“Chuyện ngõ nghèo” và cuộc sống ở Hà Nội trong thời bao cấp

Hài hước mà rờn rợn, vừa buồn cười lại vừa xót xa là cảm giác mà “Chuyện ngõ nghèo” mang tới cho độc giả. Đó là một cuộc giễu nhại lớn, xoáy vào lòng người đọc nối ám ảnh về sự tha hóa của nhân tính.
“Chuyện ngõ nghèo” và cuộc sống ở Hà Nội trong thời bao cấp ảnh 1Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. (Ảnh: Tô Chiêm)

Một anh thương binh nuôi lợn đến trình độ “nghệ sỹ,” đặt cho lợn những cái tên rất “kêu” như Tên Lửa, Xung Kích, Thần Sấm... Một giáo viên dạy môn Sinh học ấp ủ hoài bão biên soạn cả một cuốn “Bách khoa lợn,” đưa ra những khái niệm mới mẻ như “Bái trư giáo,” “Trư luận” hay “Trư học”... Một nhà văn chuyên bán sách để nuôi lợn, ngày ngày ngó ra chuồng lợn mà ngẫm ngợi, triết lý...

Tất cả những nhân vật ấy đều có trong “Chuyện ngõ nghèo” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Mặc dù tác giả đã “đóng bút” từ cách đây 34 năm nhưng đến nay, tác phẩm này mới chính thức ra mắt độc giả.

Đó là câu chuyện về Hà Nội những năm khốn khó với những tiếng lợn kêu ụt ịt vang lên từ khắp nơi: dưới gầm cầu thang, trong góc bếp hay trên tầng hai những căn hộ tập thể chật chội...

Hài hước mà rờn rợn, vừa buồn cười lại vừa xót xa là cảm giác mà “Chuyện ngõ nghèo” mang tới cho độc giả. Đó là một cuộc giễu nhại lớn, xoáy vào lòng người đọc nỗi ám ảnh về sự tha hóa của nhân tính cùng câu hỏi nhức nhối rằng, tương lai con người sẽ đi về đâu nếu điều đó tiếp tục lây lan.

“Chuyện ngõ nghèo” và cuộc sống ở Hà Nội trong thời bao cấp ảnh 2Hình ảnh bìa cuốn sách. (Ảnh: Nhã Nam cung cấp)

Tiểu thuyết “Chuyện ngõ nghèo” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phát hành tháng 10/2016./.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại Hà Nội.

Một số tác phẩm đã xuất bản của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: “Rừng sâu” (tập truyện ngắn, 1962), “Miền hoang tưởng” (tiểu thuyết, 1990), “Hồ Quý Ly” (tiểu thuyết, 2000), “Mẫu thượng ngàn” (tiểu thuyết, 2006), “Đội gạo lên chùa” (tiểu thuyết, 2011)...
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục