Dịch COVID-19 đến 6h sáng 16/4: Bản đồ dịch bệnh thế giới vẫn leo dốc

Dịch COVID-19 đến 6h sáng 16/4: Số ca tử vong vượt 134.000 ca

Tính đến 6 giờ sáng 16/4 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra trên toàn cầu đã lên tới 2.074.046 trường hợp.
Nhân viên y tế mặc trang phục bảo hộ phòng lây nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Giessen, Đức, ngày 14/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế mặc trang phục bảo hộ phòng lây nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Giessen, Đức, ngày 14/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thế giới đã vượt mốc 2 triệu ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong khi tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này cũng đã lên đến hơn 134.000 ca.

Chỉ trong 24 giờ, toàn thế giới đã có thêm 77.622 người mắc bệnh mới, trong số này có đến gần 10% đã bị tử vong (7.685 ca).

Theo thống kê trên trang mạng worldometers.info, đến 6h ngày 16/4 theo giờ Việt Nam, thế giới có tổng cộng 2.074.046 ca nhiễm, 134.072 ca tử vong và số ca đã hồi phục là 509.547.

Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, lần lượt là 641.762 ca và 28.442 ca. Trong ngày 15/4, số ca nhiễm mới ở Mỹ tăng mạnh tới 27.876 ca nhiễm mới và 2.395 ca tử vong trong ngày.

Ở châu Âu, Pháp, Anh, Italy và Tây Ban Nha là những quốc gia ghi nhận những con số gia tăng ca tử vong mới cao hơn cả, lần lượt là 1.438 ca, 761 ca, 578 ca và 453 ca.

Trong ngày 15/4, Liên hợp quốc cũng cho biết đã ghi nhận tổng cộng 189 ca nhiễm và 3 ca tử vong do dịch bệnh trong đội ngũ nhân viên của Liên hợp quốc trên toàn cầu.

Còn tại Việt Nam, đến thời điểm này đã có 267 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 171 trường hợp mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh, chưa có ca bệnh nào tử vong.

Pháp ghi nhận hơn 17.000 ca tử vong do COVID-19

Tính đến tối 15/4, dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 17.167 người tại Pháp. Số ca tử vong trong bệnh viện là 10.643, tăng 541 người trong vòng 24 giờ.

Số liệu ghi nhận tại các nhà dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội khác lên tới 6.524 trường hợp, tăng cao 924 ca so với ngày hôm trước, tuy nhiên đây là do cập nhật chưa đầy đủ của nhiều ngày dồn lại.

Tổng cộng có 106.206 bệnh nhân xét nghiệm dương tính với virus (+2.633 trong 24 giờ), trong đó số người nhập viện là 31.779 (+2.415) song lần đầu tiên giảm (-513) so với ngày hôm trước.

Hiện vẫn còn 6.457 bệnh nhân phải được chăm sóc đặc biệt (+284), giảm 273 người so với ngày hôm trước và là ngày giảm thứ sáu liên tiếp. Đến nay, 31.000 người đã khỏi bệnh và ra viện.

Theo giới chức y tế, bệnh nhân COVID-19 phát triển khả năng miễn dịch khoảng 2 hoặc 3 tuần sau khi nhiễm virus và sự miễn dịch này dường như là bền vững.

Dịch COVID-19 đến 6h sáng 16/4: Số ca tử vong vượt 134.000 ca ảnh 1Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Marseille, Pháp, ngày 15/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Pháp thông báo hơn 1/3 thủy thủ của tàu sân bay Charles de Gaulle đã mắc bệnh COVID-19.

Sau khi trở về Pháp vào ngày 12/4, 1.767 thủy thủ đã được xét nghiệm tối 14/4 và 668 người nhận kết quả dương tính. Trong số 31 người nhập viện, một người phải đưa vào diện chăm sóc đặc biệt.

Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Pháp nhận định rằng hoạt động của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cho thấy "những lỗ hổng" trong việc quản lý khủng hoảng hiện nay, và kêu gọi thiết lập một "chủ nghĩa đa phương về y tế" mới.

Phát biểu trong phiên điều trần ngày 15/4 trước Ủy ban đối ngoại của Thượng viện Pháp, ông Jean-Yves Le Drian đánh giá hoạt động của WHO là "thiếu phản ứng, thiếu tự chủ trước các quốc gia," "thiếu phương tiện phát hiện, cảnh báo và thông tin."

Song ông cũng cho rằng nguyên nhân không chỉ từ "trách nhiệm" của các cá nhân vận hành WHO, mà còn nằm trong "các nguyên tắc cơ bản" của tổ chức này.

Đức tiếp tục duy trì các biện pháp giãn cách đến 3/5

Ngày 15/4, Thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ hiến các bang ở Đức đã họp trực tuyến và nhất trí tiếp tục duy trì các biện pháp dãn cách xã hội đến ngày 3/5 trong cuộc chiến chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp trực tuyến với thủ hiến các bang ở Đức, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết các biện pháp dãn cách xã hội mà chính phủ liên bang áp đặt trên toàn quốc kể từ hôm 23/3 bước đầu đã có hiệu quả, góp phần làm giảm đáng kể tỉ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Do đó, bà và thủ hiến các bang đều nhất trí cho rằng các biện pháp dãn cách xã hội cần được tiếp tục duy trì ít nhất cho đến ngày 3/5 tới.

Theo đó, những quy định hạn chế tiếp xúc như cấm tụ tập từ 2 người trở lên, trừ các thành viên trong gia đình hoặc những người sống cùng nhau trong một nhà; hạn chế tiếp xúc với người khác; giữ khoảng cách 1,5m với người khác ở nơi công cộng, đóng cửa các trường học, nhà hàng... sẽ vẫn được áp dụng trên cả nước.

Dịch COVID-19 đến 6h sáng 16/4: Số ca tử vong vượt 134.000 ca ảnh 2Người dân thực hiện giãn cách xã hội tại Berlin, Đức, ngày 11/4/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngoài ra, các sự kiện văn hóa, thể thao quy mô lớn tập trung đông người cũng bị cấm tổ chức từ nay đến ngày 31/8 tới.

Bên cạnh đó, mặc dù không phải là quy định bắt buộc, song Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng khuyến nghị người dân nên đeo khẩu trang trên tàu, xe buýt, trong các cửa hàng và những nơi công cộng.

Cũng tại cuộc họp báo, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bên cạnh việc kéo dài các biện pháp hạn chế tiếp xúc, bà và thủ hiến các bang cũng thảo luận về một số biện pháp nới lỏng, trong đó lên kế hoạch từng bước mở lại các trường học từ ngày 4/5. Đồng thời cho phép các cửa hàng bán lẻ có diện tích lên tới 800 m2 được hoạt động trở lại kể từ ngày 20/4 tới. Tuy nhiên, những cửa hàng này cần phải đảm bảo được các yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh.

Dự kiến vào ngày 30/4 tới, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ tiếp tục thảo luận thêm với thủ hiến các bang về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 sau ngày 3/5.

Tính đến 19h ngày 15/4 (theo giờ Đức), trên cả nước này đã ghi nhận 133.203 trường hợp bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và hơn 3.600 ca tử vong.

Bang Bayern hiện vẫn là bang ghi nhận có số người nhiễm bệnh nhiều nhất với hơn 35.000 trường hợp. Trong khi đó, Thủ đô Berlin ghi nhận 4.736 trường hợp nhiễm bệnh và 62 ca tử vong.

Số ca tử vong ở New York giảm

Bang New York ngày 15/4 ghi nhận có thêm 752 ca tử vong, ít hơn ngày hôm trước 26 ca, và tổng số ca nhiễm bệnh tại đây đã vượt quá 200.000 người.

Tại buổi họp báo cập nhật tình hình, Thống đốc bang Andrew Cuomo cho biết ông sẽ ký lệnh yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng khi không thể đảm bảo khoảng giãn cách 2 mét với người khác. Dự kiến lệnh của ông sẽ có hiệu lực từ ngày 18/4 tới.

Trước đó cùng ngày, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cho biết chính quyền thành phố sẽ không để người dân nào bị đói đồng thời công bố chương trình cung cấp lương thực phẩm trị giá 170 triệu USD cho người nghèo.

Số tiền này sẽ được dùng để mua 18 triệu bữa ăn cung cấp cho người nghèo và thuê hơn 11.000 lái xe để vận chuyển đồ ăn tới cho họ.

Dịch COVID-19 đến 6h sáng 16/4: Số ca tử vong vượt 134.000 ca ảnh 3Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 ra nhà xác dã chiến bên ngoài một bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 9/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên ông cũng khẳng định thành phố sẽ không thể trở lại hoạt động bình thường nếu không có sự trợ giúp của chính quyền liên bang bởi đại dịch có thể khiến thành phố New York thiệt hại tới hơn 10 tỷ USD do không còn nguồn thu từ các hoạt động kinh tế.

Theo dự báo của Văn phòng Ngân sách Độc lập thì thành phố New York sẽ mất khoảng 475.000 việc làm trong 12 tháng tới tính từ ngày 1/4 và như vậy sẽ dẫn tới thất thu khoảng 9,7 tỷ USD doanh thu thuế trong năm tài khóa 2020-2021.

Số ca nhiễm mới tại Italy tiếp tục giảm

Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố, trong ngày 15/4, nước này ghi nhận thêm 2.667 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 165.155 trường hợp.

Trong khi đó, số ca tử vong đã tăng thêm 578 ca, nâng tổng số tử vo ng của quốc gia này vì virus SARS-CoV2 lên 21.645 trường hợp.   

Tổng số bệnh nhân phải điều trị tích cực là 3.079 trường hợp (giảm 107). Ngoài ra, Italy hiện có 27.643 ca nhập viện và 74.696 ca cách ly tại nơi ở. Số ca hồi phục tăng lên 38.092 ca (tăng 962 ca).

Số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Ai Cập vượt mốc 2.500

Bộ Y tế Ai Cập ngày 15/4 cho biết quốc gia này đã phát hiện thêm 155 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh ở nước này lên 2.505.

Số ca tử vong do căn bệnh này tại Ai Cập cũng tăng lên 183, sau khi có thêm 5 bệnh nhân xấu số thiệt mạng trong ngày.

Theo người phát ngôn Bộ Y tế Khaled Megahed, đã có thêm 39 bệnh nhân bình phục và được xuất viện trong ngày 15/4, nâng tổng số người khỏi bệnh tại Ai Cập lên 553.

Dịch COVID-19 đến 6h sáng 16/4: Số ca tử vong vượt 134.000 ca ảnh 4Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Cairo, Ai Cập ngày 12/4/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Cùng ngày, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly cảnh báo sẽ áp dụng những biện pháp mạnh mẽ nhất để xử lý hành vi vi phạm quy định phòng ngừa dịch bệnh trong kỳ nghỉ lễ mùa Xuân diễn ra vào tuần tới.

Trong khuôn khổ cuộc họp trực tuyến cùng các thống đốc tỉnh, ông Madbouly khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng ngừa mà chính phủ đang triển khai, đặc biệt là không tụ tập đông người trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.

Một diễn biến liên quan, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Ai Cập (NRC) Mohamed Mahmoud Hashem thông báo đã có một số tín hiệu tích cực khi sử dụng thuốc Avigan của Nhật Bản đề điều trị những bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.

Hiện NRC đang nghiên cứu tính hiệu quả và mức độ an toàn của hơn 70 loại thuốc, trong đó có Avigan, để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19.

Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Trung Đông tiếp tục tăng cao

Ngày 15/4, truyền thông Trung Đông dẫn thông báo của Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho biết, trong 24 giờ qua, nước này đã phát hiện thêm 4.281 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm loại virus nguy hiểm này lên tới 69.392 trường hợp.

Ngoài ra, cùng ngày cũng đã ghi nhận có thêm 115 người tử vong do COVID-19 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Như vậy tính đến tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này hiện là 1.518 người.

Thông báo của Bộ trưởng Koca cho hay, kể từ khi bùng phát dịch đến nay đã có 5.674 bệnh nhân mắc COVID-19 khỏi bệnh và 477.716 người được xét nghiệm. Còn theo Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ, nước này đã áp đặt biện pháp cách ly đối với 227 khu dân cư tại 58 tỉnh.

Trong khi đó, Saudi Arabia cùng ngày thông báo rằng nước này cũng đã phát hiện thêm 493 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở quốc gia giàu dầu mỏ này lên đến 5.862 người.

Theo người phát ngôn Bộ Y tế Saudi Arabia Mohammed Al Abdulaali, đã có 79 trường hợp tử vong do COVID-19 sau khi ghi nhận thêm 6 bệnh nhân tử vong do căn bệnh nguy hiểm này. Ngoài ra, đến nay số người được điều trị khỏi bệnh hiện là 931 người.

Cùng ngày, một nhóm gồm 8 chuyên gia y tế Trung Quốc đã tới Riyadh để hỗ trợ các đồng nghiệp nước sở tại ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch này.

Còn tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), trong ngày 15/4 cũng ghi nhận 432 ca nhiễm mới và tổng số trường hợp mắc COVID-19 tính đến nay là 5.365. Còn tổng số ca tử vong do COVID-19 ở UAE hiện là 33 trường hợp. UAE là quốc gia đầu tiên ở Vùng Vịnh phát hiện các ca nhiễm virus SARS-CoV-2.

Cũng trong ngày 15/4, Bộ Y tế Qatar cho biết, nước này đã có thêm 283 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 lên thành 3.711. Hiện cũng đã có 406 bệnh nhân mắc COVID-19 đã bình phục trong khi số người tử vong là 7. Đáng chú ý, nhiều trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 mới được phát hiện là những lao động nước ngoài đang làm việc tại Qatar.

Ngoài ra, Bộ Y tế Iraq cùng ngày cũng xác nhận thêm 15 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tổng số người mắc COVID-19 ở Iraq là 1.415. Theo Bộ Y tế Iraq, đến nay đã có 79 người tử vong và 812 người khỏi bệnh.

Nhà chức trách Iraq đã thực hiện một số biện pháp nhằm kiềm chế sự bùng phát của dịch COVID-19, trong đó có việc gia hạn lệnh giới nghiêm trên toàn quốc đến ngày 19/4 tới. Trung Quốc cũng đã cử một nhóm chuyên gia y tế gồm 7 thành viên tới Iraq để giúp quốc gia Trung Đông này chống dịch.

Cuba: Các ca mắc COVID-19 vượt ngưỡng 800 người

Bộ Y tế Cuba (Minsap) ngày 15/4 cập nhật tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho biết, trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 48 ca dương tính với chủng mới của virus corona SARS-Cov-2 gây ra, nâng tổng số bệnh nhân lên 814 người và 3 ca tử vong mới, nâng tổng số người thiệt mạng do COVID-19 lên 24 người.

Trong buổi họp báo được phát trực tiếp trên truyền hình nhà nước, Giám đốc Dịch tễ học quốc gia thuộc Minsap Francisco Duran cho biết thêm trong 48 ca phát hiện nhiễm mới có 47 người quốc tịch Cuba và 1 công dân Mỹ, trong khi đó cả 3 trường hợp mới tử vong đều được ghi nhận tại thủ đô La Habana, địa phương bị tác động nặng nề nhất của dịch COVID-19 tại Cuba.

Quan chức Minsap công bố số liệu chính thức cho hay, hiện có 2.466 người đang nhập viện trên cả nước do có triệu chứng nhiễm SARS-Cov-2 và 6.572 người được hệ thống y tế cơ sở theo dõi tại nhà. Ngoài ra, số người được chữa khỏi bệnh tới nay là 151 người.

Cơ quan y tế Cuba cho biết thêm đảo quốc Caribe đang chuẩn bị cho thời điểm căng thẳng nhất của đại dịch tại nước này, dự kiến sẽ rơi vào nửa đầu tháng 5, với việc mua thêm các bộ xét nghiệm sinh học phân tử (Real time PCR) và các bộ xét nghiệm nhanh cho phép chẩn đoán bệnh ở những đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, quan chức Minsap thừa nhận lệnh cấm vận của Mỹ là yếu tố gây trở ngại cho La Habana trong việc mua các thiết bị này.

Nga hoãn lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng

Trang mạng RBK, dẫn 3 nguồn tin của Văn phòng Tổng thống và Bộ Quốc phòng Nga ngày 15/4 cho biết Điện Kremlin đã quyết định không tổ chức cuộc diễu binh nhân Ngày Chiến thắng phát xít Đức trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva vào ngày 9/5 như truyền thống và lùi sự kiện này đến một thời điểm muộn hơn.

Theo ba nguồn tin nói trên, việc chính thức thông báo kế hoạch lùi sự kiện trên sẽ được đưa ra vào cuối tuần này. Nhiều khả năng, thông báo sẽ được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra.

Theo RBK, việc lùi thời điểm tổ chức Ngày Chiến thắng có thể được công bố trong ngày 16/4, tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga.

Ngày 15/4, các tổ chức cựu chiến binh của Nga đã viết thư cho Tổng thống Putin, đề nghị lùi cuộc diễu binh nhân Ngày Chiến thắng do dịch bệnh COVID-19.

Bức thư lưu ý rằng cuộc diễu binh cần không phải là một nguy cơ, mà "thực sự là ngày lễ của hòa bình và an ninh cho tất cả những người tham gia.” Thư ký báo chí Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov lưu ý rằng lời kêu gọi này sẽ được xem xét.

RBK trước đó cũng cho biết Văn phòng tổng thống và Bộ Quốc phòng Nga đang xem xét một số kịch bản tiến hành cuộc diễu binh. Có 2 phương án là lùi sự kiện này sang mùa thu, hoặc tổ chức đúng như kế hoạch vào ngày 9/5, song không có người xem.

Tính đến hiện tại, Nga có 24.490 ca nhiễm, trong đó có 198 người đã tử vong vì SARS-CoV-2

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục