Dịch COVID-19: EU hỗ trợ tăng tốc tiêm chủng khu vực Đối tác phía Đông

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, với gói viện trợ mới 35 triệu euro, EU mong muốn cải thiện khả năng tiếp cận vaccine ở khu vực Đối tác phía Đông trong bối cảnh thiếu hụt vaccine toàn cầu.
Dịch COVID-19: EU hỗ trợ tăng tốc tiêm chủng khu vực Đối tác phía Đông ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty)

Trong nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) để hỗ trợ tiêm chủng ở các nước đối tác, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 10/8 đã tăng gói viện trợ từ 40 triệu euro lên 75 triệu euro để triển khai các loại vaccine ngừa COVID-19 an toàn và hiệu quả cũng như tăng tốc các chiến dịch tiêm chủng ở 6 quốc gia thuộc quan hệ Đối tác phía Đông, gồm Armenia, Azerbaijan, Belarus, Gruzia, Cộng hòa Moldova và Ukraine.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, với gói viện trợ mới 35 triệu euro, EU mong muốn cải thiện khả năng tiếp cận vaccine ở khu vực Đối tác phía Đông trong bối cảnh thiếu hụt vaccine toàn cầu, bằng cách giúp các nước thành viên dễ dàng chia sẻ vaccine từ EU và hoàn trả chi phí.

Khoản viện trợ này bổ sung cho sự hỗ trợ của EU đối với sáng kiến COVAX - công cụ toàn cầu để đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng và phổ cập đối với vaccine COVID-19 của Liên hợp quốc, đồng thời hướng tới việc phân phối vaccine công bằng và minh bạch ở các nước Đối tác phía Đông.

Đây là khoản hỗ trợ bổ sung vào gói biện pháp đầu tiên, trị giá 40 triệu euro, được đưa ra hồi tháng Hai vừa qua để tăng cường sự chuẩn bị ở cấp địa phương đối với việc tiêm chủng an toàn và hiệu quả cho người dân, với sự hợp tác của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Đặc biệt, sự hỗ trợ của EU đã được sử dụng để đào tạo các nhà quản lý y tế và nhân viên y tế tham gia vào chiến dịch tiêm chủng, hỗ trợ hậu cần thiết yếu cho việc cung cấp và sử dụng vaccine cũng như vật tư, đảm bảo theo dõi dữ liệu và an toàn trong tiêm chủng, hỗ trợ truyền thông và sự tham gia của cộng đồng cũng như phát hành chứng chỉ kỹ thuật số về COVID-19.

[Israel chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn IIb vaccine BriLife tại Gruzia]

Ủy viên EU phụ trách khu vực và mở rộng Olivér Várhelyi nhấn mạnh đại dịch COVID-19 tàn khốc đã gây ra áp lực chưa từng có đối với con người, hệ thống y tế và kinh tế toàn thế giới. Quan hệ đối tác phía Đông cũng không phải là ngoại lệ. EU quyết tâm giúp các nước láng giềng phía Đông tăng tốc việc tiêm chủng, vì điều quan trọng là phải chấm dứt đại dịch và bắt đầu phục hồi kinh tế xã hội của khu vực.

Gói hỗ trợ mới này là một phần trong phản ứng toàn cầu với COVID-19 của Nhóm châu Âu (Team Europe) và được xây dựng dựa trên những nỗ lực chung cho giữa các quốc gia và sự hợp tác giữa EU với WHO.

Đây cũng là một phần trong hành động khu vực đầu tiên được thực hiện vào năm ngoái để đối phó với đại dịch COVID-19 ở các nước Đối tác phía Đông, khi EU và WHO hợp lực và đưa ra sáng kiến "Đoàn kết vì sức khỏe" ở khu vực này với một ngân sách 35 triệu euro.

Một lượng đáng kể thiết bị y tế đã được đưa đến khu vực thông qua hành động này, bao gồm hơn 11 triệu thiết bị bảo hộ cá nhân, 12.000 bộ dụng cụ xét nghiệm, hơn 1.500 máy thở, máy tạo oxy và máy đo oxy xung, và hơn 20.000 bộ xét nghiệm PCR.

Khoản hỗ trợ mới sẽ giúp triển khai hiệu quả các loại vaccine mà các nước đối tác nhận được trực tiếp thông qua cơ chế chia sẻ vaccine của EU, gián tiếp thông qua COVAX và mua sắm công trực tiếp từ các nhà sản xuất vaccine ngừa COVID-19.

Nhóm châu Âu là một trong những nhân tố đóng góp chính cho chương trình COVAX, với gần 3 tỷ euro. Để bổ sung cho nỗ lực của COVAX, Nhóm châu Âu đặt mục tiêu tài trợ ít nhất 200 triệu liều cho các quốc gia đối tác vào cuối năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục