thành phố/thị trấn/làng.
Giới thiệu những cải cách về phân cấp (năm 1995), giáo sư cho biết ngay cả trước khi những cải cách về phân cấp được thực hiện, chính quyền địa phương tại Nhật Bản đã thực hiện rất nhiều nhiệm vụ và công việc.
Tuy nhiên, việc chính quyền Trung ương thường xuyên kiểm tra, giám sát và đặt ra những nghĩa vụ đối với chính quyền địa phương khi thực hiện những nhiệm vụ này bằng các luật đơn lẻ hoặc thông qua ban hành các thông tư đã làm giảm sút “tính tự quản địa phương”.
Do đó, những cải cách về phân cấp tại Nhật Bản một phần nhằm mục đích nới lỏng hoặc hủy bỏ những can thiệp của chính quyền Trung ương đối với chính quyền địa phương khi thực hiện những nhiệm vụ của họ hơn là giao nhiều nhiệm vụ cho chính quyền địa phương. Điều này đã giúp mở rộng phạm vi quyền ra quyết định tự chủ về phía chính quyền địa phương.
Giáo sư Hisao Tsukamoto và Hirofumi Takada là những chuyên gia hàng đầu ở Nhật Bản, có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu, giảng dạy các vấn đề liên quan đến cải cách hành chính, xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước.
Những kinh nghiệm được các giáo sư chia sẻ trong buổi thuyết trình tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ quan Trung ương, cấp tỉnh, huyện học hỏi những kinh nghiệm của Nhật Bản./.