Dẹp nạn xe quá tải: Cần bắt đúng bệnh để bốc thuốc đặc trị

Xe quá tải lưu thông qua trạm cân đều bị dừng kiểm tra bất kể ngày đêm đồng thời lực lượng chức năng đã dùng nhiều biện pháp “siết” xe tải xếp hàng dài trên quốc lộ để “né” trạm.
Dẹp nạn xe quá tải: Cần bắt đúng bệnh để bốc thuốc đặc trị ảnh 1Trạm cân tải trọng xe hoạt động 24/24 giờ đã hạn chế được xe quá tải. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Sau hơn hai tháng triển khai kiểm soát tải trọng xe trên phạm vi cả nước (từ 1/4), tại một số tỉnh thành, các xe quá tải lưu thông qua đây đều bị dừng kiểm tra, bất kể ngày đêm đồng thời lực lượng chức năng đã dùng nhiều biện pháp mạnh nhằm“siết” chặt tình trạng xe tải xếp hàng dài trên quốc lộ để “né” trạm cân. Nhưng kéo theo đó, là đủ chiêu trò để các "hung thần" xe quá tải đối phó với lực lực lượng chức năng.

"Đào tẩu" ly kỳ

Trong khoảng một năm qua, Chính phủ đã có 4 văn bản chỉ đạo về việc siết xe quá tải trọng cày nát nhiều tuyến đường. Bộ Giao thông Vận tải cũng có không ít văn bản “đốc thúc các ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm tải trọng vẫn còn phức tạp, một số địa phương còn buông lỏng kiểm soát để phương tiện chở quá tải trọng vẫn lưu thông trên đường bộ, tránh các trạm kiểm tra tải trọng trên Quốc lộ, chạy vào các tuyến đường địa phương, ảnh hưởng đến kết cấu cầu, đường, gây mất trật tự, an toàn giao thông, khiến cho dư luận nhân dân bức xúc.

Theo đánh giá của lực lượng chức năng, thời gian vừa qua, trên nhiều cung đường, cánh lái xe đã nghĩ ra nhiều thủ đoạn để “đào tẩu” ly kỳ qua trạm cân. Các lái xe điều khiển phương tiện lưu thông chạy gần sát nhau, trong đó, xe không có xe tải chạy trước và "khóa đuôi,” xe có tải chạy giữa các xe không có tải đã làm khó cho lực lượng kiểm tra liên ngành khi yêu cầu xe có tải vào trạm cân.

Thậm chí, một số trường hợp, lái xe cố tình điều khiển phương tiện vào đường cấm thuộc khu vực nội thị, chấp nhận mức phạt vì mức xử phạt cho hành vi chạy vào đường cấm nội thị nhẹ hơn nhiều lần so với mức xử phạt khi bị phát hiện chở quá tải trọng cho phép. Cá biệt, lái xe sẵn sàng bỏ tiền ra để thuê “cò” dẫn đường hòng “lách” trạm cân.

Tại trạm cân lưu động trên Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa, mặc dù tình hình tại trạm kiểm soát xe ở địa bàn rất phức tạp nhưng lực lượng liên ngành đã quyết tâm phải dẹp bằng cách tăng cường chốt chặt ở trạm 24/24 giờ và đặt biển cấm đậu xe ở hai đầu trạm để không cho các xe né tránh trạm dừng đậu hai bên đường chờ thời cơ vượt trạm.

Bên cạnh đó, lực lượng liên ngành tiến hành xử lý nghiêm các xe chở quá tải, quá khổ nên tình trạng xe quá tải lưu thông tại đây đã giảm hẳn.

Theo trạm trưởng trạm cân Nguyễn Hồng Thái, thời gian mới thành lập trạm, rất nhiều khó khăn về chuyên môn cũng như việc xử lý, vừa mềm mỏng với chủ doanh nghiệp và lái xe, vừa kiên quyết làm đúng pháp luật quy định để người chủ doanh nghiệp và lái xe hiểu và chấp hành.

“Do xử phạt nghiêm nên các lái xe, chủ hàng cũng không dám tái phạm, lượng xe vi phạm quá tải đã giảm, lái xe cũng không còn hung hăng gây gổ như trước,” trạm trưởng Nguyễn Hồng Thái chia sẻ.

Hơn nữa, để “chống” xe quá tải đi vòng qua các tuyến đường liên huyện, xã trốn tránh sự kiểm soát gắt gao, theo Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, ngoài trạm kiểm tra cân lưu động, tỉnh cũng đã trang bị cho lực lượng chức năng 3 bộ cân xách tay để chặn ở nhiều ngả đường khác nhau, có thể từ chính những mỏ vật liệu, nhà máy… nhằm kiểm soát tải trọng xe từ gốc.

“Sắp tới, tỉnh sẽ mua thêm 5 bộ cân xách tay, bố trí các tổ công tác phối hợp với lực lượng địa bàn để ‘kẹp’ chặt xe quá tải. Ngoài ra, Công an tỉnh cũng đã cử Cảnh sát hình sự ra để dẹp những đối tượng cò mồi dắt xe vượt trạm,” Đại tá Oanh khẳng định.

Là một trong những địa phương “nóng” về sự chống đối của lái xe quá tải mỗi khi vào trạm cân, tuy nhiên, tỉnh Nghệ An đã có hàng loạt các biện pháp mạnh tay như thành lập đoàn kiểm tra, xử lý xe quá khổ, quá tải trên địa bàn có ý định “lách” trạm.

Theo ông Phan Huy Chương, Phó Chánh Thanh tra Sở giao thông Vận tải Nghệ An, kể từ khi triển khai kiểm tra tải trọng xe 24/24 giờ đã còn rất ít trường hợp dừng lại dọc đường nữa, vì có muốn “né” cũng không thoát.

“So với trước, tỷ lệ xe quá tải đã giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, việc triển khai trạm cân hiện mới chỉ là giải pháp tình thế bởi thực tế kinh phí để trạm cân đi vào hoạt động rất lớn, kéo theo đó là những yêu cầu về phương tiện, bến bãi, con người,” ông Chương phân tích.

Gốc rễ là “nắn” doanh nghiệp, chủ hàng

Nhằm “chế ngự” những biện pháp đối phó của của lái xe và chủ hàng, thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã công bố quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra tại các địa phương về việc thực thi siết xe quá tải trọng thực hiện xuyên suốt trong năm 2014.

Theo đó, các Sở Giao thông Vận tải địa phương sẽ phải báo cáo đoàn kiểm tra về tình hình hoạt động của phương tiện chở hàng quá tải trọng hoạt động; các tuyến đường có phương tiện chở hàng quá tải; tổ chức, cá nhân xếp hàng, vận chuyển hàng vượt quá tải trọng trên địa bàn. Đoàn kiểm tra sẽ đối chiếu thực tế để nắm bắt về công tác quản lý của địa phương. Ngoài ra, các tổ công tác sẽ kiểm tra đột xuất, không kể thời gian việc thực thi nhiệm vụ tại các trạm cân lưu động…

“Quản lý Nhà nước không thể chịu thua lái xe hay doanh nghiệp vận tải, không thể để tồn tại tình trạng lái xe xếp hàng dài chờ ‘bung’ trạm cân, xé rào chở quá tải,” ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải thẳng thắng nói.

Đánh giá về công tác kiểm soát xe quá tải của các địa phương, ông Sỹ nhìn nhận, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết mưa nhiều, nhân lực ít nhưng các trạm cân vẫn duy trì chế độ hoạt động 24/24 giờ trong suốt những ngày qua. Đa phần, các xe tải lưu thông qua đều bị dừng kiểm tra, bất kể ngày đêm.

Tuy nhiên, vị Phó Chánh Thanh tra Bộ này cũng thẳng thắn thừa nhận, lực lượng liên ngành các tỉnh chỉ xử lý lái xe mà chưa “nắn gân” doanh nghiệp, chủ hàng.

“Lực lượng chức năng xử lý quá tải mới chỉ dừng lại ở lái xe nhưng thực tế đa phần đối tượng này lại là người làm thuê, chịu sự điều hành của chủ xe, doanh nghiệp vận tải. Do đó, để siết chặt hoạt động vận tải cũng như tải trọng phương tiện thì song song với triển khai cân đồng loạt cốt yếu phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xử lý nghiêm minh với các chủ xe, doanh nghiệp vận tải,” ông Sỹ cho hay.

Nhấn mạnh biện pháp quyết liệt trước mắt, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải sẽ kiến nghị lên Bộ sẽ tháo biển số xe nếu phương tiện cố tình xếp hàng “dàn trận” để nằm lỳ” trước trạm cân quá thời gian 1 giờ đồng hồ. Khi xe không có biển, lái xe sẽ không thể liều lĩnh điều khiển xe tham gia lưu thông trên đường.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, Bộ đã kiến nghị Chính phủ sẽ đặt trạm cân ở nhiều cấp đường khác nhau, thậm chí lắp trạm cân gắn liền trạm thu phí, trạm cân cố định. Sắp tới, Bộ cho đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) thì tất cả các trạm thu phí đều phải có trạm cân và đưa vào hoạt động. Nếu làm được, cò xe, xã hội đen và xe quá tải mới không còn “cửa” lách trạm, vượt trạm.

“Kiểm soát trọng tải sẽ lặp lại sự cạnh tranh lành mạnh trong vấn đề kinh doanh vận tải giữa các doanh nghiệp. Nếu đơn vị làm ăn nghiêm túc, thì họ vẫn tồn tại, phát triển, còn các doanh nghiệp dựa vào chở quá tải để tạo ra lợi nhuận thì nó chỉ là tức thời. Nên chúng tôi đấu tranh để tạo ra sự công bằng về giá cước,” Thứ trưởng Thọ chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục