Đánh giá tình hình, dự báo triển vọng kinh tế châu Âu, toàn cầu

Tăng trưởng GDP toàn cầu (không kể EU) dự báo sẽ giảm mạnh từ mức 3,8% trong năm 2018 xuống còn 3,2% vào năm nay và tăng nhẹ ở các năm sau đó.
Một phiên họp của Ủy ban châu Âu tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg của Pháp. (Ảnh: THX/TTXVN)
Một phiên họp của Ủy ban châu Âu tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg của Pháp. (Ảnh: THX/TTXVN)

Báo cáo tháng 11 vừa qua của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy nền kinh tế châu Âu và thế giới đã suy yếu trong năm qua.

Mặc dù Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu tăng trưởng trong nửa đầu năm nay, do xu hướng bất ngờ tăng giá ở một số nền kinh tế tiên tiến và hoạt động mạnh mẽ trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), song sự phục hồi khiêm tốn này chỉ diễn ra trong ngắn hạn.

Kinh tế thế giới bao quanh bởi những yếu tố bất ổn

Việc tái diễn căng thẳng kinh tế Mỹ-Trung Quốc vào mùa Hè đã làm giảm niềm tin kinh doanh vốn đã yếu và mong manh, làm tổn hại đến triển vọng đầu tư, sản xuất và hoạt động thương mại toàn cầu.

Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị gia tăng ở các khu vực Trung Đông và châu Á, sự bất ổn chính sách gia tăng ở châu Âu và Mỹ, cùng tình hình tài chính ở Argentina đã làm tăng thêm sự mong manh của nền kinh tế toàn cầu.

Cùng với đó, tăng trưởng toàn cầu cũng bị kéo xuống bởi đà suy giảm liên tục ở một số nền kinh tế tiên tiến như Trung Quốc và các thị trường mới nổi.

Tăng trưởng GDP toàn cầu (không kể EU) dự báo sẽ giảm mạnh từ mức 3,8% trong năm 2018 xuống còn 3,2% vào năm nay và tăng nhẹ ở các năm sau đó.

Các gói kích thích chính sách được triển khai ở một số nền kinh tế lớn cho đến nay đã ngăn chặn sự sụt giảm mạnh hơn trong tăng trưởng GDP và hạn chế mức độ suy giảm sâu toàn cầu trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiệu quả của kích thích kinh tế vĩ mô tại thời điểm hiện tại là không chắc chắn.

Sự gia tăng căng thẳng kéo dài và sự không chắc chắn cao về các chính sách thương mại dường như đã gây thiệt hại kéo dài cho thương mại thế giới, giữa bối cảnh các doanh nghiệp trì hoãn đầu tư và có thể xem xét lại hoàn toàn các thỏa thuận nguồn cung ứng cũng như các chuỗi giá trị toàn cầu liên quan trong bối cảnh hợp tác đa phương suy yếu.

Hệ quả là nhu cầu về hàng hóa đầu tư, phát triển mạnh hội nhập thương mại đã giảm xuống. Sự giảm tốc hiện tại ở Mỹ phần lớn do sự trưởng thành của chu kỳ kinh tế.

Ngược lại, do bị kìm hãm bởi tình trạng già hóa dân số, số nợ cao và tái cân bằng đầu tư quá mức, nền kinh tế Trung Quốc được thiết lập cho sự thay đổi cơ cấu dẫn đến tăng trưởng thấp hơn.

Các nền kinh tế thị trường mới nổi gần đây đã cảm nhận rằng giữa những căng thẳng thương mại, các điều kiện tài chính chặt chẽ hơn và giá cả hàng hóa thấp, dường như không thể dẫn đến sự phục hồi nhanh chóng.

Mức tăng nhập khẩu thế giới (không kể EU) dự kiến sẽ chậm lại từ 4,1% trong năm 2018 xuống còn 0,4% trong năm 2019, trước khi lên mức 2,1% vào năm 2020 và 2,5% vào năm 2021.

[Sự giảm tốc của thương mại toàn cầu ảnh hưởng nặng nề nhất đến EU]

Cùng với sự không chắc chắn của chính sách thương mại, tăng trưởng thương mại toàn cầu đã suy yếu đáng kể trong nửa đầu năm nay mà chưa có dấu hiệu phục hồi.

Trong 2 năm tiếp theo, những yếu tố như sự không chắc chắn gia tăng xung quanh chính sách thương mại của Mỹ, lo ngại về khả năng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ duy trì hệ thống thương mại đa phương và căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông đều được đưa ra khi cân nhắc, đánh giá về tình hình tăng trưởng toàn cầu.

Khi những nhân tố nêu trên kết hợp với các nhân tố như sự già hóa dân số và xu hướng năng suất thấp, kinh tế Trung Quốc giảm tốc, xu hướng bảo hộ và tác động của biến đổi khí hậu, kinh tế toàn cầu (không tính EU) nhìn chung dự báo sẽ tăng trưởng lần lượt 3,3% và 3,4% vào năm 2020 và 2021, chỉ mạnh hơn đôi chút so với hồi năm 2019.

Tình hình kinh tế khu vực Eurozone và EU

Trong cùng thời gian đó, kinh tế châu Âu đã bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm kéo dài và lạm phát thấp trong bối cảnh bất ổn cao, có ít hơn sự hỗ trợ từ môi trường bên ngoài và sự dịch chuyển cơ cấu chủ yếu ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất.

Thương mại quốc tế về hàng hóa đã bị đình trệ ở mức kém nhất, những rủi ro được xác định trước đây về sự gia tăng căng thẳng thương mại và xung đột địa chính trị xảy ra trong mùa Hè và những bất ổn cao liên quan đến chính sách thương mại và Brexit đã không được khắc phục.

Các chỉ số hàng đầu cho thấy sự yếu kém trong sản xuất toàn cầu sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Do đó, nền kinh tế EU, vốn đã tăng trưởng chậm lại trong quý 2 năm nay, dường như không có khả năng phục hồi trong thời gian tới.

Tuy nhiên, thị trường lao động ở châu Âu vẫn mạnh và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống dưới mức trước khủng hoảng cùng với tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ đã cho phép nhu cầu trong nước được mở rộng với tốc độ tương đối ổn định, trong bối cảnh chi phí vay mượn được ghi nhận ở mức thấp lịch sử.

Trên hết, một số quốc gia thành viên EU đã đưa ra các biện pháp tài khóa tăng trưởng và các lĩnh vực định hướng nội hơn dự kiến sẽ duy trì khả năng phục hồi, GDP sẽ tiếp tục tăng ở tất cả các quốc gia thành viên.

Tuy nhiên, tất cả các yếu tố này dường như không đủ mạnh để tăng sức mạnh lên quỹ đạo cao hơn năm nay.

Một Brexit hỗn loạn có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ở Anh, nhưng tình trạng này cũng sẽ diễn ra ở EU 27 (Liên minh châu Âu với 27 nước thành viên, không tính Anh), dù chỉ ở một mức độ nhỏ.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng GDP trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) được dự báo sẽ giảm từ 1,9% trong năm 2018 xuống còn 1,1% trong năm nay và ổn định ở mức 1,2% trong hai năm tới.

Trong khi tốc độ tăng trưởng trong năm 2020 sẽ được hỗ trợ bởi số ngày làm việc cao hơn, sự ổn định của tăng trưởng kinh tế năm 2021 dự báo sẽ được hỗ trợ bởi tác động tiêu cực của một số cú sốc đang mờ dần./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục