Điều tra bổ sung vụ một cựu Phó Giám đốc Eximbank lừa đảo 2.700 tỷ đồng

Luật sư của bị hại đề nghị làm rõ vai trò, trách nhiệm của người tên Nguyễn Thị Diệu L. và các cấp dưới khác của Vũ Thị Thu Nhung ở Eximbank chi nhánh Ba Đình, trong việc dẫn dụ các bị hại nộp tiền.

Bị cáo Vũ Thị Thu Nhung. (Nguồn: báo Tiền Phong)
Bị cáo Vũ Thị Thu Nhung. (Nguồn: báo Tiền Phong)

Ngày 9/9, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Vũ Thị Thu Nhung, sinh năm 1977, cựu Phó Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất, Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), chi nhánh Ba Đình) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a-Bộ luật Hình sự) và tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” (theo quy định tại Điều 341, khoản 3-Bộ luật Hình sự).

Trước đó, phiên tòa từng bị hoãn một lần do vắng mặt bị hại, người liên quan. Tuy nhiên, sau khi xét hỏi, Hội đồng xét xử đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án do xét thấy thiếu chứng cứ có liên quan đến tội phạm mà không thể bổ sung tại phiên tòa; đồng thời có căn cứ để cho rằng có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm.

Theo cáo trạng, giai đoạn 2014-2022, bị cáo Nhung lợi dụng vị trí làm việc tại Eximbank, dùng 2 thủ đoạn khác nhau để lừa đảo của khoảng 100 bị hại với tổng số tiền hơn 2.705 tỷ đồng.

Cụ thể, Nhung đưa thông tin gian dối về việc ngân hàng có ưu đãi chương trình tiền gửi linh hoạt dành cho khách hàng ưu tiên; gửi tiền giữ hộ có kỳ hạn; tiền gửi trong giao dịch tài chính, trái phiếu ngân hàng với lãi suất cao từ 7,5-32%/năm hoặc nhận quà tặng giá trị lớn.

Nhung cho biết các chứng chỉ chương trình được quản lý nội bộ của lãnh đạo Eximbank, không phát hành rộng và đề nghị những người có nhu cầu tham gia sẽ gửi tiền cho bị cáo. Bị cáo chịu trách nhiệm chuyển tiền vào tài khoản của nhà băng và gửi lại chứng từ, tiền lãi kèm gốc, tiền chăm sóc khách hàng cho người gửi tiền.

Ngoài ra, Nhung còn dùng thủ đoạn nói Chi nhánh Ba Đình nơi Nhung làm Phó Giám đốc tổ chức thanh lý các bất động sản là “nợ xấu” và kêu gọi đầu tư. Việc đầu tư phải qua Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản Việt Nam (Nhung giới thiệu là doanh nghiệp sân sau của các lãnh đạo Eximbank).

Song thực tế, công ty này do Nhung thành lập, nhờ người khác đứng tên. Nhung khẳng định với các nhà đầu tư, nếu gửi tiền vào sẽ được nhận lại tiền sau thời gian ký quỹ từ 5 - 25 ngày kèm theo lợi nhuận từ 10-14% vốn ban đầu. Nhung còn làm giả 57 tài liệu của Eximbank để các bị hại tin tưởng, tiếp tục chuyển tiền cho bị cáo.

Cơ quan tố tụng kết luận sau khi nhận tiền của nhiều người, Nhung không thực hiện các cam kết mà “lấy của người sau trả cho người trước,” còn lại chi tiêu cá nhân hết. Tổng cộng, Nhung lừa đảo khoảng 100 người, chiếm đoạt tổng số hơn 2.700 tỷ đồng.

Đến nay, Cơ quan Điều tra mới xác định được 47 bị hại trong vụ án với số tiền bị lừa là hơn 788 tỷ đồng. Trong số này, bị cáo Nhung dùng 477 tỷ đồng để trả lãi hoặc lợi nhuận cho bị hại nên còn chiếm đoạt 311 tỷ đồng. Cáo trạng xác định, trong số 311 tỷ đồng nói trên, Vũ Thị Thu Nhung chỉ trực tiếp lừa đảo 178 tỷ đồng của 21 bị hại. Số tiền còn lại, Nhung lừa đảo thông qua những người trung gian. Hiện, bị cáo Nhung không có khả năng khắc phục hậu quả.

Quá trình xử lý vụ án, cơ quan điều tra đã xác minh một số tài sản liên quan đến Vũ Thị Thu Nhung. Tuy nhiên, chỉ duy nhất một tài khoản của Nhung tại ngân hàng Vietinbank bị phong tỏa, trong đó có 1,1 tỷ đồng.

Các tài sản khác không thể kê biên để khắc phục hậu quả do đang là tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại ngân hàng khác, hoặc đã được chuyển nhượng cho người khác trước khi khởi tố vụ án. Do vậy, cơ quan điều tra không có căn cứ để kê biên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục