COVID-19: Italy điều chỉnh quy định đeo khẩu trang ở nơi làm việc

Theo tổ chức y tế độc lập GIMBE, với 55.000 ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày, việc sử dụng khẩu trang bắt buộc trong khuôn viên khép kín ở Italy nên được duy trì.
COVID-19: Italy điều chỉnh quy định đeo khẩu trang ở nơi làm việc ảnh 1Nhân viên an ninh kiểm tra chứng nhận COVID-19 của khách tham quan tại Rome (Italy), ngày 6/8/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Italy đã điều chỉnh quy định đeo khẩu trang tại nơi làm việc để phòng dịch COVID-19, theo đó kể từ ngày 1/7, người lao động thuộc khu vực tư nhân không còn phải bắt buộc đeo khẩu trang.

Tuy nhiên, theo các quy định mới - được công bố ngày 30/6 và có hiệu lực đến ngày 31/10, chính phủ Italy nhấn mạnh rằng việc sử dụng khẩu trang FFP2 vẫn là "một biện pháp bảo vệ quan trọng để bảo vệ sức khỏe của người lao động, nhằm ngăn ngừa COVID-19 trong bối cảnh họ phải làm việc trong môi trường khép kín hoặc những nơi mà các cá nhân không thể cách xa nhau 1 mét do tính chất đặc thù của các hoạt động công việc."

Các công ty tư nhân phải đảm bảo việc cung cấp khẩu trang FFP2 cho toàn bộ người lao động, đặc biệt là những người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất do môi trường làm việc hoặc do sức khỏe kém.

[Dịch COVID-19: Italy xem xét gia hạn quy định đeo khẩu trang]

Người sử dụng lao động cũng phải đảm bảo rằng các khu vực chung như căngtin, khu vực hút thuốc và phòng thay đồ được thông gió và vệ sinh đầy đủ.

Chính phủ Italy nhấn mạnh các quy định mới là "sự đơn giản hóa quan trọng của khung quy định, nhưng không phải áp dụng cho mọi trường hợp do sự gia tăng các ca mắc mới COVID-19 trong những ngày gần đây.”

Ngày 30/6, Tổ chức y tế độc lập GIMBE cho biết số ca nhập viện do COVID-19 tại Italy tăng 25,7% và số ca cấp cứu tăng 15% trong tuần qua, so với tuần trước đó. Theo GIMBE, với 55.000 ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày, việc sử dụng khẩu trang bắt buộc trong khuôn viên khép kín nên được duy trì.

Yêu cầu phải đeo khẩu trang ở nơi làm việc thuộc khu vực công đã được bãi bỏ từ ngày 16/6, tuy nhiên việc đeo khẩu trang FFP2 vẫn là bắt buộc trong một số ngành như giao thông và y tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục