Dịch COVID-19: Indonesia cấm người dân về quê trong dịp lễ Eid al-Fitr

Ngày 26/3, Chính phủ Indonesia quyết định cấm người dân rời khỏi các vùng đô thị để trở về quê nhà trong dịp lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo vào tháng 5 tới nhằm giảm nguy cơ lây lan dịch COVID-19.
Dịch COVID-19: Indonesia cấm người dân về quê trong dịp lễ Eid al-Fitr ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Surabaya, Indonesia, ngày 17/3/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 26/3, Chính phủ Indonesia quyết định cấm người dân rời khỏi các vùng đô thị để trở về quê nhà trong dịp lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo vào tháng 5 tới nhằm giảm nguy cơ lây lan dịch COVID-19.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Điều phối Phát triển con người và Văn hóa của Indonesia, Muhadjir Effendy cho biết lệnh cấm này sẽ được áp dụng với tất cả người dân từ ngày 6-17/5.

Thông thường trước lễ Eid al-Fitr hằng năm, người dân Indonesia ồ ạt về quê bằng đường bộ hay đường hàng không.

Năm ngoái, Chính phủ Indonesia đã áp đặt lệnh cấm về quê đối với viên chức, quân nhân, cảnh sát và người lao động ở các xí nghiệp nhà nước, đồng thời chỉ khuyến cáo những người khác không về quê trong dịp này.

Lễ Eid al-Fitr đánh dấu chấm dứt tháng ăn chay Ramadan. Năm nay, lễ hội này rơi vào ngày 13-14/5.

Cùng ngày, giới chức Nepal cho biết nước này đã nới lỏng các quy định về cách ly đối với du khách nhằm thu hút thêm các nhà leo núi trong bối cảnh sắp tới mùa leo núi Everest tháng 4 và tháng 5 tới.

Theo chính sách công bố tối 25/3, du khách sẽ được xét nghiệm khi nhập cảnh và sẽ chỉ phải thực hiện cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Giới chức ngành du lịch của Nepal bày tỏ hy vọng các nhà leo núi đã hoãn chuyến đi tới Nepal do các quy định nghiêm ngặt phòng chống dịch sẽ trở lại Nepal sau quyết định nới lỏng này.

[Dịch COVID-19: Ukraine ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục]

Trước đó, du khách đến Nepal phải cách ly 7 ngày. Họ sẽ vẫn phải trình giấy tờ chứng minh đã tiêm chủng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh.

Cho đến nay, Nepal đã cấp 45 giấy phép leo núi trên dãy Himalaya. Nước này hy vọng sẽ có khoảng 300 nhà leo núi nước ngoài tới chinh phục đỉnh Everest vốn được mệnh danh là "nóc nhà của thế giới."

Trong mùa leo núi năm ngoái, Nepal đã cấm hoạt động leo núi nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, khiến ngành du lịch vốn được xem là ngành kinh tế trọng điểm của quốc gia này bị thiệt hại nặng nề./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục