Đồng bào Khmer ở Bạc Liêu vui đón Tết Chôl Chnăm Thmây 2015

Năm nay, trong niềm vui lúa được mùa và tôm trúng giá, đồng bào Khmer Bạc Liêu đón Tết ấm áp, đậm đà bản sắc dân tộc, từ 14-16/4 tới (tức 26-28/3 Âm lịch).
Đồng bào Khmer ở Bạc Liêu vui đón Tết Chôl Chnăm Thmây 2015 ảnh 1Nghi lễ dâng cơm và hoa quả cho các sư trong ngày Tết Chôl Chnăm Thmây (Ảnh: TTXVN)

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2015 đang đến với đồng bào Khmer tỉnh Bạc Liêu. Năm nay, trong niềm vui lúa được mùa và tôm trúng giá, đồng bào Khmer đón Tết ấm áp, đậm đà bản sắc dân tộc, từ ngày 14-16/4 tới (tức ngày 26-28/3 Âm lịch).

Được mời tham dự ngày họp mặt cán bộ, sư sãi và phật tử Khmer tiêu biểu mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2015 do Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức, ông Thạch Quết, Trưởng Ban quản trị chùa Xiêm Cán ở xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, bộc bạch: “Tôi rất phấn khởi khi thấy đồng bào Khmer Bạc Liêu tiếp tục đón Tết cổ truyền trong niềm vui thắng lợi trên mặt trận sản xuất, lao động và học tập.

Mỗi khi đón chào năm mới, đời sống của đồng bào Khmer trong tỉnh lại sung túc hẳn lên. Ngày càng có nhiều hộ khá giàu và ít đi hộ nghèo, đặc biệt không còn hộ đói. Tôi mong rằng, bà con Khmer sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước bằng nhiều chủ trương, chính sách chuyển giao khoa học-kỹ thuật mới."

Để đón Tết vui tươi, an toàn và đậm đà bản sắc dân tộc, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí; tổ chức thăm hỏi, chúc mừng và tặng quà ở tất cả các chùa Khmer, các gia đình chính sách, hộ nghèo, những người có uy tín, tiêu biểu trong phum sóc… Đó là nghĩa cử cao đẹp, là tình cảm quý báu của tỉnh dành cho đồng bào dân tộc, làm Tết cổ truyền của bà con dân tộc thêm vui và đậm đà ý nghĩa.

Đây còn là nguồn động viên, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, là động lực để mỗi gia đình, cá nhân người dân tộc Khmer phấn đấu hết mình trong sản xuất, lao động và học tập, xây dựng gia đình no ấm, phum sóc phồn thịnh.

Kết thúc năm 2014, toàn tỉnh Bạc Liêu có hơn 400 hộ dân tộc Khmer thoát nghèo và hàng trăm hộ cận nghèo vượt qua cuộc sống khó khăn. Thành quả ấy, ngoài sự quan tâm đặc biệt và thường xuyên của Đảng và Nhà nước, còn là sự vươn lên không ngừng của đồng bào Khmer bằng chính bàn tay, khối óc và nghị lực của mình.

Cụ thể, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhờ vào vốn Ngân hàng chính sách xã hội đầu tư đã thoát nghèo như ông Sơn Ngọc Xuân ở xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu, từ vốn vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội đầu tư thông qua Tổ Tiết kiệm vay vốn ấp Công Điền, ông đã cải tạo lại 5.000m2 vườn tạp thành ao nuôi tôm, chí thú làm ăn, được hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm. Sau 1 năm, ông Xuân đã có thu trên 60 triệu đồng, trả dứt nợ. Ngoài ra, ông còn mướn thêm 5.000m2 đất mở rộng nuôi tôm.

Hay trường hợp bà Đặng Thị Chuộn ở ấp Ninh Thuận, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân chỉ với số tiền vay 5 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội đầu tư, bà đã tổ chức chăn nuôi lợn, gia cầm, sau 1 năm có thu nhập trên 15 triệu đồng.

Quan tâm đến đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, Bạc Liêu còn thực hiện khá tốt một số chính sách hỗ trợ vật chất, tổ chức các lễ hội, ngày Tết cổ truyền, trang bị nhạc cụ, tủ sách pháp luật và một số phương tiện để duy trì, phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc như hỗ trợ trùng tu chánh điện tại chùa Kosthum; chùa Đầu Sấu huyện Hồng Dân; sửa chữa chánh điện, tăng xá, hàng rào các chùa Phật giáo Nam tông trên địa bàn; đầu tư kinh phí cho 4/5 chùa Khmer trong tỉnh xây lò hỏa táng…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm đào tạo nguồn nhân lực là con em đồng bào dân tộc, hiện có 258 sinh viên được cử tuyển theo học tại các trường đại học và gần 400 học sinh đang học tại trường Dân tộc nội trú của tỉnh.

Năm nay, tỉnh tiếp tục triển khai chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề cho 3.686 hộ với tổng kinh phí 18,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉnh sẽ hỗ trợ trực tiếp hộ dân tộc nghèo ở vùng khó khăn với 91.908 người tại 32 xã, tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng; hỗ trợ thêm 9 tỷ đồng xây dựng và sửa chữa thêm 8 lò hỏa táng cho các chùa Khmer.

Tỉnh cũng sẽ tiếp tục trợ cấp cho 258 sinh viên cử tuyển đang theo học tại các trường đào tạo chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh với tổng số tiền mà tỉnh dự kiến sẽ chi gần 5 tỷ đồng...

Những ngày này, trong các phum sóc, đồng bào dân tộc Khmer đang rộn rã đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây. Các đoàn chúc Tết của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các huyện, thành phố trong tỉnh cũng tất bật với các hoạt động thăm hỏi, chúc Tết tại các chùa, các cơ quan, đơn vị và các gia đình tiêu biểu, thể hiện sự quan tâm sâu sát của Đảng bộ, chính quyền địa phương đến đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer.

Cán bộ công chức, viên chức người dân tộc Khmer cũng được nghỉ 3 ngày (từ 13-15/4 tới) để đón Tết cổ truyền của dân tộc cùng gia đình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục