Đẩy mạnh sản xuất đảm bảo nhu cầu gạo trong nước và xuất khẩu

Đến nay, các địa phương đã cơ bản thu hoạch xong vụ lúa này và năng suất ước đạt 68,54 tạ/ha, tăng 1,23 tạ/ha; sản lượng ước đạt trên 11 triệu tấn, giảm 261.000 tấn so với vụ Đông Xuân 2018-2019.
Đẩy mạnh sản xuất đảm bảo nhu cầu gạo trong nước và xuất khẩu ảnh 1Nông dân huyện Vị Thủy (Hậu Giang) thu hoạch lúa Đông Xuân 2019-2020. (Ảnh: TTXVN)

Tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới nên nhu cầu an ninh lương thực của nhiều quốc gia; trong đó có Việt Nam luôn được đặt lên hàng đầu.

Để bảo đảm an ninh lương thực trong nước, đồng thời xuất khẩu có kiểm soát, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo các địa phương tập trung, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực trong nước và một phần cho xuất khẩu.

Vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn vùng Nam bộ xuống giống khoảng 1,6 triệu ha, giảm 68.500ha do các địa phương chuyển đổi sản xuất.

Đến nay, các địa phương đã cơ bản thu hoạch xong vụ lúa này và năng suất ước đạt 68,54 tạ/ha, tăng 1,23 tạ/ha; sản lượng ước đạt trên 11 triệu tấn, giảm 261.000 tấn so với vụ Đông Xuân 2018-2019. Đây là vụ sản xuất trong điều kiện rất khó khăn nhưng nông dân đã được mùa, được giá.

[Giá lúa Đông Xuân giảm nhẹ nhưng vẫn giữ ở mức cao]

Kết quả trên có được là do ngành nông nghiệp đã dự báo trước mùa khô năm 2019-2020 ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải chịu xâm nhập mặn sớm và gay gắt hơn so với mùa khô năm 2015-2016 (năm kỷ lục). Do đó, ngay từ tháng 9/2019, ngành đã yêu cầu các địa phương, đơn vị đẩy nhanh tiến độ xây dựng sửa chữa các công trình thủy lợi để kịp thời tham gia kiểm soát mặn, ngọt.

Đặc biệt để tránh mặn trong sản xuất lúa, ngành đã hướng dẫn các địa phương xuống giống vụ Đông Xuân 2019-2020 sớm hơn so với thời vụ các năm từ 10-30 ngày.

Trong điều kiện sản xuất rất khó khăn, nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long hạn mặn lịch sử nhưng khu vực này vẫn được mùa vụ Đông Xuân 2019-2020 do chủ động nhận định sớm cùng tập trung các giải pháp tổng hợp.

Đẩy mạnh sản xuất đảm bảo nhu cầu gạo trong nước và xuất khẩu ảnh 2Thu hoạch lúa Đông Xuân năm 2019-2020 đưa đi tiêu thụ tại huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). (Ảnh : Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

Bên cạnh đó, cơ cấu giống cũng đạt yêu cầu để phục vụ cho xuất khẩu. Diện tích trồng giống lúa thơm, đặc sản và chất lượng cao tăng so với vụ Đông Xuân năm trước, phục vụ nhu cầu xuất khẩu ngày càng cao của nhóm giống lúa này.

Tại khu vực này, nhóm lúa thơm, đặc sản như đài thơm, RVT, Tài nguyên và Nàng Hoa 9... chiếm tỷ lệ trên 45% tổng diện tích, tăng 12,62% so với Đông Xuân 2018-2019. Nhóm chất lượng trung bình chỉ chiếm 12,6%, giảm 3,92% so với Đông Xuân 2018-2019.

Riêng với nếp, theo Cục Trồng trọt, có 4 tỉnh Long An, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang là những địa phương sản xuất lúa nếp hàng hóa lớn phục vụ cho xuất khẩu. Vụ Đông Xuân vừa qua, các tỉnh này đã gieo cấy trên 163.700ha lúa nếp, đạt sản lượng trên 1,14 triệu tấn.

Theo danh mục hàng lương thực dự trữ quốc gia tại Nghị định số 94/2013-NĐ-CP ngày 21/8/2013 của Chính phủ, gạo nếp không nằm trong danh mục này. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kiến nghị với Bộ Công Thương tiếp tục cho phép xuất khẩu lượng gạo nếp hàng hóa của vụ Đông Xuân 2019-2020 và đề nghị Bộ Công Thương cung cấp tình hình xuất khẩu, nhu cầu của thị trường để làm cơ sở điều tiết tỷ lệ diện tích và sản lượng lúa nếp trong các vụ tiếp theo.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cũng cho biết dựa trên khuyến nghị của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngành cũng khuyến cáo các địa phương hạn chế xuống giống lúa nếp và nhóm giống chất lượng trung bình như IR50404, OM576 trong vụ Thu Đông tới, bởi các loại lúa gạo này các thị trường nhập khẩu thường có nhu cầu thấp từ sau tháng 7.

Vụ Đông Xuân năm nay ở các tỉnh phía Nam đã thắng lợi, nhiều tỉnh Tây Nguyên đang thu hoạch rộ cũng được mùa. Toàn ngành nông nghiệp tiếp tục dồn lực tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân tại 31 tỉnh, thành phố phía Bắc.

Từ nay đến đầu tháng 5, lúa Đông Xuân khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ vào thời kỳ trỗ bông tập trung. Tuy nhiên, thời gian này vẫn còn những đợt không khí lạnh gây mưa ẩm kéo dài, có nơi mưa to và giông lốc có thể làm lúa thụ phấn kém hoặc lúa ngậm sữa, chắc xanh bị đổ ngã gây thiệt hại đến năng suất.

Đây cũng là điều kiện thời tiết rất thuận lợi cho một số sinh vật gây hại phát sinh gây hại nặng và khó khăn cả trong tổ chức phòng trừ, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu và rầy lưng trắng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn bố trí cán bộ kỹ thuật theo dõi, bám sát đồng ruộng, điều tra phát hiện sớm sinh vật gây hại để kịp thời chỉ đạo phòng chống hiệu quả; duy trì hệ thống thông tin, báo cáo từ địa phương lên Trung ương theo quy định để phối hợp, chỉ đạo kịp thời.

Với những diện tích lúa đã chín, các địa phương cần tập trung thu hoạch nhanh gọn theo phương châm “Xanh nhà hơn già đồng;” đồng thời tăng cường việc nạo vét kênh mương nội đồng, khơi thông dòng chảy, tiêu úng kịp thời khi có mưa lớn xảy ra.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vùng Bắc Trung bộ có diện tích gieo cấy 350 nghìn ha, sản lượng ước đạt 2,2 triệu tấn. Hiện lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt, đã trỗ được khoảng 80% diện tích, khả năng được mùa cao và dự kiến thu hoạch xong trước 30/5.

Vùng Đồng bằng sông Hồng, Trung du miền núi phía Bắc có diện tích gieo cấy lúa đạt 754 nghìn ha, lúa đang giai đoạn làm đòng-trỗ, phát triển tốt; dự kiến sẽ thu hoạch xong trước 30/6, sản lượng ước đạt 4,7 triệu tấn.

Đến nay, căn bản diện tích lúa Đông Xuân còn lại các vùng miền đều khá tốt, cả nước sẽ đạt kế hoạch sản lượng khoảng 20,2 triệu tấn thóc trong 6 tháng đầu năm 2020, chiếm 46% sản lượng thóc cả năm.

Bên cạnh việc bảo vệ sản xuất tốt vụ Đông Xuân ở miền Bắc, ngành nông nghiệp cũng đang hướng dẫn các địa phương phía Nam xuống giống vụ Hè Thu. Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, vụ này sản xuất còn gặp khó khăn, bởi tình hình hạn, mặn có thể diễn biến phức tạp, nhất là đầu vụ. Do đó, vụ Hè Thu sẽ được phân ra làm 2 vùng.

Vùng ngọt sẽ đẩy mạnh xuống giống sớm, còn vùng ven biển đang chịu hạn, mặn sẽ phải đảm bảo nguyên tắc hết mặn và thau chua, rửa mặn xong mới xuống giống, chỉ xuống giống khi an toàn. Cơ cấu giống cũng sẽ cụ thể để đảm bảo chất lượng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống của vụ Hè Thu, địa phương cần có sự tính toán đến sản xuất vụ Thu Đông và Mùa 2020 thật hợp lý căn cứ vào tình hình cung cấp nước cho sản xuất; xây dựng kế hoạch thời vụ chặt chẽ với từng tiểu vùng sinh thái.

Theo Cục Trồng trọt, vụ Hè Thu 2020, vùng Nam bộ dự kiến sẽ gieo sạ trên 1,6 triệu ha với năng suất 56,41 tạ/ha và sản lượng 9,18 triệu tấn.

Cơ cấu nhóm giống lúa chủ lực trắng trong, hạt dài là OM5451, OM6976, OM4900, OM7347, OM4218, jasmine 85... chiếm tỷ lệ 55-60%; đặc sản 15-20%; nếp 10%; chất lượng trung bình có thể duy trì 15% trong cơ cấu giống.

Đến nay, các địa phương đã xuống giống khoảng 50% diện tích gieo cấy, diện tích còn lại sẽ được gieo cấy cho đến hết tháng 5.

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng linh hoạt diện tích trồng lúa, để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân.

Ngành phấn đấu đạt sản lượng thóc năm nay là 43,5 triệu tấn, tăng khoảng 80.000 tấn so với năm 2019, đảm bảo đủ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu khoảng 6,5-7 triệu tấn gạo.

Thậm chí, nếu nhu cầu lương thực trong nước cũng như thế giới có thể tăng do một số quốc gia và người dân mua để tích trữ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông sẽ điều chỉnh tăng diện tích lúa Thu Đông lên khoảng 800.000ha nếu có thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục