Crimea tích cực gia nhập hệ thống nhà nước LB Nga

Chính quyền bán đảo Crimea đã tích cực triển khai các công tác gia nhập vào hệ thống nhà nước Liên bang Nga.
Crimea tích cực gia nhập hệ thống nhà nước LB Nga ảnh 1Người dân Nga vui mừng trước sự kiện ký hiệp ước về sáp nhập CH tự trị Crimea vào Liên bang Nga, tại quảng trường Đỏ ở Moskva ngày 18/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngay sau khi chính thức ký hiệp ước sáp nhập vào Liên bang Nga ngày 18/3, chính quyền bán đảo Crimea đã tích cực triển khai các công tác gia nhập vào hệ thống nhà nước Liên bang Nga theo phương châm tránh tối đa mọi xáo trộn trong cuộc sống của người dân.

Nghị viện Crimea đã thành lập Ngân hàng Crimea, cơ quan chịu trách nhiệm về việc lưu hành và rút khỏi lưu hành tiền mặt tại bán đảo. Đồng tiền chính thức từ nay cho đến ngày 1/1/2016 là cả hai đồng ruble của Nga và grivna (UAH) của Ukraine, tuy nhiên Bộ trưởng phát triển Kinh tế Nga Aleksey Uliukaev tuyên bố thời hạn chuyển sang đồng ruble tại Crimea có thể được rút ngắn xuống còn 2-3 tháng.

Chính quyền Crimea cũng tuyên bố hoàn toàn độc lập về khí đốt và hy vọng vào nguồn dự trữ điện trong trường hợp có những gián đoạn từ phía các nhà cung cấp Ukraine.

Một trong những đầu tàu chủ lực của nền kinh tế Crimea là doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng sẽ được cấp phép hoạt động theo các đơn đặt hàng quốc phòng của Nga. Chính phủ Crimea cũng đang gấp rút sửa đổi trong lĩnh vực khác như giáo dục, giao thông, hải quan... phù hợp với quy chế mới.

Về phần mình Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết sẽ hỗ trợ chính quyền Crimea trong giải quyết các vấn đề hàng đầu hiện nay. Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) dự kiến sẽ phê chuẩn Hiệp ước tiếp nhận Crimea và Sevastopol trong thời gian sớm nhất, cụ thể là trong vài ngày tới. Hiệp ước này đã được áp dụng tạm thời ngay sau khi ký và có hiệu lực kể từ ngày phê chuẩn.

Trong lúc này cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng trái chiều về việc Nga tiếp nhận Crimea.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, Liên minh châu Âu (EU), Đại hội đồng Nghị viện châu Âu, các nước như Ukraine, Anh, Pháp, Mỹ, Ba Lan, Đức đều phản đối quyết định trên của Nga và Crimea, coi đây là vi phạm luật pháp quốc tế và cảnh báo quyết định trên sẽ không được công nhận, đồng thời cảnh báo những hậu quả lớn cho Nga.

Trong khi đó, đối tác lớn của Nga tại châu Á là Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng phát triển hợp tác với Crimea sau khi tình hình ở đó ổn định. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Thẩm Đan Dương cho biết ngoài một số dự án đầu tư trên lãnh thổ Ukraine, Trung Quốc dự định thuê ở Crimea khoảng 10.000ha đất nông nghiệp.

Đối tác khác của Nga tại châu Á là Kazakhstan cũng tuyên bố "hiểu" quyết định tiếp nhận bán đảo Crimea của Moskva trong bối cảnh người dân bán đảo đã tổ chức trưng cầu dân ý.

Thông cáo của Bộ ngoại giao Kazakhstan cũng khẳng định ủng hộ "các giải pháp hòa bình" đưa Ukraine thoát khỏi khủng hoảng bằng con đường đàm phán dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế có uy tín khác.

Đối với các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga, Ngoại trưởng Cyprus Ioannis Kasoulides cho rằng không cần phải có thêm án phạt Nga xung quanh vấn đề Crimea. Ông nhấn mạnh cần cân nhắc đến các hậu quả đối với các nước EU khi xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, và trong trường hợp EU quyết định trừng phạt Nga trong phiên họp ngày 20/3 tới, thì Cyprus sẽ chính thức đệ đơn đề nghị EU phải có các biện pháp đền bù (cho Cyprus)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục