Đề xuất hỗ trợ nghệ sỹ, hướng dẫn viên du lịch: Cần tiêu chí cụ thể

Đề xuất hỗ trợ cho nghệ sỹ, hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do COVID-19 được các chuyên gia cho rằng cần phải có tiêu chí xét cụ thể và đảm bảo công bằng với các nhóm đối tượng khác.
Dịch bệnh COVID-19 khiến đời sống nhiều nghệ sỹ lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn. (Ảnh minh họa: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Dịch bệnh COVID-19 khiến đời sống nhiều nghệ sỹ lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn. (Ảnh minh họa: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch cho biết lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, du lịch đang chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề nhất do tác động của địch COVID-19 nhưng cho tới nay vẫn chưa có chính sách hỗ trợ cho lao động trong các lĩnh vực này. Do đó, Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch vừa có công văn gửi đề xuất Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kiến nghị Chính phủ bổ sung nghệ sỹ và hướng dẫn viên du lịch vào đối tượng được hỗ trợ tiền mặt trong chính sách hỗ trợ lao động gặp khó khăn do COVID-19.

Đề xuất hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng

Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chỉ ra rằng lao động nghệ thuật biểu diễn là loại lao động đặc thù, đội ngũ nghệ sỹ phải có năng khiếu, tài năng và phải được đào tạo bằng nhiều hình thức từ lúc nhỏ (từ 7-8 tuổi), thời gian đào tạo kéo dài và chỉ đạt đến trình độ đào tạo trung cấp, cao đẳng là ra nghề. Trong khi đó, thời gian hoạt động biểu diễn nghệ thuật của nghệ sỹ rất ngắn, bình quân khoảng từ 15-20 năm, đến độ tuổi từ 30-40 (đối với nữ) và 40-45 (đối với nam) khả năng biểu diễn của nghệ sỹ bị suy giảm, không thể đáp ứng được đổi hơi về chuyên môn của nghề nghệ thuật biểu diễn.

Mặc dù có tài năng, năng khiếu, được đào tạo công phu nhưng khi được tuyển dụng vào viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập, đội ngũ nghệ sỹ được xếp lương như đối với các ngành nghề khác. Đối với hạng 4, mức lương khởi điểm hệ số 1.86 x mức lương cơ sở 1.490.000 đồng, đa số đối tượng viên chức là nghệ sỹ hiện nay không thể đi hết các bậc trong ngạch lương khi tuổi nghề ngắn.

Hiện nay, cả nước có 1.000 đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) với hơn 2.000 viên chức là nghệ sỹ giữ chức danh nghề nghiệp hạng 4. Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đề nghị hỗ trợ đội ngũ nghệ sỹ giữ chức danh nghề nghiệp đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sỹ hạng 4 trong các đơn vị công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn vì đây là nhóm có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

[Nhân lực du lịch Việt ‘ngụp lặn’ vượt ‘sóng thần’ COVID-19]

Ngoài ra, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng đề xuất hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch đã bị mất việc làm do hoạt động du lịch bị đình trệ từ khi bùng phát dịch bệnh đầu năm 2020 đến nay. Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho rằng các chính sách hỗ trợ người lao động đã được ban hành chưa chỉ rõ đối tượng hướng dẫn viên du lịch nên họ chưa được hưởng bất kỳ sự hỗ trợ nào từ Chính phủ.

Đề xuất hỗ trợ nghệ sỹ, hướng dẫn viên du lịch: Cần tiêu chí cụ thể ảnh 1Hướng dẫn viên du lịch dẫn khách đoàn thời COVID-19 còn chưa xuất hiện. (Ảnh minh họa: Xuân Mai/Vietnam+)

Theo Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, số lượng hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ trên toàn quốc hiện nay là hơn 26.721 người; trong đó có 16.965 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 8.743 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 1013 hướng dẫn viên du lịch tại điểm. Đội ngũ hướng dẫn viên này có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành du lịch, mang lại lợi ích cho nền kinh tế của đất nước suốt thời gian qua.

Mức hỗ trợ mà Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đề xuất là 1,8 triệu đồng/tháng trong vòng 3 tháng và chi hỗ trợ một lần.

Không đánh đồng đối tượng hỗ trợ

Mặc dù đồng tình với đề xuất nhóm nghệ sỹ, hướng dẫn viên du lịch đang gặp nhiều khó khăn do COVID-19, nhưng các chuyên gia nhấn mạnh không thể đánh đồng tất cả nghệ sỹ khi đưa vào chính sách hỗ trợ và phải đảm bảo tiêu chí hỗ trợ đúng đối tượng, công bằng.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng: “Đề xuất của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch không sai vì nghệ sỹ cũng là người lao động và cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, đơn vị đề xuất cần phải đưa ra lý lẽ thuyết phục, có tiêu chí cụ thể, rõ ràng.”

“Trong giới nghệ sỹ cũng có đối tượng khác nhau, người có thu nhập cao như các sao hạng A, nhưng cũng có người là diễn viên phụ, diễn viên múa, họa sỹ…thu nhập rất thấp. Để thực thi được chính sách, cần có sự đồng thuận của ban soạn thảo, các chuyên gia và các tầng lớp nhân dân,” ông Phạm Minh Huân nói.

Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng cho rằng nghệ sỹ là người lao động chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, bà Hồ Thị Kim Ngân nhấn mạnh những lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh để được hỗ trợ phải kèm theo điều kiện họ bị chấm dứt hợp đồng hoặc tạm hoãn hợp đồng nên cần tính toán hỗ trợ sao cho hợp lý.

“Việc Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phản ánh tâm tư nguyện vọng của các nghệ sỹ là chính đáng và cần được lắng nghe để chính sách không bỏ sót các đối tượng. Tuy nhiên, phương án hỗ trợ như thế nào, hỗ trợ đối tượng nào thì các bộ, ngành liên quan cần phải ngồi lại với nhau để đảm bảo tính công bằng cho các đối tượng khác. Quan điểm của tôi vẫn là nên ưu tiên những đối tượng lao động đang khó khăn nhất là công nhân, lao động tự do…” bà Hồ Thị Kim Ngân nói.

Cùng quan điểm với bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nhận định: “Nhìn vào thực tế thời gian qua, nghệ sỹ chưa phải là đối tượng khó khăn nhất. Trước khi dịch bệnh xảy ra, họ còn có việc làm ổn định, có tích lũy; còn những lao động khác, nhất là lao động tự do hoặc công nhân các khu công nghiệp, họ phải chạy ăn từng bữa. Những đối tượng này mất thu nhập khi dịch bệnh đến, không có tích lũy, họ là những đối đượng cần phải được ưu tiên hỗ trợ lúc này"./.

Trong đề xuất gói hỗ trợ an sinh lần 2, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hỗ trợ trực tiếp lao động dừng hợp đồng, lao động nghỉ việc không lương, mất việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp 1,8 triệu đồng/người, tổng kinh phí khoảng 380 tỷ đồng; hỗ trợ hộ kinh doanh phải tạm đóng cửa để phòng dịch theo yêu cầu của cơ quan chức năng mức 2 triệu đồng/hộ/tháng, tổng kinh phí khoảng 600 tỷ đồng...

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục