Ngày 25/5, hàng nghìn công nhân Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối hệ thống các nhà thầu xây dựng sau vụ tai nạn sập hầm mỏ tại thị trấn Soma, thuộc tỉnh miền Tây nước này, khiến ít nhất 300 người thiệt mạng hôm 13/5.
Các thành viên công đoàn cùng một số nhân vật chính trị đã tuần hành tới quảng trường trung tâm ở thành phố Istanbul, giương cao ápphích chỉ trích và kêu gọi chính quyền áp dụng lệnh cấm đối với các nhà thầu xây dựng. Người biểu tình cũng đã đọc to tên các nạn nhân xấu số trong vụ nổ mỏ than gần 2 tuần trước.
Đám đông đã cáo buộc các chủ thầu xây dựng bắt ép công nhân làm việc trong điều kiện không an toàn và cho rằng họ là thủ phạm gây ra vụ tai nạn thảm khốc tại Soma.
Trong khi đó, tại Istanbul cùng các thành phố khác như Ankara và Izmir, hàng nghìn người thuộc cộng đồng thiểu số Alevi cũng đã biểu tình rầm rộ kêu gọi chấm dứt tình trạng phân biệt sau khi hai người đàn ông thuộc cộng đồng này bị trúng đạn và thiệt mạng trong vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình tại quận Alevi trong ngày 22/5.
Vụ đụng độ này đã làm 9 người bị thương trong đó có 7 cảnh sát. Hiện cảnh sát đang tiếp tục điều tra về cái chết của hai người đàn ông trên.
Theo số liệu điều tra của các cơ quan chức năng Thổ Nhĩ Kỳ, trong năm 2013, khoảng 34.000 công ty thầu xây dựng ở nước này đã tuyển dụng khoảng 1,7 triệu công nhân. Trong khi đó, hồi năm 2003, số công nhân lao động trong lĩnh vực này chỉ khoảng 387.000.
Làn sóng biểu tình ở Thổ Nhĩ Kỳ dường như lại nóng lên tại nhiều thành phố sau vụ nổ mỏ than.
Người biểu tình đã rất tức giận khi Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan tìm cách giảm nhẹ mức độ thiệt hại của vụ tai nạn thương tâm trên khi so sánh nó với thảm họa hầm lò từ thế kỷ thứ 19 tại Anh. Căng thẳng đang tăng cao trước thời điểm ông Erdogan chuẩn bị cho cuộc vận động tranh cử tổng thống vào tháng Tám tới./.