Cuộc đua thời gian giữa tiêm chủng và đợt bùng phát mới ở Campuchia

Đại sứ quán Việt Nam là cơ quan ngoại giao đầu tiên được tiêm chủng trong số 18 Đại sứ quán nước ngoài tại Campuchia.
Cuộc đua thời gian giữa tiêm chủng và đợt bùng phát mới ở Campuchia ảnh 1Tiêm vaccine COVID-19 mũi thứ hai cho cán bộ các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Campuchia. (Ảnh: Nguyễn Hùng/TTXVN)

Ngày 23/5, Bộ Y tế Campuchia thông báo ghi nhận thêm 560 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 và 9 ca tử vong, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có dấu hiệu bùng phát mạnh trở lại ở nhiều tỉnh của nước này.

Tại Phnom Penh, chính quyền thủ đô Campuchia đã thiết lập 20 điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại 3 quận gồm Chamkar Mon, Prampi Makara và Chbar Ampov để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng. Theo kế hoạch, 1 triệu liều vaccine Sinovac sẽ được chuyển tới Phnom Penh tối 23/5.

Tính đến ngày 21/5 vừa qua, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng Campuchia đã triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho 2.226.446 người sau khi khởi động chiến dịch từ ngày 10/2 năm nay.

Tính đến nay, nước này đã nhận được khoảng 4,5 triệu liều vaccine gồm 1,7 triệu liều Sinopharm (Trung Quốc viện trợ), 2,5 triệu liều Sinovac mua của Trung Quốc và 324.000 liều AstraZeneca (từ Tổ chức Y tế Thế giới theo cơ chế COVAX).

Kế hoạch của Thủ tướng Hun Sen là triển khai tiêm chủng 20 triệu liều vaccine cho 10 triệu dân trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Trong khi đó, một số tỉnh Campuchia đang phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 với một loạt đợt bùng phát mới.

Chính quyền tỉnh Banteay Meanchey (giáp Thái Lan) đã phong tỏa thành phố vùng biên Poipet để phòng chống dịch từ ngày 23/5-7/6 tới. Theo đó, mọi lối ra vào thành phố đã bị phong tỏa, người dân không được ra khỏi nhà (trừ trường hợp cần thiết) để phòng ngừa nguy cơ các ca lây nhiễm lan rộng.

[Campuchia ghi nhận thêm hàng trăm ca mắc mới, Lào mất dấu F0]

Tại tỉnh Kandal giáp thủ đô Phnom Penh, chính quyền địa phương đã phong tỏa một làng thuộc xã Sampow, huyện Koh Thom và nâng cấp quản lý các “Khu vực Vàng và Đỏ” để kiểm soát dịch.

Ở Kampong Thom, các cơ quan chức năng vừa phát hiện 22 ca nhiễm mới COVID-19 qua xét nghiệm nhanh, nâng tổng số ca nhiễm tại tỉnh này lên 158 người.

Tính đến ngày 23/5, Campuchia ghi nhận 25.205 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 17.701 người đã được điều trị bình phục.

Cùng ngày, tại bệnh viện nhi quốc gia Campuchia ở thủ đô Phnom Penh, Bộ Y tế Campuchia bắt đầu triển khai đợt tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 mũi thứ hai cho cán bộ, nhân viên các Đại sứ quán, các Tổng lãnh sự quán nước ngoài, văn phòng đại diện các tổ chức quốc tế tại Campuchia.

Trước đó, đợt tiêm chủng mũi thứ nhất cho nhân viên các cơ quan ngoại giao nước ngoài được tiến hành tại thủ đô Phnom Penh từ ngày 23-26/3 vừa qu.

Đại sứ quán Việt Nam là cơ quan ngoại giao đầu tiên được tiêm chủng trong số 18 Đại sứ quán nước ngoài tại Campuchia; trong đó có Đức, Pháp, Australia, Cannada, Thụy Điển, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan…

Trong ngày tiêm chủng mũi thứ hai vào sáng 23/5, sức khỏe của gần 90 cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và các cơ quan đại diện Việt Nam đều ổn định 30 phút sau tiêm. Công tác tổ chức tiêm chủng của Bộ Y tế Campuchia chu đáo, kỹ càng và thuận tiện.

Theo một văn bản đề ngày 24/2 vừa qua, Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia khẳng định sẽ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 miễn phí cho tất cả những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Campuchia.

Việc Campuchia triển khai tiêm vaccine miễn phí cho người nước ngoài sinh sống và làm việc tại quốc gia này nhận được sự đánh giá cao và cảm kích của ngoại giao đoàn tại Campuchia.

Tháng Tư vừa qua, nhiều nhà ngoại giao tại Phnom Penh đã gửi thư cảm ơn tới Thủ tướng Campuchia Hun Sen về việc triển khai tiêm vaccine AstraZeneca cho các nhân viên ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Campuchia trong bối cảnh diễn biến đại dịch đang rất phức tạp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục