Dịch COVID-19 sáng 10/6: Thế giới ghi nhận trên 175,1 triệu ca mắc

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với tổng số ca mắc là 34.264.001 ca, trong đó có 613.498 ca tử vong, tiếp đến là Ấn Độ và Brazil.
Dịch COVID-19 sáng 10/6: Thế giới ghi nhận trên 175,1 triệu ca mắc ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Agartala, Tripura, Ấn Độ, ngày 9/6/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 10/6 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 175.152.458 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.776.085 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 158.953.886 ca.

Mặc dù quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với tổng số ca mắc là 34.264.001 ca, trong đó có 613.498 ca tử vong, nhưng nhờ chương trình tiêm chủng vaccine được đẩy nhanh, tình hình dịch bệnh tại nước này đang có nhiều diễn biến khả quan, với số ca mắc mới và tử vong tính theo ngày giảm rõ rệt, lần lượt là 13.475 ca mắc và 443 ca tử vong trong 24 giờ qua.

Tiếp đó là Ấn Độ với tổng số 29.182.072 ca mắc và 359.695 ca tử vong. Mặc dù số ca nhiễm virus mới theo ngày đã giảm mạnh xuống 93.896 ca mắc mới trong ngày, nhưng số ca tử vong vẫn rất cao, với 6.138 ca trong 24 giờ qua.

Brazil đứng thứ 3 với 17.125.357 ca mắc và 479.791 ca tử vong. Trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 87.097 ca mắc mới và 2.484 ca tử vong.

[Ấn Độ xác nhận tổng số ca mắc COVID-19 đã vượt 29 triệu ca]

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong khi số ca mắc mới COVID-19 đã giảm ở 5/6 khu vực trên thế giới (trong đó Đông Nam Á giảm 31%, châu Âu giảm 17%, khu vực châu Mỹ cũng như các khu vực ở phía Đông Địa Trung Hải và Tây Thái Bình Dương ghi nhận số liệu tương tự như tuần trước), châu Phi lại ghi nhận số ca mắc mới tăng mạnh 25% so với tuần trước.

Cụ thể, châu Phi có tổng cộng 65.943 ca mắc COVID-19 trong một tuần qua, nâng tổng số ca mắc bệnh tại châu lục này lên 5.009.603 ca. Đây là tuần thứ hai liên tiếp, châu Phi ghi nhận tỷ lệ ca mắc mới hàng tuần cao hơn 20%. Đồng thời, tỷ lệ tử vong đã tăng trong tuần thứ ba liên tiếp, với hơn 1.167 ca tử vong, tăng trung bình 2%.

Ở châu lục này, Nam Phi vẫn là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất với tổng cộng là 1.712.939 và 57.310 ca tử vong, trong đó có thêm 8.881 ca mắc mới và 127 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo là Maroc, Tunisia, Ethiopia, Ai Cập, Libya, Kenya, Nigeria,…

Liên quan đến biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ, nhà dịch tễ học nổi tiếng của Anh Neil Ferguson, thuộc trường Đại học Hoàng gia London, cho biết biến thể Delta dễ lây nhiễm hơn 60% so với biến thể Alpha, được phát hiện lần đầu tiên tại Anh.

Ông Neil Ferguson nhấn mạnh 60% là con số ước tính tốt nhất có thể đưa ra. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng cần có thêm nhiều dữ liệu hơn nữa để xác định được vai trò của vaccine ngừa COVID-19 bảo vệ bệnh nhân, làm rõ mối liên hệ giữa số ca có bệnh tình chuyển biến nặng cần nhập viện điều trị và số ca tử vong do biến thể Delta.

Theo ông, nhiều khả năng Anh sẽ xảy ra làn sóng dịch bệnh thứ 3 với sự lây lan của biến thể Delta, song số ca tử vong có thể thấp hơn nhờ sự bảo vệ của vaccine ngừa COVID-19. Mặc dù vậy ông thừa nhận đây là vấn đề còn khó đoán định.

Thủ tướng Anh Boris Johnson trước đó đã công bố kế hoạch cho phép xứ England mở cửa hoàn toàn sau thời gian dài thực hiện lệnh phong tỏa, dự kiến diễn ra vào ngày 21/6. Tuy nhiên, kế hoạch này có thể phải lùi lại do sự lây lan của biến thể Delta.

Trong khi đó, ngày 9/6, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo kế hoạch mua 500 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech để phân phối cho các nước khác.

Ông Biden sẽ đưa ra thông báo chính thức về kế hoạch trên trong hội nghị của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra tại Anh trong ngày 10/6, trong đó dự kiến chuyển giao 200 triệu liều trong năm nay và 300 triệu liều trong năm sau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục