Có một Hà Nội rất lạ, rất đời trong mắt của “tay chơi” Mai Lâm

Đối với Mai Lâm, đồ sưu tầm được coi là người bạn tâm tình, còn cái thú sưu tầm (dù có lắm công phu) chính là sợi dây kết nối tinh thần giữa tác giả với những ký ức với quê hương Hà Nội.
''Tay chơi'' của Mai Lâm. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
''Tay chơi'' của Mai Lâm. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Xa Hà Nội từ 1987, Mai Lâm luôn đau đáu về quê nhà. Ông đã gửi nỗi nhớ day dứt, thương nhớ đất kinh kỳ qua loạt tản văn mang tên "Từ xa Hà Nội," "Xa rồi ngày xanh" hay "Chỉ còn tuyết trắng"

Mới đây nhất, "Tay chơi" được ấn hành, kể về những thú chơi của người Hà Nội xưa cũ. Ngay lập tức, cuốn sách đã đón nhận sự quan tâm của độc giả. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ bảo rằng trong nhiều cây bút viết về Hà Nội, “chỉ có Mai Lâm làm bật lên những thói chơi lạ lạ qua những câu chuyện và con người rất cụ thể, rất đời như thế.”

Cuốn sách đã được đề cử ở hạng mục Tác phẩm, thuộc Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội (lần thứ 14) – một giải thưởng uy tín do Báo Thể thao và Văn hóa (Thông Tấn xã Việt Nam) tổ chức.

Đồ vật là bạn tâm tình

Mai Lâm sinh năm 1951 tại Hà Nội, tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ông sang Đức và định cư tại đây từ năm 1987. Bỗng một ngày, ông xuất hiện trên văn đàn với loạt tản văn “Từ xa Hà Nội.”

Trong “Tay chơi,” Mai Lâm đã hóa thành Việt để kể câu chuyện kỷ niệm của mình từ những năm còn trai trẻ tới khi đã là một Việt kiều lớn tuổi ở trời Âu.

Với 23 tản văn có xen lẫn truyện ngắn, cuốn sách mới nhất của ông đã giúp độc giả hiểu thế nào là “nghề chơi cũng lắm công phu.” Không chỉ mất thời gian mà để sở hữu những món đồ chơi ấy cũng rất tốn kém. Việt, nhân vật của ông, cho rằng phải nói là “khổ vì chơi mới đúng” và thà mua đắt chứ ít khi chịu mất ăn mất ngủ chỉ vì “non tay một tí mà nó mua mất của mình.” Cứ như thế, Việt miệt mài với thú sưu tầm từ tranh, mặt nạ, đồ cổ, radio, ampli, loa đài ấm trà cho đến “thẩm" xì gà và thử rượu…

Có một Hà Nội rất lạ, rất đời trong mắt của “tay chơi” Mai Lâm ảnh 1Tác giả Mai Lâm. (Ảnh: NVCC)

Người đọc sẽ ngạc nhiên khi biết Việt hay chính tác giả có bộ sưu tập hơn chục chiếc radio toàn những RCA, Philco, Zenith… có niên đại từ những năm 1930, (có giá từ 500-800 USD, hồi đó chỉ những gia đình trung lưu mới đủ tiền mua) và đủ thứ đồ sưu tầm lạ khác như mặt nạ châu Phi hay tượng cổ của tộc người Maya... Cái thú sưu tầm xì gà còn "ngốn" của tác giả mấy cái tủ chống ẩm chỉ để phục vụ mục đích bảo quản.

Có thú vui mang theo từ phố cổ Hà Nội sang nước ngoài tốn kém là thế, nhưng Mai Lâm trân trọng từng chút một vì ông bộc bạch: “Bên này buồn, đồ chơi cũng như là bạn mình.” Khi nhìn chúng, ‘Tay chơi’ thấy Hà Nội thật gần, mỗi món đồ là một kỷ niệm, là một câu chuyện mà chỉ người chơi mới có thể cảm được. Còn hơn thế, việc sưu tầm với ông không chỉ dừng ở thú ăn chơi, mà nó còn là văn hóa. Cuốn sách được đặt tên “Tay chơi” là vì vậy.

“Tay chơi” theo cách giải thích của nhà văn Đỗ Phấn (cũng là một trong những cây viết nổi tiếng về Hà nội) có thể là những kẻ ham ăn uống, ăn diện, sa đà cờ bạc, đề đóm hay có khi lại đắm say tửu sắc... Nhưng, Mai Lâm thì khác, một “tay chơi” Hà Nội cũ và là con nhà nề nếp, kinh tế lại không khá giả nên luôn giữ được độ lịch duyệt và từng trải trong cách chơi của mình.

”Đó hình như cũng là tính cách của một phần không nhỏ thị dân Hà Nội,” nhà văn Đỗ Phấn nhận xét. “Họ không ham hố chức quyền, tiền bạc, cũng chẳng thiết tha với việc xây dựng một sự nghiệp lẫy lừng. Với họ, được vui chơi gần như là lẽ sống. Bạn bè thân thiết cũng chẳng nệ chuyện giàu nghèo. Chẳng vay mượn xin xỏ gì ai. Chính vì thế tình bạn giữa họ bền chặt đến cả đời.”

Có một Hà Nội rất lạ, rất đời trong mắt của “tay chơi” Mai Lâm ảnh 2Tác giả (bìa phải) cùng một số người bạn trong ngôi nhà của ông tại Đức. (Ảnh: NVCC)

Xuyên suốt cuốn "Tay chơi," mỗi câu chuyện, cuộc gặp giữa tác giả (nhân vật Việt) với những người bạn nghệ sỹ ở Hà Nội (được trích tên thật như Phúc què, Châu sầu, Viễn, Hùng, Tuấn)… hay những con người nơi đất khách đều hiện lên chân thực. Với những cuộc hội thoại câu từ tự nhiên, chân thật, dí dỏm, tếu táo khiến người đọc không khỏi bật cười nhưng cái kết câu chuyện thì lại thường ẩn giấu một nụ cười buồn – nếu không phải vì đọng trong trầm ngâm suy nghĩ thì cũng là đồng cảm với nỗi nhớ quê của người xa xứ.

“Các câu chuyện của anh mở đầu tếu táo hóm hỉnh là thế, nhưng đến cuối lại trầm xuống, thấm đượm, cất giữ một triết lý nào đó về đời sống được gói ghém rất kỹ,” nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhận xét. Ông bảo trong đó có một quan niệm nhân sinh khiến phải đọc chậm, phải cật vấn, hướng vào phần trong sáng, lạc quan của cuộc đời, đặt ra và tự trả lời câu hỏi thế nào là tử tế, là tốt đẹp và hạnh phúc.

Trời “tây” thương nhớ đất kinh kỳ

Ở tuổi 70 với hơn 30 năm lăn lộn ở nước ngoài, Mai Lâm bảo “khi quãng đời phía trước ngắn lại thì miền ký ức sẽ dài ra.” Do dịch bệnh nên lần gần nhất ông về được Việt Nam là từ tháng Tư năm ngoái.

So với tần suất mỗi năm về ít nhất một lần, có năm lên đến 2-3 lần rồi 4-5 lần, đợt nghỉ dịch này với Mai Lâm dường như quá dài. Giờ chỉ chờ các đường bay được mở lại là ông sẽ kéo va-li về ngay Hà Nội, dù cũng chẳng có việc gì ngoài gặp lại bạn bè, ngồi uống rượu, hàn huyên chuyện cũ.

“Tôi có thể về Hà Nội chỉ để được nhấm hương vị của một nhánh rau thơm. Chỉ thế thôi mà khi nhớ tới, mình có thể rưng rưng được,” Mai Lâm trải lòng.

Có một Hà Nội rất lạ, rất đời trong mắt của “tay chơi” Mai Lâm ảnh 3Họa sỹ Châu sầu, đạo diễn Cao Mạnh, Mai Lâm và nhà văn Nguyễn Việt Hà trong một cuộc tụ họp. (Ảnh: NVCC)

Trong lời giới thiệu cuốn sách, nhà văn Đỗ Phấn viết: “Có thể coi mạch nhớ mạch thương là chất liệu chính cho sự viết của Mai Lâm và ta dễ hiểu với một 'con giai phố cổ' có tuổi đời 70 thì cái nhớ nó đầy đặn thế nào.”

“Mai Lâm xa Tổ quốc đã 30 năm có lẻ nhưng cảm giác như anh chưa từng vắng mặt ở nơi này. Đây đó vẫn những con đường ký ức, những bạn bè một thuở hàn vi, những món ăn, đồ uống… mà ngay chính người Hà Nội đương thời không phải ai cũng biết. Tất cả hiện lên mồn một như câu chuyện mới chỉ xảy ra hôm qua,” ông nhận xét.

Với Mai Lâm Hà Nội không chỉ là quê hương mà còn là cuộc sống. Ông cũng không thể lý giải vì sao mình nhớ Hà Nội đến thế.

“Tất cả gì tôi có đều gắn bó với Hà Nội, bởi tuổi trẻ, bạn bè, gia đình, ký ức của mình là ở đó. Nếu còn viết thì tôi cũng sẽ chỉ viết về Hà Nội.

Có người hỏi nếu một ngày nào mà người ta không thấy Mai Lâm viết nữa thì thế nào? Tôi trả lời đấy chính là lúc tôi đang vui sống. Nếu được sống ở Hà Nội tôi sẽ không viết gì, vì tôi thích sống hơn là viết về cuộc sống...”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục