Mùa mua sắm cuối năm nay bỗng chộn rộn hơn hẳn nhờ sự góp mặt của hai bộ sưu tập đình đám, mà chẳng hiểu vô tình hay hữu ý, đều ít nhiều có mối liên hệ tới nhà Kardashian.
Nếu như các chị em gái của dòng họ nhà “K” liên tục làm mưa làm gió trên các mạng xã hội và thảm đỏ với những thiết kế Balmain x H&M, được chính anh bạn Olivier Rousteing của nàng mẫu trẻ Kendall Jenner chịu trách nhiệm thực hiện, thì anh rể Kanye West của cô cũng liền tay hốt bạc với cuộc phiêu lưu thời trang rất riêng của mình.
Mẫu giày sneakers Yeezy 350 Boost do Kanye kết hợp cùng adidas thiết kế và sản xuất vốn đã luôn được săn đón từ lâu, nay một lần nữa khẳng định vị thế thượng tôn của mình giữa muôn vàn mẫu sneakers thời thượng khác bằng phiên bản mới mang tên Moonrock.
Ngay khi vừa ra mắt, thiết kế tuy đơn giản về ngoại hình nhưng đột phá về công nghệ này lại tiếp tục tạo nên cơn sốt - hay có lẽ đúng hơn nên gọi là một trận chiến sôi sục thực sự giữa các tín đồ mua sắm.
Toàn bộ sản phẩm, cả ở những cửa hàng bán lẻ lẫn các kênh trực tuyến, đều bốc hơi chỉ trong chớp mắt.
Tuy nhiên, chuyện chỉ có thế thì chẳng có gì đáng bàn! Nếu như một đôi giày Yeezy có giá khoảng 200 đôla, thì áo quần thuộc cùng bộ sưu tập adidas Originals của Kanye có giá cao hơn từ năm đến bảy lần, dao động trung bình ở mức 1000 đôla.
Thế nhưng mức giá ngất ngưởng này không hề khiến các tín đồ thời trang chùn bước.
Chỉ sau vài ngày ra mắt, các thiết kế ready-to-wear cũng biến mất nhanh như những mẫu sneakers Yeezy.
Thậm chí, chúng còn được tiếp tục rao bán lại trên ebay với mức giá cao gấp nhiều lần giá gốc.
Tuy vậy, các fashionista vẫn không bỏ lỡ cơ hội để có thể khoe cho cả thế giới biết mình là một trong số ít những kẻ “may mắn” được sở hữu một trong những bộ sưu tập thời thượng nhất năm 2015.
Và vấn đề của bộ sưu tập của Kanye cũng nằm chính ở những trang phục ready-to-wear này.
Hầu hết các thiết kế cộp mác Yeezy là những bản sao gần như nguyên gốc từ các bộ sưu tập danh tiếng nhất của những huyền thoại như Helmut Lang, Raf Simons hay Margiela, cho đến cả những cái tên đương đại đang lên như Demna Gvasalia - Giám đốc Sáng tạo của Vetements, và sắp tới sẽ là Balenciaga.
Thậm chí, cả dàn người mẫu vô cùng đa dạng về vóc dáng và chủng tộc - một trong những điểm cộng hiếm hoi của show diễn - cũng là việc đã từng được rất nhiều nhà thiết kế thực hiện từ rất lâu, mà điển hình có thể kể đến các show diễn trong thập niên 1990 của Raf Simons, Hedi Slimane, hay gần đây nhất là những show diễn đầy tính kịch của Rick Owens tại Tuần lễ Thời trang Paris.
Những thiết kế cũ kỹ, với lớp đai thun cố tình làm giãn hay rách theo phương pháp “thủ công," đều được dệt từ các loại nguyên liệu bình dân như cotton mỏng, hay thậm chí cả những loại sợi tổng hợp rẻ tiền.
Những mẫu quần áo này còn được sản xuất ở các nước thứ ba, tại những nhà máy với chế độ dành cho người lao động vô cùng mơ hồ về đạo đức.
Và, đúng như lời Kanye, đây chẳng phải thời trang xa xỉ. Chúng là một trò cười, như bộ quần áo mới của hoàng đế.
Tuy nhiên, dường như giới thời trang không hề có suy nghĩ như thế: hầu hết các cây bút phê bình danh tiếng đều rất "dè dặt" trước màn trình diễn nhạt nhòa của Kanye dưới cái mác adidas Originals.
Hàng ghế đầu tại show diễn của Kanye gồm toàn những gương mặt quyền lực của giới thời trang và truyền thông: từ Anna Wintour - người đàn bà băng giá của Vogue Mỹ, Riccardo Tisci - Giám đốc Sáng tạo của Givenchy và “ong chúa” Beyoncé, cho đến Kim Kardashian - người vợ sở hữu hàng triệu lượt theo dõi trên các mạng xã hội của Kanye.
Chính Kanye cũng là một trong những gương mặt "cộm cán" tại các show thời trang trong suốt một thập kỷ qua, và ngay từ những ngày chưa kiêm nhiệm thêm công việc "bán thời gian" mang tên “nhà thiết kế thời trang," chàng rapper đã là một trong những tiếng nói có trọng lượng trong ngành công nghiệp hào nhoáng này.
Chính bởi con người ngày càng bị ám ảnh bởi quyền lực, nên sức mạnh gần như vô biên của hàng ghế đầu này tạo nên một sự bảo trợ đặc biệt cho Kanye, như lời tuyên ngôn ngầm rằng anh được sự đồng thuận của gần như tất cả những người giật dây ngành công nghiệp này.
Mặt khác, với một bộ sưu tập được những tập đoàn hùng mạnh như adidas và Condé Nast đỡ lưng, có lẽ chẳng nhà báo nào dám thẳng thắn nêu những suy nghĩ của mình.
Bởi còn nhớ, cây bút phê bình danh giá Cathy Horyn từng bị cấm cửa tại Saint Laurent do đã thẳng thừng chỉ trích những thiết kế đầu tiên của giám đốc sáng tạo Hedi Slimane cho nhà mốt lừng danh này.
Và thực tế, có lẽ sẽ chẳng ai thèm quan tâm nếu những thiết kế rách rưới này được tạo bởi một nhà thiết kế vô danh.
Hay nếu họ thực sự muốn xem một show thời trang ấn tượng, thì show diễn này cũng chẳng khá hơn những thiết kế thê lương kia là bao.
Tính đến nay, Kanye đã có sáu “phi vụ” thử sức cùng thời trang: hai bộ sưu tập adidas Originals được giới thiệu tại Tuần lễ Thời trang Paris danh giá, hai bộ sưu tập cộng tác cùng thương hiệu thời trang Pháp APC, và hai bộ sưu tập do chính anh tự bỏ vốn ra thực hiện.
Tuy vậy, chỉ có hai thứ duy nhất luôn bền bỉ tồn tại, đó là sự kiên trì theo đuổi mục tiêu trở thành ngôi sao hàng đầu của làng thời trang - và điều thứ hai, mâu thuẫn thay, chính là sự bất lực của Kanye trong việc tạo ra một cuộc hội thoại thời trang thực thụ và lĩnh hội một tầm nhìn đúng đắn.
Có lẽ một ngày nào đấy, Kanye sẽ thực sự “tạo nên một thứ gì đó tốt hơn” cho chúng ta - như những lời tuyên ngôn được anh hát tại show diễn adidas Originals đầu tiên của mình. Tuy nhiên, để thực hiện được thì còn cần nhiều thứ hơn chỉ lời nói./.